Thuê xe ở Cà Mau, gây tai nạn ở Bạc Liêu: Cơ quan tố tụng hai địa phương “đá” thẩm quyền giải quyết cho nhau?

(PLO) - Lái xe quê ở Cà Mau, thuê xe tại Cà Mau sau đó gây tai nạn giao thông tại Bạc Liêu. Tài xế sau đó bị phát hiện sử dụng giấy phép lái xe (bằng lái xe) giả nên đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường. Chủ xe khởi kiện người thuê xe ra tòa, sau đó đề nghị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đã nhiều tháng nay cơ quan tố tụng hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu vẫn đang “trao đổi” với nhau để xác định trách nhiệm giải quyết. 

Dùng bằng giả, gây tai nạn nghiêm trọng

Ngày 8/3/2017 Trần Tài Lộc (SN 1997, khóm 2, phường 8, TP Cà Mau) ký hợp đồng thuê xe ô tô tự lái của ông Lê Văn Bảy (ngụ khóm 3, phường 7, TP Cà Mau). Ông Lộc xuất trình Giấy phép lái xe số hiệu 790108217135, seri AL 933479 hạng B2 do Sở GTVT TP HCM cấp. 

Bằng lái xe giả do Trần Tài Lộc sử dụng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng
Bằng lái xe giả do Trần Tài Lộc sử dụng gây tai nạn giao thông nghiêm trọng

Ngày 10/3/2017 (còn trong thời hạn hợp đồng), ông Lộc lái xe theo hướng TP Bạc Liêu về TP Cà Mau, đến địa phận xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thì xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Xe do ông Lộc điều khiển đâm mạnh vào phía sau xe tải đang đậu trong lề đường cùng chiều. Cú tông mạnh khiến 6 người trên xe bị thương nặng, ông Lộc và người ngồi trước may mắn thoát chết nhờ túi khí bung, còn chiếc ô tô hư hỏng nặng. Bảo hiểm PJICO Cà Mau giám định tổng thiệt hại vật chất xe ông Bảy hơn 560 triệu.

Vụ tai nạn giao thông này được CSGT tỉnh Bạc Liêu thụ lý điều tra nguyên nhân. Trong quá trình xác minh, cơ quan chức năng không phát hiện ra bằng lái ông Lộc sử dụng là giả. Còn công ty bảo hiểm do phải bồi thường số tiền quá lớn nên gửi công văn đến Sở GTVT TP HCM để xác minh nguồn gốc bằng lái xe mà ông Lộc sử dụng. Ngày 11/9/2017 Sở GTVT TP HCM có công văn phản hồi PJICO Cà Mau rằng: Bằng lái hạng B2 số hiệu 790108217135, số seri AL 933479, cấp ngày 25/08/2016 cho ông Trần Tài Lộc, Sở GTVT TP HCM không quản lý.

Theo tìm hiểu, “bằng lái không quản lý” là bằng lái không có hồ sơ lưu trữ quá trình đăng ký học và thi theo qui định. Trên cơ sở đó, PJICO Cà Mau từ chối bồi thường cho chủ xe Lê Văn Bảy. Thế là ông Bảy khởi kiện ông Lộc ra Tòa án TP Cà Mau yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tòa án TP Cà Mau thụ lý vụ án và trưng cầu giám định bằng lái ông Lộc đã sử dụng khi gây ra tai nạn giao thông. Ngày 23/1/2018 Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Cà Mau ban hành Kết luận Giám định số 10/GĐ-2018 có nội dung: Giấy phép lái xe số 790108217135, họ tên Trần Tài Lộc, ngày 25/8/2016 là giấy phép lái xe giả.

Ông Bảy sau đó rút đơn khởi kiện dân sự tại Tòa án TP Cà Mau và gửi đơn cùng chứng cứ đến Công an huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) yêu cầu khởi tố hình sự đối với Trần Tài Lộc vì đã có hành vi “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Đơn yêu cầu và chứng cứ của ông Bảy được gửi đến nơi xảy ra và phát hiện tội phạm là Công an huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu ngày 2/3/2018. Hai tháng sau không thấy hồi âm, ngày 8/5/2018 ông Bảy tiếp tục gửi đơn đến Công an huyện Hòa Bình.

