Mảnh đất “số đen” bị chính quyền “vẽ nhầm”, dân lãnh đủ

(PLO) -Đất do gia đình ông Danh mua hợp pháp, đóng thuế hàng chục năm bỗng dưng bị hàng xóm lấn chiếm. Ông Danh đưa đơn khiếu nại, chính quyền cho rằng do vẽ sai, giao nhầm nên đất của hàng xóm “lạc” vào thửa đất nhà ông Danh. 
Ông Danh phản ánh mảnh đất của gia đình liên tiếp dính tranh chấp
Ông Danh phản ánh mảnh đất của gia đình liên tiếp dính tranh chấp

Tranh chấp “tay tư”

Nhiều năm qua, gia đình ông Trang Sĩ Danh (SN 1954, ngụ quận 5, TP. HCM) vẫn theo đuổi việc khiếu nại đòi lại những phần đất tranh chấp với hàng xóm. Ông Danh cho rằng có 2 hàng xóm đã lấn chiếm gần 350m2 đất mà mẹ ông đứng tên mua ở ấp 4, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM.

Theo hồ sơ ông Danh cung cấp, năm 1980, mẹ ông Danh mua một phần đất thổ vườn của bà Lê Thị Út ở địa chỉ D9/29, ấp 4 bằng giấy viết tay. Diện tích khu vườn trong giấy mua bán là 4.500 m2. Đến năm 1985, UBND huyện Bình Chánh phê duyệt mục kê khai 299/TTg cũng xác định phần đất thổ vườn của bà Huê là 4.500 m2 và nằm trong 1 thửa.

Tuy nhiên, không hiểu sao trong quyết định số 02/CT – UB theo sổ mục kê ruộng đất của xã Tân Quý Tây thửa đất của mẹ ông tách làm 3 thửa khác nhau nhưng tổng diện tích chỉ còn lại 4.155m2 (giảm 345 m2).

“Bị mất đất nhưng gia đình tôi chưa biết. Phần vườn này trước đây đường đi duy nhất vào nhà tôi. Sau đó, nhà nước mở rộng con đường, tráng nhựa, đi lại thuận lợi. Từ đó, sinh ra nhiều tranh chấp và gia đình tôi mới biết đất bị mất”, ông Danh nói.

Theo ông, đầu tiên, bà Út, người bán đất khiếu nại vì cho rằng chỉ bán đất chứ không có bán cái đìa cập đường lộ nên yêu cầu gia đình ông Danh trả lại cái đìa. Việc khiếu nại này kéo dài, đến năm 2002, huyện Bình Chánh bác đơn của bà Út vì trong giấy mua bán thể hiện rõ cái đìa tranh chấp nằm trọn trong phần đất bà Út đã chuyển nhượng cho mẹ ông Danh.

Sau đó, dù bán đất cho gia đình ông Danh nhưng khi xảy ra tranh chấp, bà Út không làm chứng cho gia đình ông về việc ranh đất, diện tích đất đã bán.

Đến 2000, ông Danh cắm cọc ranh đất thì xảy ra tranh chấp với hai hàng xóm là ông Lê Ngọc Quy ở cuối đất và ông Trần Đăng Mười ở đầu đất. Ông Danh tố cáo: “Phần đất ông Mười lấn chiếm khoảng 56 m2 mặt tiền đường lộ. Năm 1963 có một con đường nhỏ dẫn vào nhà tôi nằm trọn trên phần đất nhà tôi mua. Còn con đường của ông Mười là con đường riêng cập sát theo đường của tôi. Ông Mười cho rằng phần đất của tôi là của nhà ông ta nên dùng gai chắn lối đi”.

Thời điểm mẹ ông Danh còn sống đã khiếu nại khắp nơi về tranh chấp với ông Mười, cho rằng đất mình mua bị lấn chiếm. Các văn bản giải quyết của UBND cấp huyện và thành phố, bà cụ “thua trắng”.

Năm 2009, mẹ ông Danh khởi kiện ông Mười, tòa án huyện Bình Chánh thụ lý nhưng mãi đến năm 2014, sau khi bà chết, hồ sơ mới được chuyển lên tòa án TP. HCM. Việc kéo dài 5 năm không giải quyết của tòa án Bình Chánh không rõ lý do.

Mới đây nhất, vào tháng 4/2017, tòa án TP. HCM lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do gia đình ông Danh không cung cấp được địa chỉ những người con, cháu thừa kế theo pháp luật của mẹ ông. Tuy nhiên, ông cho biết mãi đến tháng 8/2017, ông mới nhận một bản photo quyết định đình chỉ này và “rơi” vào nhà ông lúc nào không rõ. 

