Vụ kiện hành chính tại Hà Nội: Xuất hiện chứng cứ mới thể hiện bị “quản lý nhà” sai luật?

(PLO) - Cho rằng bị Nhà nước quản lý nhà sai quy định và không được giải quyết quyền lợi một cách thỏa đáng, ông Mai Thế Cường (HKTT tại 2C Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khởi kiện Quyết định “bác khiếu nại” của UBND TP Hà Nội.
Ông Cường đã có đơn tố cáo việc cụ Sơn bị giả mạo chữ ký “hiến nhà” trong vụ việc này
Ông Cường đã có đơn tố cáo việc cụ Sơn bị giả mạo chữ ký “hiến nhà” trong vụ việc này

Tại sao Tòa không trưng cầu giám định chữ ký?

Như PLVN đã từng thông tin, năm 1964,  Sở Quản lý Nhà, đất TP Hà Nội thực hiện “quản lý đất” của gia đình cụ Mai Thế Sơn (bố ông Cường) ở ngõ Thịnh Hào 2, khu Đống Đa trên cơ sở một văn bản có chữ ký “Sơn” với nội dung “đề nghị được giao cho Nhà nước quản lý nhà, đất” (ghi ngày 18/5/1963).

Cụ Sơn đã khiếu nại khẳng định bị giả mạo chữ ký vì bản thân không bàn giao bất kỳ diện tích đất nào cho Nhà nước. Tại văn bản trả lời khiếu nại vào năm 1996, Sở Nhà đất Hà Nội căn cứ vào Thông tư 73/TTg (năm 1962) để cho rằng, “việc ông Sơn có đất giao cho người khác thuê và phải bàn giao diện tích đất cho thuê này qua Nhà nước trực tiếp quản lý và phân phối việc sử dụng đất này là hoàn toàn đúng chính sách”.

Đồng thời, Luật Đất đai có quy định “Nhà nước không thừa nhận lại việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” nên việc Nhà nước quản lý thửa đất của cụ Sơn là đúng chính sách và việc đòi lại thửa đất này là không có cơ sở để giải quyết.

Khi cụ Sơn mất, việc đòi đất vẫn được tiếp tục và kéo dài đến ngày 16/6/2011 thì UBND TP Hà Nội có Quyết định giải quyết số 2694/QĐ-UBND “bác” đơn của ông Cường.

Không đồng ý, ông Cường đã khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị Tòa tuyên hủy Quyết định số 2694/QĐ- UBND nêu trên vì cho rằng gia đình mình  không thuộc diện bị quản lý vì đất không vắng chủ, không bỏ hoang, không cho thuê (tức là không thuộc diện điều chỉnh tại Thông tư 73/TTg). Ngoài việc cụ Sơn bị giả mạo chữ ký thì các thông tin tại văn bản đề nghị giao đất ngày 18/5/1963 (như tuổi, nghề nghiệp của cụ Sơn, số thửa đất, địa chỉ…) đều không đúng thực tế.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/12/2003, ngoài chứng cứ trên, ông Cường còn xuất trình bản Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự thể hiện việc chữ ký “Sơn” trong “giấy xin giao đất” năm 1963 không phải chữ ký của cụ Mai Thế Sơn. Tuy nhiên, TAND TP. Hà Nội đã “bác yêu cầu” khởi kiện của ông Cường vì cho rằng, theo quy định thì “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất. 

Ngoài ra, HĐXX còn cho rằng, “việc giám định tài liệu là bản photocopy và các tài liệu so sánh là bản photocopy không phải là bản gốc thì không đảm bảo tính chính xác của tài liệu cần giám định”.

Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho biết, UBND TP Hà Nội là cơ quan đang lưu giữ bản gốc của “giấy xin giao đất” năm 1963 thì cơ quan này phải xuất trình để chứng minh việc thực hiện việc quản lý đất của mình. Nếu không thì Tòa án phải yêu cầu bên bị kiện cung cấp tài liệu này để trưng cầu giám định vì Điều 84 Luật TTHC năm 2010 quy định rõ: “Toà án có thể quyết định trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo theo quy định tại Điều 83 của Luật này…”.

Chứng cứ mới thể hiện việc “quản lý đất” không đúng?

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ông Cường đã tiếp tục gửi tới TAND cấp cao tại Hà Nội nhiều tài liệu chứng minh việc gia đình mình không không hề cho thuê đất (chỉ cho cán bộ mượn đất). Cụ thể, ngày 27/2/1961, ông Đỗ Văn Trung, Trần Văn Yên (cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết) đã có bản cam kết (có xác nhận của chính quyền) với nội dung “nhờ bác Mai Thế Sơn khu đất ở ngõ Thịnh Hào để cất một nhà 3 căn ở trong thời gian chưa tìm nhà”; Giấy viết tay của ông Bùi Thế Vinh ngày 19/3/1962 nêu, “gia đình ông Sơn hết sức chiếu cố giúp đỡ cho tôi làm nhà trên đất mà không đòi hỏi quyền lợi gì”. 

Với chứng cứ trên, ông Cường khẳng định gia đình mình không thuộc diện “quản lý đất” theo Thông tư 73/TTg năm 1963 vì Thông tư này chỉ áp dụng với trường hợp “đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị”.

Luật Đất đai 2003 và 2013 đã quy định rõ: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Nhưng theo một số luật sư thì quy định trên có thể hiểu: Nhà nước chỉ không thừa nhận việc đòi lại đất đã “được giao theo quy định của Nhà nước”. Còn trường hợp đã bị quản lý và giao “sai quy định” thì không áp dụng quy định này. Vì vậy, mấu chốt của vụ việc này vẫn là phải xem xét, làm rõ việc gia đình cụ Sơn bị “quản lý đất” đúng với Thông tư 73/TTg năm 1963 hay không.

Ngoài ra, Điều 4, Nghị định 181/2004/NĐ-CP (văn bản có hiệu lực tại thời điểm xét xử sơ thẩm) đã quy định rõ “Việc giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp về đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp”. Như vậy, khi giải quyết vụ việc này, TAND TP Hà Nội cần phải xem xét các quy định của Nhà nước vào năm 1963 để xem xét, đánh giá việc “quản lý đất” đối với cụ Sơn là đúng hay sai. Từ đó mới có thể xác định Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP Hà Nội vào năm 2011 có đúng quy định hay không.

Được biết, vào 12/3 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Cường. Nhưng do đại diện UBND TP Hà Nội vắng mặt nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Cho đến nay, đã quá thời hạn hoãn theo quy định nhưng TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn chưa mở lại phiên tòa phúc thẩm.

Đọc thêm