Ngày 18/5/2018 Công an huyện Hòa Bình trả lời cho ông Bảy bằng công văn nội dung như sau: Thứ nhất, chiếc xe ông Lộc đang sử dụng là tài sản có hợp đồng thuê mướn, vì vậy tài sản này nếu bị thiệt hại thì không được tính là tài sản của người khác để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Lộc.

Thứ hai, cho dù Công an phát hiện ông Lộc không có giấy phép lái xe theo qui định (sử dụng giấy phép lái xe giả xem như không có giấy phép lái xe) thì hành vi của ông Lộc cũng không cấu thành tội “vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, vì đây chỉ là tình tiết tăng nặng...

Thứ ba, ông Lộc có dấu hiệu phạm vào tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, do hành vi này được Tòa án TP Cà Mau phát hiện nên Tòa án TP Cà Mau phải có trách nhiệm chuyển nguồn tin tội phạm nêu trên đến Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau thụ lý theo thẩm quyền.

Ông Bảy không chấp nhận những lập luận nêu trên của Công an huyện Hòa Bình nên tiếp tục gửi đơn đến các cấp thẩm quyền cao hơn. Các cơ quan tố tụng huyện Hòa Bình và TP Cà Mau sau đó có nhiều công văn trao đổi nghiệp vụ cho nhau với lý do: Cà Mau phát hiện ông Lộc sử dụng bằng lái giả thì thẩm quyền thuộc Cà Mau. Bạc Liêu là nơi xảy ra tai nạn giao thông thì thẩm quyền thuộc Bạc Liêu?!

Ngày 2/8/2018 VKSND TP Cà Mau tổ chức họp liên ngành CQCSĐT-VKSND-Tòa án. Ngày 3/8/2018, VKSND TP Cà Mau có Công văn 337 trao đổi với VKSND huyện Hòa Bình như sau: “Việc ông Lộc sử dụng Giấy phép lái xe giả là gian dối với Công an huyện Hòa Bình. Mặc dù tại thời điểm này, Công an huyện Hòa Bình chưa phát hiện hành vi gian dối của Lộc nhưng thực tế tội phạm đã xảy ra và trên địa bàn của Công an huyện Hòa Bình.

Theo qui định tại điểm a khoản 3 điều 145 và khoản 4 điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết hành vi “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là của cơ quan CSĐT huyện Hòa Bình. Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau không thụ lý giải quyết vụ việc này”.

Ông Bảy tiếp tục khiếu nại, ngày 15/10/2018 Công an huyện Hòa Bình có Thông báo số 99/QĐ-CSĐT về việc tiếp nhận tố giác về tội phạm gửi VKSND Hòa Bình thông báo vụ việc tố giác tội phạm của ông Bảy. Căn cứ vào các điều 36, 145 và 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Bình đang tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung trên.

Ngày 16/10/2018 VKSND huyện Hòa Bình ban hành Yêu cầu số 05/YC-VKSHB yêu cầu chuyển nguồn tin về tội phạm với nội dung như sau: “Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Bình chuyển nguồn tin tội phạm nêu trên và tài liệu, đồ vật kèm theo đến Cơ quan CSĐT TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau giải quyết theo thẩm quyền.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Bình và Cơ quan CSĐT  Công an TP  Cà Mau, tỉnh Cà Mau thực hiện việc chuyển và tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo đúng qui định pháp luật và thông báo kết quả đến VKSND huyện Hòa Bình”. Yêu cầu này do chính Viện trưởng VKSND huyện Hòa Bình Nguyễn Hoàng Minh ký. 

Điều đáng quan tâm là trong yêu cầu này, VKSND huyện Hòa Bình vận dụng điểm a khoản 3 điều 145 và khoản 4 điều 163 giống như Công văn 337 mà VKSND TP Cà Mau gửi VKSND huyện Hòa Bình. Điều khó hiểu là cả hai VKSND TP Cà Mau và huyện Hòa Bình cùng vận dụng một điều luật nhưng cho ra hai kết quả trái ngược nhau? Dư luận đang chờ câu trả lời của cơ quan tố tụng của hai tỉnh này.

Trong khi chờ đợi sự “trao đổi” về trách nhiệm tố tụng hình sự giữa hai địa phương, ông Bảy chỉ biết bất lực chờ đợi. Trong khi đó theo ông Bảy, người có hành vi vi phạm pháp luật vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và thách thức ông.

PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc. 

Đọc thêm