Các tỉnh ĐBSCL khẩn cấp lập chốt kiểm dịch tả heo Châu Phi

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, dịch lở mồm long móng xâm nhập vào địa bàn, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã tăng cường công tác giám sát, khẩn cấp lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát tình trạng vận chuyện heo không rõ nguồn gốc vào địa phương.
Dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, các địa phương đều tăng cường công tác phòng chống
Dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, các địa phương đều tăng cường công tác phòng chống

Dịch bệnh ở gia súc như lở mồm long móng và dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh thành phía Bắc và đang lây lan dần vào trong Nam, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Trước thực trạng đó, các tỉnh ĐBSCL đã khẩn cấp lập các chốt kiểm dịch. 

Tại tỉnh Bến Tre, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức các chốt cấp tỉnh để kiểm soát đầu vào cũng như đầu ra đối với các phương tiện vận chuyển heo xuất nhập tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 3 trạm kiểm dịch động vật trên cạn tại: Phú Phụng (Chợ Lách), Cầu Rạch Miễu và ở Thạnh Thới B (cầu Cổ Chiên). Đây đều là những tuyến giao thông chính huyết mạch mà các phương tiện vận chuyển gia súc thường xuyên đi qua nên dễ dàng kiếm soát vấn đề nhập heo từ các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc vào.

Trước đây mỗi ngày có khoảng 10 xe vận chuyện heo hơi vào tỉnh nhưng do tình hình dịch bệnh nên có phần giảm sút nhưng vẫn dao động ở mức 6-7 xe/ngày với số lượng khoảng 900 - 1.000 con. Trong đó, đa số là của thương lái ở các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Hiện nay ở Bến Tre có tình trạng “tạm nhập tái xuất”. Heo sau khi nhập vào Bến Tre kiểm dịch rồi tái xuất đi các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, hoặc ngược về TP HCM.

Nói về vấn đề này, ông Trần Quang Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết, Chi cục kiểm soát rất chặt chẽ. Mỗi lô hàng về còn niêm phong Chi cục kiểm tra lâm sàng, vệ sinh tiêu độc khoanh lại và tiếp tục kiểm dịch để cho họ xuất đi. “Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm ngặt hơn. Khi nhập về Bến Tre để giết mổ là phải giết mổ. Lợn kiểm tra đầy đủ các quy trình kiểm dịch thì xuất cho đi”, ông Thái cho biết.

Tại tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Kiểm dịch - Kiểm soát giết mổ - Kiểm tra vệ sinh Thú y thuộc Chi cục thú y tỉnh Trà Vinh cho biết, để ứng phó với dịch tả heo Châu Phi, Trà Vinh thành lập 4 chốt kiểm dịch trên địa bàn các huyện Càng Long (2 chốt), Tiểu Cần và Cầu Kè. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm dịch tại các chốt, các cơ sở giết mổ, chăn nuôi để quản lý phát hiện kịp thời dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi của tỉnh trước tình hình diễn biến của dịch.

Tương tự, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và thú y tổ chức tập huấn, hội thảo về bệnh dịch tả heo Châu Phi và giảp pháp phòng chống…  Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 11/3/2019, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến giao thông chính, nhằm kiểm soát việc vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo, ngăn chặn triệt để mầm bệnh từ các tỉnh, thành khác xâm nhiễm vào đàn heo tỉnh Tiền Giang.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp phải thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến đường Nam Sông Hậu và Quản lộ Phụng Hiệp, ngoài 4 chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1, để kiểm soát các phương tiện vận chuyển, nhập heo hay đi qua tỉnh, trên các tuyến đường 24/24 giờ. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y chủ động phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát vận chuyển sản phẩm heo ra vào tỉnh, tại các điểm giết mổ kiểm tra nguồn gốc heo nhập và mổ theo dõi tình hình dịch bệnh đầy đủ.

Vì là tỉnh cửa ngỏ của ĐBSCL, nên Long An có nguy cơ nhiễm dịch tả heo Châu Phí khá cao. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Cảnh đã chỉ đạo thành lập ngay các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ 24/24 đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh; bố trí các lực lượng liên quan tổ chức, kiểm soát việc vận chuyển lợn.

Đọc thêm