Thiếu quy định ràng buộc luật sư tham gia chế độ trực ban

(PLO) - Chuẩn bị được thí điểm vào tháng 10/2017, Đề án Luật sư (LS) trực thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) hay còn gọi là LS trực ban được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện tại, góp phần bảo đảm quyền được tư vấn, TGPL của người bị buộc tội để quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật. Song, đây là chế độ mới nên chắc hẳn sẽ gặp không ít những khó khăn khi triển khai.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

LS trực ban là một hoạt động tự nguyện của LS tham gia TGPL miễn phí cho những đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo khi họ có nguy cơ bị buộc tội và có thể phải chịu chế tài của luật hình sự mà chưa có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc LS bào chữa cho họ.

Một trong những điều kiện thuận lợi để triển khai Đề án LS trực ban được hiệu quả là Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm cải cách mạnh mẽ nền tư pháp, hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền như Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức LS, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật LS...

Cùng với đó, đội ngũ LS nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, vị thế của LS ngày càng được nâng cao. Chất lượng hoạt động, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần làm việc và cơ sở vật chất, chế độ thông tin liên lạc của LS ngày càng được nâng lên theo hướng tích cực. Gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều chuyển biến trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho LS tham gia trong các vụ án hình sự, hoạt động và kiến nghị của LS đã được nhiều cơ quan, chính quyền các cấp ghi nhận, tin tưởng. 

Tuy nhiên, do LS trực ban là chế độ mới, chưa từng được thực hiện ở Việt Nam nên nhận thức và hiểu biết của nhiều LS về chế độ này còn chưa đầy đủ, gây khó khăn để có thể vận dụng đúng, phù hợp các quy định hiện hành. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về vị trí vai trò của LS còn chưa đúng nên LS trực thực hiện TGPL có thể chưa nhận được sự ủng hộ từ phía cơ quan điều tra vì cho rằng LS có thể gây trở ngại đối với hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên đối với vụ án. Tuy nhiên, LS trực chỉ thực hiện TGPL ban đầu, giải thích về quyền, nghĩa vụ của các đối tượng và các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật mà không tư vấn đối với vụ việc cụ thể của người bị buộc tội.

Không những vậy, hiện nay vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể về chế độ LS trực thực hiện TGPL mà Luật LS mới chỉ quy định về nghĩa vụ TGPL của LS. Các quy định về quyền bào chữa, quyền được mời người bào chữa được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, đặc biệt là việc thực hiện quyền của LS đối với bị can ngay từ khi họ mới bị bắt cần được tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa. Với hơn 11.000 LS trên cả nước, con số này cơ bản bảo đảm được số lượng LS tham gia trực ban nhưng không phải LS nào cũng lựa chọn lĩnh vực hình sự để hành nghề nên không phải LS nào cũng tự nguyện đăng ký tham gia.

Do vậy, để có thể thực hiện thí điểm thành công chế độ rất mới này, Liên đoàn LS Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ và xây dựng quy chế phối hợp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát... trong đó quy định rõ về việc tạo điều kiện cho hoạt động của LS trực thực hiện TGPL. Xây dựng cơ chế đăng ký, giám sát việc thực hiện LS trực thực hiện TGPL, bảo đảm quá trình làm việc của LS trực tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy định pháp luật, cần thiết có thể đưa nội dung LS trực thực hiện TGPL vào nội dung bồi dưỡng bắt buộc đối với LS. Đặc biệt, công tác truyền thông, phổ biến về hoạt động của LS trực thực hiện TGPL cần được quan tâm, tăng cường hơn nữa, có thể thực hiện thí điểm chế độ này tại một số Đoàn LS có khả năng đáp ứng yêu cầu của Đề án, sau đó tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng trên cả nước.

Đọc thêm