Thừa Thiên - Huế: Chính quyền “ép” ông Phẩm nhận đất?

(PLO) - Như Báo PLVN đã thông tin, hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày khuôn viên đất nhà thờ cố Ngô Quý Đồng (một danh nhân văn hóa thời Tự Đức) tại thôn Lang Xá Cồn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế được UBND huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho một người không có giấy tờ gốc, con cháu danh nhân này đã đi khắp nơi để đòi lại đất thờ tổ tiên. 
Ông Ngô Tuấn Kiệp (bên trái) trước nhà thờ Cố Ngô Quý Đồng
Ông Ngô Tuấn Kiệp (bên trái) trước nhà thờ Cố Ngô Quý Đồng

Ông Ngô Tuấn Kiệp (tức Ngô Mạnh Thu – người được đại gia đình họ Ngô ủy quyền đứng tên khiếu nại) cho biết, gia đình ông có khuôn viên đất nhà thờ cố Ngô Quý Đồng (diện tích 1.880m2) tại thôn Lang Xá Cồn thuộc quyền sử dụng của bố ông là cụ Ngô Mạnh Khảng. Năm 1946 – 1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ, ngôi nhà ở và nhà thờ cố Ngô Quý Đồng bằng gạch ngói bị đập phá. Bố ông theo cơ quan mặt trận Việt Minh rời ra tỉnh Hà Tĩnh. Bốn anh chị em ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn anh trai cả của ông là ông Ngô Mạnh Tiên ở lại trông coi đất nhà thờ, sau đó dựng lại nhà thờ bằng tre lợp tôn. 

Thực hiện di nguyện của bố ông trước khi mất (tháng 11/1975), ông Tiên và ông Kiệp vẫn về nhà thờ cố Ngô Quý Đồng hương khói thờ phụng. Bên cạnh đó, ông còn vận động người thân tích cực dành dụm tiền đóng góp nên đã xây dựng lại ngôi nhà bằng gạch ngói và trồng lại cây cối hoa quả, tạo lập cảnh quan phù hợp với văn hóa tâm linh nhà thờ.

Vì công tác xa quê nên gia đình ông Kiệp đã thuê ông Ngô Văn Phẩm có nhà ở gần đó trông nom, bảo quản tài sản và đất đai nhà thờ. Ông Phẩm được tạm thời khai thác cây ngắn ngày và hưởng hoa lợi trên khuôn viên đất nhà thờ thay vì được trả tiền công trông nom. Năm 1976, có nhóm người vào chặt phá cây cối trên khuôn viên đất nhà thờ và có ý định chiếm đất nhưng ông Phẩm không ngăn cản được vì không phải đất của mình. Do đó, ông Phẩm đã lên xin ông Ngô Mạnh Tiên ký giấy cho ông Phẩm thay mặt ông Tiên có quyền ngăn cản kẻ xấu vào xâm chiếm đất.

Năm 1993, gia đình ông Kiệp bất ngờ nhận được thông tin là khuôn viên đất nhà thờ của gia đình ông đã được thị xã Hương Thủy cấp GCN số B964025 cho ông Ngô Văn Phẩm. 

Ngay sau khi biết sự việc, gia đình ông Kiệp đã liên tục có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng không được trả lời bằng văn bản. 

Theo trình bày của ông Ngô Tuấn Kiệp, mặc dù ngày 20/8/2003, ông Phẩm đã có đơn gửi UBND xã Thủy Thanh, UBND huyện Hương Thủy (cũ) để xin hoàn trả lại đất vườn nhà thờ cho chủ sở hữu, trong đó trình bày rõ nguồn gốc đất như đã nói ở trên. Thế nhưng các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã “không cho” ông Phẩm trả lại đất nhà thờ Cố Ngô Quý Đồng. Đồng thời, ba sào đất mà UBND thị xã Hương Thủy đã lấy của ông Phẩm cũng không được trả lại cho ông Phẩm.

Thay vào đó,  ngày 18/12/2015, UBND thị xã Hương Thủy đã cấp GCN cho vợ chồng ông Phẩm, trong đó sáp nhập đất nhà thờ cố Ngô Quý Đồng vào khu đất nhà ở của vợ chồng ông Phẩm, bà Rê.

“Đất đai có khiếu nại thì phải giải quyết dứt điểm tranh chấp. Thế nhưng chính quyền vẫn cấp GCN cho vợ chồng ông Phẩm, mà việc cấp GCN này lại giấu giếm cho chúng tôi (là gia đình đang có liên quan đến việc khiếu nại diện tích đất này). Gia đình đơn thư nhiều lần, sự việc khá rõ ràng, nhưng chính quyền cấp tỉnh vẫn làm ngơ. Như thế là có dấu hiệu bao che” – ông Kiệp bức xúc phản ánh. Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét toàn diện sự việc và xử lý dứt điểm để đảm bảo quyền lợi của công dân. 

Đọc thêm