BOT An Sương - An Lạc: Đầu tư thêm và thu phí thêm có đúng luật?

(PLO) - Giới tài xế căn cứ vào hồ sơ, dự án ban đầu và kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định dự án BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1, địa phận quận Bình Tân, TP HCM đã thu phí quá hạn đến 31 tháng.
Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc
Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc

Theo kết luận của TTCP đã hết hạn thu phí

Chủ đầu tư dự án BOT nói trên và Sở GTVT TP HCM cho rằng đã đầu tư thêm 2.000 tỉ xây bốn cầu vượt nên sẽ thu thêm 15 năm nữa. Sở khẳng định đã làm đúng luật, TTCP kết luận có sai từ thủ tục đầu tư, phương pháp lựa chọn nhà thầu và cả quyết toán tài chính, kiến nghị UBND TP HCM và Bộ GTVT xem xét xử lý sai phạm nhưng chưa ai làm.

Việc thu phí hiện nay có nhiều bất hợp lý, người không qua cầu vượt cũng bị thu, người chỉ đi một đoạn đường trên đường đã hoàn phí cũng bị thu. Tài xế bất bình không mua vé, BOT nhờ lực lượng công an vào cuộc đảm bảo an ninh trật tự. BOT chốt chặn trên đường độc đạo nối Sài Gòn và cả nước ở phía Tây nên kéo dài nhùng nhằng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội.

Từ chiều 3/12, nhiều tài xế không chấp nhận đóng tiền mua vé qua trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc. Các tài xế mạnh dạn cho rằng, chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã thu phí quá hạn 31 tháng nên không trả tiền phía qua trạm.

“Nói có sách, mách có chứng”, các tài xế đã đưa ra bản hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4/2004 kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng.

Vì vậy, các tài xế yêu cầu chủ đầu tư phải bỏ thu phí, trạm không chấp nhận, tài xế dừng lâu,... khiến doanh nghiệp phải “xả trạm”. Tình trạng này được gọi là “BOT thất thủ” và từ ngày 3 đến ngày 5/12, BOT An Lạc An sương nhiều lần “thất thủ” phải xả trạm.

Những ngày kế tiếp, tình trạng căng thẳng kéo dài đến ngày 10/12. Sở GTVT chính thức có văn bản đề nghị công an hỗ trợ để bảo đảm trật tự cho trạm thu phí. Tuy nhiên, giới tài xế vẫn không chùn bước, họ công khai đưa lên mạng xã hội hình ảnh hàng núi tiền lẻ đã chuẩn bị cho “cuộc đấu tranh” sắp tới.

Nguyên nhân dẫn tới sự phản đối của các tài xế với dự án BOT An Sương - An Lạc là từ năm 2017, TTCP có kết luận về việc thu phí kéo dài. Theo đó, dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc được Bộ GTVT giao cho Công ty IDICO làm nhà đầu tư.

Giai đoạn trước 23/7/2010, công tác quản lý hợp đồng do Bộ GTVT thực hiện, giai đoạn sau ngày 23/7/2010 do UBND TP HCM. Quy mô công trình đường giao thông cấp I, chiều dài tuyến gần 13,7 km; thời gian thi công từ tháng 4/2001 và hoàn thành vào quý I/2004.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay ngân hàng trong nước, thời gian thu phí hoàn vốn là 114 tháng.

Nhiều sai phạm tài chính từ giai đoạn 1

Qua thanh tra cho thấy, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án của Bộ GTVT chưa đầy đủ, thiếu chính xác, trong đó phê duyệt tăng sai tổng mức đầu tư (chi phí dự phòng) gần 17,7 tỷ đồng. Điều này là vi phạm quy định tại Thông tư số 09/2000/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí công trình.

Ngày 27/11/2003, Bộ GTVT và nhà đầu tư ký hợp đồng BOT thay thế hợp đồng BOT năm 2000 với thời gian thu phí là 145 tháng (tăng 31 tháng so với dự kiến ban đầu). TTCP cho rằng, theo quy định Luật, thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được hoàn cho nhà đầu tư và thực tế nhà đầu tư  đã được hoàn thuế VAT với số tiền gần 8,9 tỷ đồng năm 2005 và năm 2006 là hơn 10,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong hợp đồng BOT, hai bên thống nhất tính toán hoàn vốn bao gồm cả thuế VAT hơn 19,5 tỷ đồng nói trên vào tổng vốn đầu tư dự án, dẫn đến kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn không đúng quy định.

Bên cạnh đó, theo quy định của hợp đồng, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn được điều chỉnh khi giá trị quyết toán công trình thay đổi so với tổng mức đầu tư được duyệt thì 2 bên phải tổ chức đàm phán xác định lại thời gian khai thác thu phí hoàn vốn.

Tuy nhiên, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ ngày 2/1/2005, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt là hơn 755 tỷ đồng, giảm so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là hơn 831,6 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí hoạt động doanh thu, chi phí thuế VAT thay đổi nhưng UBND TP HCM và nhà đầu tư không tổ chức đàm phán lại theo quy định tại Điều 8 của Hợp đồng BOT.

