Anh thợ sửa quạt gió giàu nghị lực

(PLVN) - Bị khuyết tật sau một vụ tai nạn giao thông, phải đối mặt vô vàn khó khăn trong cuộc sống nhưng anh thợ sửa quạt gió Nguyễn Văn Sương vẫn không đầu hàng số phận. Anh luôn giữ vững niềm tin và vươn lên từng ngày trên “nửa đôi chân” của mình.
Anh Nguyễn Văn Sương sửa chữa thiết bị điện cho khách
Anh Nguyễn Văn Sương sửa chữa thiết bị điện cho khách

Một lần đi sửa quạt gió tại hẻm Da Liễu (hẻm 12, đường 3/2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), tôi tình cờ biết đến tiệm sửa điện dân dụng của anh Nguyễn Văn Sương (35 tuổi) - tên thường gọi là Vịnh.

Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, đông anh em tại xã Nhân Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Tuy vậy, Vịnh vẫn chí thú làm nhiều nghề để mưu sinh. Cách đây khoảng chục năm, bất ngờ tai họa ập đến khi phải cắt bỏ 1 chân sau vụ tai nạn giao thông. Cứ nghĩ mọi tính toán về tương lai phải gác lại, nhưng với tinh thần vượt qua số phận và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, anh Sương đã cố gắng tìm tòi, học hỏi một nghề nuôi sống bản thân.

Nói về cơ duyên đến với nghề sửa điện, anh Sương chia sẻ: Trước đây xem một chương trình truyền hình thấy có người dạy nghề sửa điện miễn phí nên tìm đến xin học. “Do bị khuyết tật với lại thấy nghề này cũng không cần di chuyển nhiều, phù hợp với mình nên anh mới xin đi học. Lúc đầu chưa quen nên cũng thấy hơi khó. Dần dần thuần thục nên tự mở tiệm kiếm sống”, anh Sương chia sẻ. 

Tiệm sửa điện của anh là một căn phòng nhỏ, chừng 24m2 thuê lại từ một người quen. Do cảm thương hoàn cảnh của anh nên họ lấy giá rẻ. Hàng ngày, anh cần mẫn đến cửa tiệm bằng chiếc xe máy 3 bánh và bắt đầu một ngày mới mưu sinh. “Ở đây tôi nhận sửa quạt gió, nồi cơm điện, mô-tơ điện… miễn đồ gia dụng là sửa được à. Cái nào mới, chưa từng sửa thì mình mò mẫm từ từ cũng ra nhưng chủ yếu vẫn là sửa quạt gió”, anh Sương nói.

Mỗi món đồ khách đem đến, tùy vào “bệnh nặng hay bệnh nhẹ” mà tính tiền công khác nhau, nhưng bình quân chỉ khoảng vài chục ngàn một sản phẩm. Cứ như thế, mỗi ngày anh Sương có thể thu được 200.000 – 300.000 đồng để trang trải cuộc sống. Nhờ sửa kỹ lưỡng, giá cả phải chăng nên căn phòng nhỏ của anh Sương lúc nào cũng đông khách. Mặc dù không có bảng hiệu nhưng mọi người trong hẻm có đồ điện gia dụng hư hỏng đều đem đến nhờ anh sửa.

Cảm mến trước tính tình hiền lành, cần cù lại chịu khó của anh, chị Phan Thị Kim Diện – một người khuyết tật do di chứng sốt bại liệt đã đồng ý lấy anh. Đến nay vợ chồng anh có hai con nhỏ một gái, một trai, bé gái 6 tuổi còn bé trai 2 tuổi. Điều đáng vui mừng là hai con của anh chị đều khỏe mạnh bình thường và rất ngoan. 

Thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả khi không được học hành đến nơi đến chốn, nên anh chị cố gắng chăm lo cho 2 đứa con đều được đi học. Bên cạnh đó, vì cảm thông cho số phận những người khuyết tật giống mình, anh đã nhận dạy nghề miễn phí cho anh Nguyễn Kim Thành Song (31 tuổi, quê ở Kiên Giang).

Anh Song theo anh Sương học nghề hơn tháng nay và giờ đã sửa được khá nhiều đồ. Anh Song cho biết, sau khi thành nghề sẽ trở về quê tự mở tiệm như anh Sương để kiếm sống. “Anh Sương dạy nhiệt tình lắm. Đâu có bà con họ hàng gì đâu. Tại có người quen chỉ rồi lên đây hỏi ảnh cho học nghề, vậy là ảnh truyền nghề liền”, Anh Song chia sẻ. 

Giờ đây, hàng ngày anh Sương vẫn chăm chỉ sửa điện dân dụng để kiếm tiền nuôi vợ con. Là một người khuyết tật phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng bằng ý chí và nghị lực của người đàn ông cần cù, anh Sương tiếp tục vượt lên hoàn cảnh, gánh vác gia đình, chăm lo đàng hoàng cho vợ con. Anh còn là một người hiền lành, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tấm gương vượt khó của anh thật đáng trân trọng, ngợi khen.

Đọc thêm