Vụ việc nhà 194 Phố Huế: “Giải mã” sự bất thường của các kháng nghị

(PLO) - Dù hai bản kháng nghị của VKSND tối cao có hoàn cảnh ra đời rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm là muốn “lật ngược” bản án đã được thi hành xong nhằm vãn hồi tài sản cho chủ cũ của ngôi nhà 194 phố Huế.
Ngôi nhà 194 phố Huế
Ngôi nhà 194 phố Huế

Nhìn lại toàn bộ những quyết định của VKSND tối cao kháng nghị các quyết định và bản án liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì rất nhiều câu hỏi đặt ra về lý do mà VKSND tối cao “theo đuổi” vụ việc này một cách quyết liệt như vậy. Đặc biệt, những quyết định kháng nghị đều nhằm thay đổi cục diện của những bản án, quyết định của toà án đã được thi hành xong.

Đầu tiên phải kể đến số phận của Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 (QĐ 143) công nhận việc thoả thuận của Ngân hàng Vietinbank và Công ty Bắc Sơn về số nợ cũng như việc xử lý tài sản để trả nợ. Quyết định này vốn ghi nhận ý chí của các bên tranh chấp nên đương nhiên không bên nào có khiếu nại lên cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm. Gần 2 năm có hiệu lực của QĐ 143 đã cho thấy, các đương sự đã hoàn toàn tự nguyện thực thi quyết định này và vì vậy mà ngôi nhà 194 phố Huế đã được đem ra bán đấu giá công khai.

Nhưng, chỉ sau khi ngôi nhà 194 phố Huế được bán cho ông Đặng Văn Thoán thì những người liên quan, đặc biệt là ông Hoàng Ngọc Minh mới có đơn khiếu nại. Và, với cái cớ này, VKSND tối cao ngay lập tức kháng nghị QĐ 143 của TAND TP Hà Nội. Đây rõ ràng là điều bất thường không chỉ vì từ lúc có đơn khiếu nại đến lúc khi có quyết định kháng nghị chỉ có khoảng 10 ngày, mà điều đáng nói là việc kháng nghị này là nhằm mục đích giữ lại tài sản cho ông Hoàng Ngọc Minh.

Điều này thể hiện trong nội dung quyết định kháng nghị, khi mà VKSND tối cao đã nêu rất nhiều lý do cho rằng, ngôi nhà 194 phố Huế không đủ điều kiện thế chấp và việc thế chấp tài sản này để vay tiền Ngân hàng Vietinbank là trái pháp luật. Có nghĩa là, theo quan điểm của VKSND tối cao thì không được xử lý ngôi nhà 194 phố Huế để thu hồi vốn cho ngân hàng. 

Mặc dù sau đó QĐ 143 đã bị huỷ và tranh chấp giữa Ngân hàng Vietinbank với Công ty Bắc Sơn đã được xét xử lại, nhưng “số phận” ngôi nhà 194 phố Huế vẫn không thay đổi gì so với QĐ 143 của TAND TP Hà Nội. Theo đó, TAND TP Hà Nội và Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tiếp tục khẳng định việc thế chấp ngôi nhà 194 phố Huế là có căn cứ và bác yêu cầu đòi lại tài sản này. Đặc biệt là Bản án số 72/2012/KDTM-PT ngày 16/5/2012 của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội kết luận là phải xử lý ngôi nhà 194 phố Huế để thu hồi nợ cho ngân hàng. 

Vậy là lần kháng nghị này của VKSND tối cao tuy đạt được mục tiêu là huỷ QĐ 143, nhưng lại không đạt được mục đích là giữ lại ngôi nhà 194 phố Huế cho ông Hoàng Ngọc Minh. Điều này cũng cho thấy, cái “lý” trong bản kháng nghị của VKSND tối cao đã không được chấp nhận. Vì các bản án của Toà án vốn có nội dung như QĐ 143, nên ngay sau khi có hiệu lực, bản án đã được thực hiện. Theo thông báo ngày 10/6/2015 của Cục THADS TP Hà Nội, phần nội dung bản án liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế đã được thực hiện xong. 

Trong suốt 3 năm, kể từ 16/5/2012 khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, VKSND tối cao đã không đả động gì đến việc kháng nghị nữa. Nhưng, đến ngày cuối cùng của thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, ngày 14/5/2015 VKSND tối cao lại ra quyết định kháng nghị đối với Bản án phúc thẩm số 72 ngày 16/5/2012 của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội. Vậy là một bản án đã được thực hiện xong lại có nguy cơ bị huỷ bỏ nếu như quan điểm của VKSND tối cao được chấp nhận?

Điều đáng nói, trong quyết định kháng nghị đối với Bản án số 72, ngoài đưa thêm lý do Toà đính chính bản án không đúng quy định, các nội dung khác của quyết định kháng nghị Bản án số 72 cũng giống như nội dung quyết định kháng nghị đối với QĐ 143 của TAND TP Hà Nội. Như vậy, quan điểm vốn đã bị toà án 2 cấp bác bỏ lại được VKSND tối cao tiếp tục nêu ra trong quyết định kháng nghị mới.

Quyết định kháng nghị kiểu “bình mới, rượu cũ” này đã cho thấy, việc kháng nghị vẫn nhằm “đòi” lại nhà 194 phố Huế vốn đã “an bài” là tài sản của ông Đặng Văn Thoán. Mục đích của việc ban hành hai quyết định kháng nghị của VKSND tối cao đã tự lộ diện cho dù trong các quyết định kháng nghị này, VKSND tối cao chỉ dừng lại ở lập luận cho rằng, ngôi nhà 194 phố Huế không đủ điều kiện sử dụng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để đảm bảo trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Điều đáng nói hơn, số phận ngôi nhà 194 phố Huế không chỉ được định đoạt bởi QĐ 143 của TAND TP Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 72 của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mà còn được khẳng định rõ trong Bản án số 280/2014/HSST ngày 10/7/2014 của TAND TP Hà Nội xét xử vụ án hình sự “ra quyết định trái pháp luật” do chính VKSND tối cao khởi tố và truy tố. Trong bản án này, Toà án đã công nhận quyền sở hữu nhà 194 phố Huế là tài sản của ông Đặng Văn Thoán. Vậy tại sao VKSND tối cao cứ đeo đuổi vụ việc bằng việc lặp đi, lặp lại một quan điểm đã bị các bản án bác bỏ?

Sau khi VKSND tối cao có bản kháng nghị ở “phút 89”, thì ngày 15/9/2015, khi xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “ra quyết định trái pháp luật”, một lần nữa TAND tối cao khẳng định, ông Đặng Văn Thoán có quyền sở hữu đối với ngôi nhà 194 phố Huế và quan điểm của VKSND tối cao là hoàn toàn không được chấp nhận. 

Số phận ngôi nhà 194 phố Huế đã thực sự an bài bằng các quyết định có hiệu lực của Toà án và sự tồn tại của bản kháng nghị gần đây nhất của VKSND tối cao khó có thể thay đổi được thực tế ấy. Song, không lẽ vì thế mà những bất thường trong việc kháng nghị các bản án, quyết định của Toà án liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế sẽ được bỏ qua? 

Đọc thêm