Cũng theo quy định của Hợp đồng BOT đã ký kết, chậm nhất sau 6 tháng khi dự án hoàn thành nghiệm thu, nhà đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ và quyết toán dự án theo quy định. Tuy nhiên, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 1/2005 nhưng đến ngày 30/12/2008, nhà đầu tư mới phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

TTCP khẳng định, việc chậm trễ quyết toán hơn 3 năm này là vi phạm quy định tại Điều 13 của Hợp đồng BOT. Tổng vốn đầu tư dự án được quyết toán hơn 755 tỷ đồng (bao gồm cả thuế VAT), vốn vay là 555 tỷ đồng, các khoản phải trả hơn 7 tỷ đồng, các khoản phải thu hơn 1,2 tỷ đồng. 

Như vậy, vốn chủ sở hữu thực tế đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc chỉ hơn 194,5 tỷ đồng, tương đương 25,76% tổng mức đầu tư dự án, không đủ tỷ lệ 30% theo quy định của hợp đồng vốn chủ sở hữu phải đạt, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước...

Từ kết quả thanh tra, TTCP khẳng định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án là UBND TP HCM, Bộ GTVT, trực tiếp là các cơ quan tham mưu còn thiếu trách nhiệm trong công việc, chưa thực hiện hết nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng; Nhà đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án.

IDICO khẳng định thu thêm đúng quy trình

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Ninh - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI) là nhà đầu tư dự án cho biết, dự án ban đầu là cải tạo nâng cấp mở rộng QL1 đoạn An Sương - An Lạc có chiều dài tuyến 14km, được thu phí trong thời gian 145 tháng và kết thúc thu vào ngày 31/1/2017.

Tuy nhiên, IDICO - IDI tiếp tục thu phí BOT An Sương - An Lạc là để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng 4 công trình cầu vượt tại các nút giao trên tuyến quốc lộ này, nên được thu phí đến tháng 2/2033. Song phía IDICO cho rằng, tất cả các quy trình đầu tư thủ tục thu phí... điều được thực hiện theo các quy trình, quy định, được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Chủ trì buổi họp báo chiều 4/12, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Nguyễn Văn Tám đã xác nhận toàn bộ cơ sở pháp lý mà IDICO công bố. Ông Tám phát biểu: “Dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, làm đúng theo quy định pháp luật, không hề có dấu hiệu tiêu cực nên rất dễ để giải thích cho người dân hiểu và đồng thuận. Tuy nhiên, đối với những nhóm đối tượng cố tình hiểu nhầm, kích động,… cần có giải pháp giải quyết triệt để, tránh tái phạm”.

Nhưng không riêng giới tài xế, báo chí mà chính đại diện quận UBND quận Bình Tân, Phó Chủ tịch Nguyễn Gia Thái Bình cũng chưa hiểu rõ dự án nên đề nghị IDICO thông tin kịp thời tính pháp lý của dự án với các cơ quan truyền thông, đến trực tiếp tài xế, người dân… để hiểu rõ.

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường ngày 4/12 đã khẳng định: “BOT An Sương không thu phí quá hạn” và “đoạn đường từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị”...Theo ông Cường, chủ đầu tư đang thu phí theo hợp đồng mới với TP HCM và việc này đã được Thủ tướng cho phép. 

Dư luận hoài nghi

Dư luận cho rằng nhận định “đoạn từ An Sương đến An Lạc là đường đô thị” của ông Bùi Xuân Cường chưa thực sự cẩn trọng. Bởi Điều 39 Luật Giao thông đường bộ ghi rõ: Quốc lộ là “đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên;… đường có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực”; Đường đô thị là “đường trong phạm vi ranh giới địa chính nội thành, nội thị”.

Cần phải khẳng định rằng, quốc lộ 1A đoạn qua An Sương - An Lạc là quốc lộ, có vị trí đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội tầm quốc gia. Không thể coi tuyến đường này là đường đô thị của TP HCM để TP HCM ký thêm các hạng mục BOT cho IDICO thu phí cả phương tiện từ các tỉnh khác, khi hợp đồng BOT do Bộ GTVT ký đã quá thời hạn thu phí.

Thêm nữa, trong 3 văn bản chứng nhận đầu tư của thành phố đều thể hiện rõ khả năng tài chính yếu kém của IDICO trong việc thực hiện các hạng mục đầu tư bổ sung này. Cụ thể, tại dự án đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỉ đồng, chủ đầu tư chỉ có gần 112 tỉ đồng, số còn lại (634 tỉ đồng, chiếm 85%), IDICO phải đi vay.

Tương tự, tại 2 dự án đầu tư bổ sung ở nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỉ đồng; công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỉ đồng, IDICO đều chỉ có 15% vốn và phải vay đến 85% tổng vốn.

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng dự án BOT An Sương – An Lạc cần phải công khai, minh bạch đã là dự án đầu tư công, nhất là dự án giao thông thì cần phải đấu thầu công khai để chọn ra mức giá đầu tư hợp lý và hiệu quả nhất. 

Khi IDICO tự đầu tư 2 cây cầu vượt Hương lộ 2 và Gò Mây mà không qua đấu thầu công khai thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong trường hợp này, việc xác định giá đầu tư 2 cây cầu do IDICO đầu tư phải do một đơn vị kiểm toán độc lập đưa ra.

Đọc thêm