Hải Dương: Ngân sách nhà nước đang bị để lãng phí nghiêm trọng?

(PLO) - Một dự án được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng với mục tiêu hỗ trợ người trồng vải đang bị bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương khiến dư luận phải đặt câu hỏi: có hay không việc ngân sách nhà nước đang bị để lãng phí nghiêm trọng?
Một công trình của dự án sơ chế vải tiền tỷ bị “bỏ hoang”
Một công trình của dự án sơ chế vải tiền tỷ bị “bỏ hoang”

“Bỏ không” công trình hàng chục tỷ đồng

Năm 2013, dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương” được triển khai, do Sở NN&PTNT Hải Dương làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Mục đích của dự án là nhằm xây dựng vùng sản xuất vải sạch để người dân trồng vải Thanh Hà có thể yên tâm thực hiện các công đoạn ban đầu và vận chuyển vải thiều đến nơi tiêu thụ được đảm bảo an toàn về vệ sinh sản phẩm.

Theo đó, diện tích để xây dựng các công trình phục vụ cho khu vực sản xuất là 28 ha với các hạng mục được hỗ trợ xây dựng như: đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, trang thiết bị quản lý chất thải, sơ chế, bảo quản vải thiều sau thu hoạch…

Với mong muốn sản phẩm vải thiều của mình đạt giá hiệu quả cao cả về chất và lượng, chính quyền và người dân xã Thanh Xá đều ủng hộ nhiệt tình và kỳ vọng rất nhiều vào dự án. Hơn 100 hộ dân có diện tích nằm trong dự án đã tình nguyện hiến hơn 2.600m2 đất để làm làm đường giao thông. Trên 3,6 km đường giao thông đã được hoàn thành với 7 tuyến đường nội vùng (dài hơn 2,2km) và một tuyến đường trục chính nối vùng sản xuất vải thiều với đường giao thông chính của xã dài hơn 1,3km. Ngoài ra còn xây dựng thêm 7 cống thoát nước, 4 tuyến kênh với chiều dài trên 2km được nạo vét, 15 hố thu gom rác thải độc hại.

Người dân xã Thanh Xá cho hay, đường sá và nhiều công trình khác được hỗ trợ xây dựng và làm mới ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Nhưng điều họ kỳ vọng nhất đó chính là nhà sơ chế, nhà điều hành, kho vật tư và khu nhà tập kết vải, nhà kho vật tư nông nghiệp, nhà đóng gói, hệ thống rửa nông sản và bể chứa nước sạch. Bởi các công trình này sẽ giúp cho hộ trồng vải có điều kiện thuận lợi để phát huy được năng suất, chất lượng của sản phẩm. Qủa vải cũng sẽ được bảo quản tốt hơn trong quá trình vận chuyển đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, khi công trình được hoàn thành, hầu như không thể đưa vào sử dụng được.

Không muốn một công trình được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng trở thành “vô ích”, lãng phí tiền của, người dân đã nhiều lần kiến nghị với các ban ngành, đoàn thể để khắc phục tình trạng trên. Vào năm 2015, Bộ NN&PTNT đã tiến hành đưa một dây chuyền sơ chế vải về đây để thử nghiệm. Nhưng với công suất 3 tấn vải/lần, dây chuyền chỉ chạy thử được đúng 1 tấn vải đông lạnh xuất khẩu rồi dừng lại, bỏ không cho đến tận bây giờ cùng với nhà sơ chế. 

Ông Quách Trung Lương, một người dân sống gần khu nhà sơ chế vải cho biết, mỗi tháng ông được xã trả 800 nghìn đồng để trông coi khu vực này. Vì không sử dụng nên hiện nay nhiều hạng mục, máy móc tại nhà sơ chế đã bị xuống cấp, han gỉ hoặc không sử dụng được như máy bơm nước. Riêng dây chuyền thử nghiệm của Bộ NN&PTNT để đó “đắp chiếu”, máy móc bị han, không rõ còn vận hành được không.

Nhà ông Lương có đến hơn mẫu trồng vải nhưng mùa thu hoạch đến, gia đình ông cùng nhiều hộ gia đình khác đều phải đóng gói vải ở tại bờ ruộng, vườn cây hoặc chuyên chở vải ra ven tỉnh lộ 390 hay những nơi có thể để vải được để bán vải. 

Lý giải về điều này, ông Lương cho hay: Phương tiện vận chuyển vải chủ yếu là các xe có trọng tải lớn như xe container, xe 8 tấn nhưng vì nhà sơ chế có vị trí nằm ở sâu trong xã, không gần tỉnh lộ 390 nên đường giao thông dù được làm mới nhưng vẫn còn nhỏ hẹp, bề ngang chỉ rộng từ 2,5 – 3 mét, không thuận tiện để các xe tải lớn đi vào. “Người dân thì chật vật tìm nơi tập kết bán vải còn nhà sơ chế thì cứ án ngữ ở đó và bị bỏ không một cách lãng phí. Nhiều lái buôn cũng muốn tận dụng nơi đây để thu mua vải nhưng vào xem xét họ lại lắc đầu quay ra ngay vì đường sá chật hẹp, không thuận tiện cho xe tải ra vào”, ông Lương chia sẻ.

Trách nhiệm thuộc về đâu?

Ông Phạm Quốc Trọng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết, dự án xây dựng nhà sơ chế vải được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và xã không phải đóng góp một khoản tiền nào. Là một trong những xã có sản lượng quả vải cao nhất trong huyện nên những ngày thu hoạch, hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ ra vào thu mua vải thường xuyên gây ách tắc đường, phương tiện chủ yếu là xe container. Nhưng chính vấn đề đường giao thông vào nhà sơ chế còn nhỏ hẹp khiến cho việc thu mua, tập kết và vận chuyển vải không được dễ dàng. 

“Khu vực nhà xưởng xây dựng quá nhỏ, ở sâu, cách xa tỉnh lộ. Những xe cỡ nhỏ vẫn vào thu mua vải được nhưng trọng lượng chở không được nhiều bằng các xe container. Vì vậy rất mất thời gian và công sức, mẫu mã quả vải cũng không được đảm bảo, dễ giập nát. Nếu vấn đề đường giao thông không được khắc phục, tháo gỡ sớm, chắc chắn khu nhà sơ chế vải sẽ tiếp tục bị bỏ hoang, không thể đáp ứng được yêu cầu thực tế”,  ông Trọng cho biết.

Việc một công trình xây dựng đến hàng chục tỷ đồng nhưng lại để bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng nhiều năm, không mang lại lợi ích thiết thực cho người dân đã phần nào bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác dự toán thẩm định phê duyệt dự án. Từ đó, dư luận cũng đặt câu hỏi: Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi tiền của Nhà nước đang bị lãng phí như vậy và nếu người dân không “xót” rồi lên tiếng phản ánh thì công trình này sẽ tiếp tục bị “bỏ hoang” đến bao giờ?

Đọc thêm