Bí ẩn ngôi miếu “cô Mai Hoa” ở Hà Nội

(PLVN) - Ngôi miếu “cô Mai Hoa” tại Hoàng Mai, Hà Nội những ngày rằm, mùng một luôn tấp nập người từ nơi xa đến cầu khấn, lễ bái. Một năm về trước, vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 25/11/2018, ngôi miếu đột nhiên bốc cháy, thiêu rụi toàn bộ đồ thờ và các vật dụng xung quanh miếu. Duy chỉ có bức tượng “cô Mai Hoa” vẫn còn nguyên vẹn lại khiến người ta thêm phần tin rằng miếu Mai Hoa này thực sự linh thiêng. 
Ngôi miếu luôn tràn ngập hoa tươi và hương do người dân khắp nơi đến lễ bái
Ngôi miếu luôn tràn ngập hoa tươi và hương do người dân khắp nơi đến lễ bái

Những sự linh ứng “kì lạ”

Trên đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội có một ngôi miếu mang tên miếu “cô Mai Hoa” tồn tại nhiều năm nay, quanh năm suốt tháng nghi ngút khói hương người dân đến lễ bái.  Nằm dưới lùm cây xanh mát, cạnh dòng sông Kim Ngưu, ngôi miếu này luôn luôn tràn ngập hoa tươi của khách thập phương đến dâng “Cô”.

Những câu chuyện về sự linh ứng kì lạ của “cô Mai Hoa” như cô báo về lễ, cô độ cho làm ăn, cô hành cho những người trót nói lời càn quấy khiến ngôi miếu này càng thêm màu huyền bí.

Trò chuyện với một người dân đã sống hơn 30 năm tại Tam Trinh, chị Vũ Thùy Trang kể về sự linh ứng của “cô Mai Hoa”: “Tôi là người làng ở đây, ngày xưa miếu bé nhỏ lắm, nằm dưới gốc cây. Hồi đó, làm gì có ai đến thắp hương khấn vái đông như bây giờ. Nhiều khi đi về còn tránh lúc đêm khuya vì sợ ma trêu.

 Tôi ở đó gần 30 năm, đi qua suốt nhưng không bao giờ vào lễ. Tự nhiên như có ai đưa đẩy, có hôm vô tình gọi điện nói chuyện với bạn và bảo miếu thờ vong. Thế là tối hôm đó, mơ một mình tôi đến lễ cô sám hối, rồi có tiếng nói “Tới lễ cô cho lộc”. Đúng là như cô mách đến lễ vậy. Chắc hợp duyên, hợp số nên cô đưa đường chỉ lối tôi đến”.

Cũng giống chị Trang, rất nhiều người ở tỉnh xa như Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc cũng truyền nhau về ngôi miếu “cô Mai Hoa” này lễ bái để xin lộc. Không ít người cùng chung sự “linh ứng” là được “báo”, như có người dẫn đường chỉ lối đến ngôi miếu này.

Ngôi miếu “cô Mai Hoa” vẫn là những bí ẩn khi chưa có lời giải
Ngôi miếu “cô Mai Hoa” vẫn là những bí ẩn khi chưa có lời giải

Bức màn huyền bí về “miếu cô” với những câu chuyện như: chồng bỏ nhà đi nhưng đến xin Cô thì chồng lại về, tình duyên trắc trở được hóa giải…càng làm người ta tin về sự “linh thiêng” của ngôi miếu bí ẩn. Ngoài cầu sức khỏe, công danh, tài lộc, ngôi miếu còn được dân lô đề, cờ bạc thường hay lui đến để xin vận may.

Nhập nhằng những câu chuyện về ngôi miếu 

Không ít người đã cho rằng, “cô Mai Hoa” tại Hoàng Mai có liên quan đến ngôi mộ gần 300 năm tuổi được bất ngờ phát hiện khi người dân đào móng làm nhà ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội) vào năm 2010. Đó là huyền tích về ngôi mộ cổ, có người con gái chừng 20 tuổi được khâm liệm bằng thứ bột trắng kỳ lạ mà khi khai quật lên vẫn còn nguyên vẹn như người đang ngủ.

