Tài sản riêng của con bị “biến” thành di sản của bố mẹ?

(PLO) - TAND huyện Đại Từ, Thái Nguyên đang tiến hành thụ lý lại vụ kiện tranh chấp thừa kế do bản án sơ thẩm, phúc thẩm trước đây đã bị Tòa án cấp giám đốc thẩm (GĐT) tuyên hủy. Một trong những nội dung được yêu cầu làm rõ là việc có hay không việc nguyên đơn đã bán cả phần đất có 3 gian nhà cho bị đơn từ năm 1993 nhưng vẫn kiện đòi thừa kế.
Nhà thờ họ trước khi bị phá dỡ
Nhà thờ họ trước khi bị phá dỡ

Một vấn đề mới phát sinh mà Tòa cấp sơ thẩm cũng cần phải xem xét là trách nhiệm của nguyên đơn khi đã tự ý phá dỡ nhà thờ họ mà các đương sự đã thống nhất dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên chung.  

Hủy án sơ thẩm, phúc thẩm vì chưa làm rõ nhiều vấn đề

Năm 2014, ba chị em bà Nguyễn Thị Sửu, bà Nguyễn Thị Thúy và ông Nguyễn Văn Thắng đã có đơn khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của bố mẹ gồm toàn bộ thửa đất số 29, tờ bản đồ số 13 (rộng gần 2500m2) và thửa đất lúa số 156 tại xóm Trại 4, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ do bà Hoàng Thị Ngoan (chị dâu) đang quản lý, sử dụng.

Tại bản án sơ thẩm, TAND huyện Đại Từ đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn, xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm 4 đồng thừa kế gồm bà Sửu, ông Thắng, bà Thúy và hai thừa kế thế vị của ông Chất (chồng bà Ngoan và là anh trai của các nguyên đơn) là anh Nguyễn Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Việt Hương. Mỗi đồng thừa kế được 20m2 đất ở và 191m2 đất vườn.

Khi xét xử phúc thẩm, sau khi trừ phần di sản hết thời hiệu chia thừa kế, diện tích đất làm nhà thờ và đất do vợ chồng bà Ngoan tự mua thêm, TAND tỉnh Thái Nguyên xác định di sản tranh chấp gồm 145m2 đất thổ cư, 922 m2 đất vườn và 234m2 đất lúa; mỗi nguyên đơn (kỷ phần) được chia 30m2 đất thổ cư, hơn 194 đất vườn và hơn 58m2 đất lúa (tổng trị giá khoảng hơn 70 triệu đồng). Riêng bà Ngoan được tính công duy trì, bảo quản tài sản của các cụ để lại là 20m2 đất thổ cư và 116m2 đất vườn.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2016 thì cả hai bản án nói trên đều bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy, giao hồ sơ cho TAND huyện Đại Từ xét xử sơ thẩm lại vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ một số vấn đề.

Đã bán nhà đất, còn đòi chia thừa kế?

Trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bà Ngoan đều khẳng định, phần lớn diện tích đất đang bị các em chồng khởi kiện chia thừa kế là do vợ chồng bà khai hoang hoặc nhận chuyển nhượng của người khác. Trong số diện tích đất này có cả ngôi nhà 3 gian nằm trên hàng trăm m2 đất mà vợ chồng bà đã mua từ chính từ em chồng - bà Nguyễn Thị Thúy - vào năm 1993. Phần đất này, bà Thúy được bố mẹ cho và xây nhà vào năm 1986.

Bà Ngoan đã xuất trình một “Giấy bán nhà và hoa màu” được cho là do bà Thúy viết ngày 1/4/1993 với nội dung “tôi là Nguyễn Thị Thúy… có một ngôi nhà xây, lợp ngói 3 gian thuộc xóm Trại, xã Bình Thuận. Nay tôi không có nhu cầu dùng đến nữa, tôi bán lại cho chị Hoàng Thị Ngoan…” (văn bản có xác nhận của UBND xã Bình Thuận). 

