Một trường mầm non nguy cơ đóng cửa vì bãi phế liệu

(PLO) - Qua nhiều lần trả lời báo chí về vụ việc trên, ông Dương Chí Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu thừa nhận, việc cấp giấy phép kinh doanh giữa trường và cơ sở thu mua phế liệu gần nhau là chưa phù hợp. Nhưng do cả hai đều được cấp giấy phép hoạt động nên việc di dời một trong hai cơ sở này là rất khó.
Trường Mầm non Bibo bên cạnh vựa phế liệu
Trường Mầm non Bibo bên cạnh vựa phế liệu

Bà Võ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường, lớp mầm non tư thục BiBo (đường Lê Duẩn, khóm 7, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết đã gửi đơn cầu cứu khắp ban ngành, từ tỉnh đến Trung ương suốt 2 năm qua vì một cơ sở thu mua phế liệu đặt sát vách gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên nhà trường chỉ nhận câu hứa suông, hoặc có chỉ là xử lý qua loa theo kiểu “dĩ hòa vi quý”, cho cả hai cùng tồn tại.  

Theo biên bản làm việc của các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và UBND tỉnh  Bạc Liêu, cả Trường, lớp mầm non tư thục BiBo và cơ sở thu mua phế liệu của ông Quách Thắng Chương (sát vách trường) đều được ngành chức năng thành phố Bạc Liêu cấp giấy phép hoạt động. Cụ thể, Trường, lớp mầm non tư thục BiBo được Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 2/3/2015, trong khi biên bản làm việc của UBND phường 1, thành phố Bạc Liêu ngày 7/4/2016, kiểm tra về việc ô nhiễm môi trường và gây tiếng ồn của cơ sở thu mua phế liệu, thể hiện “qua khảo sát thực tế cơ sở thu mua phế liệu của ông Quách Thắng Chương, chưa có giấy phép kinh doanh, chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường. Nhưng chỉ 13 ngày sau khi bị kiểm tra, cơ sở này đầy đủ các giấy tờ và được cho tồn tại đến nay.

Theo bà Trần Yến Hòa, Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, khoản 13 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ các hành vi nghiêm cấm việc đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa… Mặc dù luật quy định rõ nhưng người cấp phép đã “phớt lờ” quy định, cấp phép kinh doanh giữa các loại hình hoạt động không theo luật, khi việc đã rồi thì né tránh trách nhiệm.

Qua nhiều lần trả lời báo chí về vụ việc trên, ông Dương Chí Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu thừa nhận, việc cấp giấy phép kinh doanh giữa trường và cơ sở thu mua phế liệu gần nhau là chưa phù hợp. Nhưng do cả hai đều được cấp giấy phép hoạt động nên việc di dời một trong hai cơ sở này là rất khó. Theo ông Bình, về lâu dài thành phố sẽ cho quy hoạch, sắp xếp lại loại hình kinh doanh thu mua phế liệu một cách hợp lý, không để xảy ra xung đột, bất cập giữa các hộ kinh doanh, các loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, câu trả lời này chưa tạo được sự đồng thuận.

Theo quản lý Trường BiBo, mặc dù cận ngày khai giảng năm học mới 2018- 2019, nhà trường đã tích cực đầu tư nâng cấp, sửa chữa, trang bị thêm dung cụ học tập, khu vui chơi… đón trẻ vào học. Nhưng với kiểu xử lý “nửa vời” của chính quyền đang đẩy trường vào nguy cơ đóng cửa. Bà Dung bức xúc nói, từ khi hộ ông Quách Thắng Chương đến thuê đất sát trường mở cơ sở thu mua phế liệu, khiến việc học, sinh hoạt của cả trăm trẻ em ở trường bị đảo lộn. Nhiều phụ huynh chuyển trường cho con em dẫn đến số trẻ của trường hiện tại giảm hơn 50% so với trước đó.  

Đọc thêm