Người dân Ninh Hiệp vẫn cho rằng đó chính là khu mộ của công chúa Thái Thành, đời nhà Lê, tên thật là Lê Thị Mai Hoa. Nhưng đến nay, bằng chứng tích khoa học, hay lịch sử liên quan đến khu lăng mộ và ngôi miếu này vẫn chưa rõ ràng. Khi tìm hiểu một số người dân trong làng, đã có rất nhiều những ý kiến được kể ra lại khiến sự tích ngôi miếu này càng thêm vừa hư vừa thực.

Một người dân trong làng cho hay: “Khoảng năm 1994, khi đó ngôi miếu đó chỉ là một nấm mồ nhỏ, được người dân đặt một ban thờ lộ thiên để thi thoảng thắp hương mỗi khi đi ngang qua đây để tránh bị ma tà trêu, quấy phá. Xưa kia có một cô bé rất xinh đẹp, tầm 11, 12 tuổi, sẩy chân ngã xuống sông Kim Ngưu là con sông cạnh miếu bây giờ. Khi cô bé chết thì được chôn ngay gần chỗ bờ sông, sau đó chỗ mộ mối ùn lên như tổ ong, dân thấy vậy lập miếu nhỏ thờ cô bé tại đó.

Trước đây, miếu chỉ bé nhỏ xinh xinh, vài năm gần đây có người đàn ông tên ông Hiển xây dựng tôn cấp sửa sang lại to đẹp. Từ đó, miếu ngày càng mở rộng, khang trang bề thế thu hút nhiều người đến lễ bái”.

Đám cháy lớn tháng 11 năm 2018 đã thiêu rụi toàn bộ ngôi miếu
Đám cháy lớn tháng 11 năm 2018 đã thiêu rụi toàn bộ ngôi miếu

Có một điều lạ lùng, khi khảo sát tại miếu cô Mai Hoa thì ngôi miếu không chỉ thờ một bức tượng cô nhỏ đặt trong khám kính mà còn phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu Tứ phủ, Mẫu Bán Thiên và thần linh. Điều này không ít nhiều lầm tưởng rằng ngôi miếu này thờ Cô bé Thượng là một vị Thánh cô trong Tứ Phủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Khi được hỏi một người thường xuyên có mặt tại miếu cho biết: “ Vùng này âm khí rất mạnh, có nhiều vong linh làm loạn, lại ngay sát mé sông nên phải phối thờ Tứ Phủ để trấn đất. Khi đó thì các vong chết đường, chết chợ không quấy quả người dân sinh sống làm ăn”. Lật lại các thần tích của hệ thống thần linh Tứ Phủ thì không hề có nhắc đến “cô bé Mai Hoa” hay “Nữ hoàng Mai Hoa” như tên gọi và danh xưng vị Thánh cô được phụng thờ tại miếu.

Thanh đồng Trần Huy (một người có hơn 30 năm hoạt động tâm linh) cho biết: “Tất cả người có công với đất nước thì được phong Thánh , Thành hoàng. Còn một số chân linh mất vào giờ thiêng, linh thông nhập mộ thì được nhân dân phong thần bản xứ để thờ phụng. Ai có duyên, kêu cầu nhận được may mắn rồi họ truyền nhau đến lễ bái. Sự ứng nhiệm là do nhiều người theo ý niệm và tâm dồn vào đó, nên tạo sự linh thiêng cho nơi thờ tự”.

Dù rằng chưa có một cơ sở nào đoán định chắc chắn thời gian xuất hiện và sự tích về vị Thánh cô bí ẩn này, nhưng nơi đây hàng ngày vẫn tấp nập người đến khấn vái, cầu xin mọi điều trong cuộc sống. Phải chăng, xuất phát từ chính tín ngưỡng dân gian của người xưa, khi khắp nơi vẫn có những ngôi miếu thờ vong linh chết thiêng, được người dân thờ cúng để mong những điều may mắn đến trong cuộc sống?

Đọc thêm