Ông Danh nói: “Con cháu của mẹ tôi rất đông, có những người hiện đang cư trú ở nước ngoài hoặc các tỉnh thành khác nhau. Tôi đã cung cấp đầy đủ địa chỉ những người đó nhưng tòa vẫn cứ nại lý do không cung cấp để làm khó dễ. Và giờ, họ âm thầm đình chỉ và bảo tôi lấy lại tiền án phí đã đóng năm 2009 là 964.000 đồng. Theo luật, chỉ được kháng cáo trong 7 ngày nhưng tới mấy tháng sau chúng tôi mới nhận được quyết định photo, sao tôi đi kháng cáo được”.

Đơn gửi báo PLVN của ông Danh
Đơn gửi báo PLVN của ông Danh

Bắt cá, chặt củi được cấp đất?

Song song với việc khiếu nại, khởi kiện ông Mười, gia đình ông Danh còn khiếu nại về việc do sai sót của chính quyền khiến đất của gia đình ông bị cấp sang cho ông Lê Ngọc Quy là 296 m2 mặt tiền đường. 

Ông Danh nói: “Sau khi xong vụ khiếu nại của bà Út, ông Quy ngang nhiên sang chặt cây, lấn chiếm vì cho rằng phần đất này của mình nhưng bị cấp nhầm sang cho gia đình tôi”.

Không đồng ý, gia đình ông Danh khiếu nại. UBND TP. HCM dựa vào báo cáo từ cấp dưới ra văn bản cho rằng phần tranh chấp 296 m2 là do ông Quy bắt cá, hái dừa, đốn cây trâm bầu lấy củi từ năm 1975 tới nay. Việc bắt cá, chặt củi này có sự làm chứng của người dân. Trong quá trình sử dụng với mục đích nói trên, ông Quy đã đóng thuế đầy đủ. 

Theo quyết định cuối cùng của UBND TP. HCM năm 2004 lý giải: “Trong quá trình đo vẽ xác lập bản đồ sổ mục kê 02/CT – UB có sự sai sót nên một phần đất của ông Quy bị nhập chung vào đất của gia đình ông Danh đã đăng ký. Diện tích bị nhập chung là 296 m2. Gia đình ông Danh dựa vào giấy chuyển nhượng viết tay với bà Út để đòi lại phần đất của ông Quy sử dụng là không có cơ sở”.

Tuy nhiên, ông Danh phản bác: “Ngay sổ mục kê 02/CT – UB đã làm mất đất của gia đình tôi. Giờ bảo có sự sai sót, gia đình tôi lại mất thêm 296 m2 đất nữa. Liệu rằng ai sẽ chịu trách nhiệm với sự sai sót này. Đã là sai sót nhưng chính quyền vẫn lấy ra làm căn cứ để giải quyết khiếu nại cho gia đình tôi là sao?

Tôi khẳng định phần đất 296 m2, gia đình tôi mua lại của bà Út và sử dụng, đóng thuế hàng mấy chục năm qua. Tôi vẫn còn giữ giấy tờ đóng thuế. Chúng tôi dựa vào giấy mua bán với bà Út và việc mua bán, bà Út có chỉ ranh giới chứ không phải nói miệng. Vườn rộng, cây cối nhiều, lại có ao đìa. Người dân xung quanh vào bắt cá, chặt củi là bình thường. Tại sao lấy cớ họ bắt cá, chặt củi mà cấp đất cho họ”.

Quyết định của UBND TP.HCM nói rằng phần tranh chấp 296 m2 là của ông Quy quản lý, sử dụng từ năm 1975 cho đến khi giải quyết vụ việc. “Nếu sử dụng tại sao lại ra quyết định cưỡng chế đối với tôi vào năm 2005, buộc tôi phải giao 296 m2 đất cho ông Quy. Lúc cưỡng chế, không giao quyết định, không kê biên cây trồng. Nếu có quyết định cưỡng chế tức đất vẫn do gia đình tôi quản lý, sử dụng chứ không phải do ông Quy quản lý, sử dụng như xác minh của UBND TP.HCM”.

Ông Danh cho rằng những việc sai sót, tắc trách của chính quyền khiến gia đình ông bị mất đất một cách vô lý. Ông nói, UBND TP.HCM còn ghi rõ quyết định cuối cùng nên gia đình ông không khiếu nại được, gửi đơn khắp các cơ quan trung ương nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“Một điều vô lý khác, gia đình tôi mang cọc rào đến rào phần đất còn lại, không hề tranh chấp nhưng ông Quy không chịu. Tôi mời chính quyền xã đến nhưng không ai giải quyết. Phần đất không tranh chấp là hợp pháp của gia đình tôi. Việc bị ngăn cản rào xung quanh khiến vườn nhà tôi thường xuyên bị đột nhập vào hái cây trái, cắt măng, bắt cá.

Ngoài ra, việc không rào cố định được thì nguy cơ bị lấn chiếm rất cao và có thể dẫn đến tranh chấp tiếp. Gia đình tôi rất mệt mỏi, hàng mấy chục năm qua không yên ổn được vì liên tiếp tranh chấp. Mong rằng chính quyền sớm giải quyết giúp gia đình tôi”, ông Danh nói.

Đọc thêm