Hội đồng GĐT cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận lời khai và chứng cứ này của bà Ngoan là chưa đủ cơ sở vững chắc. Lẽ ra, Tòa án hai cấp phải lấy lời khai của bà Thúy và tiến hành đối chất giữa bà Ngoan và bà Thúy để làm rõ ngôi nhà ngói 3 gian bà Thúy bán cho bà Ngoan năm 1993 có nằm trên diện tích đất tranh chấp hay không? 10 chỉ vàng mà vợ chồng bà Thúy ký nhận là giá trị căn nhà hay bao gồm cả giá trị đất?…

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Việt Hương (con bà Ngoan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cho biết, mẹ tôi sẵn sàng đối chất với bà Thúy về việc mua bán nhà đất trước đây. Với bút tích và xác nhận của chính quyền thì bà Thúy không thể chối bỏ được việc đã bán nhà đất cho bố mẹ tôi vào năm 1993. Chú họ tôi là Nguyễn Đức Tần (82 tuổi) cũng có văn bản xác nhận “bà Thúy được các cụ cho đất vườn làm nhà từ năm 1986. Đến năm 1993 thì bà Thúy làm nhà trên phố nên bán lại cho mẹ tôi chỗ thổ cư, gồm cả nhà”. Phải chăng, bà Thúy đã quên việc mình đã bán tài sản, hay muốn bán tài sản hai lần?

Tự ý đập phá nhà thờ họ

Ngoài sai sót trong việc xác định khối di sản thừa kế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn như trên, Hội đồng GĐT còn cho rằng, việc Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu mới của nguyên đơn về việc chia thừa kế thửa đất nông nghiệp số 156 là sai tố tụng (yêu cầu này mới xuất hiện, chưa được cấp sơ thẩm xem xét)…

... và sau khi bị phá dỡ
... và sau khi bị phá dỡ

Một vấn đề nữa tuy không được Hội đồng GĐT đề cập nhưng tới đây, TAND huyện Đại Từ buộc phải xem xét, đánh giá vì theo trình báo của bà Ngoan thì vào ngày 3/3/2016, ông Thắng, bà Thúy, bà Sửu đã di chuyển tài sản trong nhà thờ rồi cho phá dỡ nhà thờ họ (trên diện tích 200m2 đất) tại thửa 29.

Đáng nói, theo các bản án thì ông Thắng chỉ được giao quyền trông nom quản lý nhà đất này để làm nơi thờ cúng tổ tiên chung. Các đương sự đều thống nhất nhà, đất này được trích ra từ di sản thừa kế của bố mẹ, giao ông Thắng (là con trai duy nhất còn sống trong số các anh chị em) trông nom. Điều này có nghĩa, nhà thờ là tài sản chung của các đương sự chứ ông Thắng không có quyền sở hữu, sử dụng riêng (theo bản án, ông Thắng đã được chia riêng là 30m2 đất thổ cư, 194m2 đất vườn và 234m2 đất lúa theo kỷ phần của mình).

Theo biên bản lập tại hiện trường ngày 3/3/1016 thì bà Ngoan đã không đồng ý cho tháo dỡ nhà thờ và đưa ra cảnh báo “ông Thắng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình và dòng họ”. Tuy nhiên, sau đó thì nhà thờ họ vẫn bị “san phẳng”.

Chị Hương cho hay: “Tôi chưa muốn đề cập đến vấn đề tâm linh. Nhưng có thể thấy, việc tháo dỡ nhà thờ họ chung như trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của các đương sự, trong đó có quyền lợi của mẹ tôi, gia đình tôi. Đáng lên án hơn ở chỗ, việc phá dỡ nhà thờ chung trên lại diễn ra khi TAND Tối cao đã có văn bản đề nghị hoãn thi hành án để có thời gian xem xét vụ án theo trình tự GĐT. Vì vậy, gia đình tôi đề nghị Tòa án phải đánh giá, xem xét về trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc phá dỡ nhà thờ chung này”.

Đọc thêm