Người đàn ông nửa đời băng rừng lội suối tìm đồng đội

(PLVN) - Theo tiếng gọi của con tim, của tình thương bao la, ông đã dành hơn nửa đời người cùng nhiều tiền bạc, công sức để đi khắp các nẻo đường đất nước, len lỏi qua những cánh rừng, vượt qua nhiều con suối và các vách đá cheo leo để tìm lại hài cốt của đồng đội, trả họ về đúng nơi quê cha đất tổ.
 Dựa vào tung tích giấy báo tử, ông Quản bắt đầu lần manh mối, tìm cho được hài cốt liệt sĩ.
Dựa vào tung tích giấy báo tử, ông Quản bắt đầu lần manh mối, tìm cho được hài cốt liệt sĩ.

Lời thề giữa cuộc chiến 

Khi nhập ngũ năm 1969, ông Nguyễn Viết Quản (Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh phường 2, quận 6, TP HCM) được đưa vào Tiểu đoàn Đặc công D8. Sau đó, ông cùng 300 chiến sĩ D8 vào Nam chiến đấu. Trên đường hành quân, ông Quản và người bạn thân Đặng Quang Thắng đều bị sốt rét nhưng đã cố động viên nhau vượt qua, cuối cùng họ cũng đến nơi tập kết an toàn. 

Do quân số còn lại ít nên D8 được bổ sung thêm 50 người và đổi tên thành Tiểu đoàn Đặc công Miền Đông Nam bộ (D18) và nhận lệnh tấn công cứ điểm Tua Hai, núi Bà Đen (Tây Ninh). Cuộc tấn công để lại nhiều mất mát, trong đó, ông Thắng, bạn thân của ông hi sinh lúc vừa tròn 20 tuổi.

Từng cùng đồng đội làm lễ “truy điệu sống ”, tức là biết đi sẽ không bao giờ trở về, ông Quản vẫn nhớ như in lời thề: “Sau này, hòa bình thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã chết, đưa về quê cha đất tổ”.  

Ông Quản nghẹn ngào xúc động: “Không có rượu để thề, cũng không ngoéo tay nhau nhưng tôi cho đấy là một lời thề, một lời thề với Tổ Quốc, chứ không chỉ là lời thề của các anh em với nhau”. Ông nặng lòng với lời thề đó, cho nên hơn 10 năm nay, ông bôn ba gần hết miền đất nước để đi tìm lại từng người đồng đội đã hi sinh.

Khởi đầu lời thề, năm 2008, ông Quản quyết định đi tìm hài cốt bạn thân là ông Đặng Quang Thắng. Do nhớ được địa điểm, chuyến đi này ông đã đưa được người đồng đội trở về. Chính tay ông trực tiếp bốc mộ, sau đó quấn lá cờ Tổ quốc quanh hài cốt của bạn thân rồi đưa từ nghĩa trang Hòa Thành tỉnh Tây Ninh về an táng tại xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Chứng kiến sự mừng vui và cảm động của gia đình, ông Quản như được tăng thêm ý chí để tiếp tục đi tìm các đồng đội còn lại.

 “Có niềm tin sẽ tìm được”

Từ năm 2008 đến nay, ông đã tìm lại được tung tích, trả về đúng họ tên cho hơn 100 liệt sĩ. Thế nhưng, không phải chuyến đi nào hoàn toàn suôn sẻ như ông mong ước. Ngược lại, hành trình ấy cũng gặp muôn vàn khó khăn. Điển hình như chuyến đi tìm hài cốt của liệt sĩ Trịnh Hồng Tuấn. Trên phần mộ không có thông tin về năm sinh, ngày nhập ngũ, đơn vị, quê quán… nhưng trong giấy báo tử thì có đầy đủ thông tin.

Lúc ấy, ông Quản phải đến Phòng LĐTB&XH huyện Lộc Ninh (Bình Phước) xác minh và đến Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam tại TP HCM xin hỗ trợ lập hồ sơ xác định AND. Sau đó, ông lại phải chuyển hồ sơ cho Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước xem xét giải quyết.

Ở đây giải quyết xong, ông lại lộn ngược về Lộc Ninh để xin cử cán bộ xuống khai quật mộ, lấy răng để làm mẫu xét nghiệm… Sau một tháng thì bên gia đình liệt sĩ Trịnh Hồng Tuấn mới nhận được kết quả báo trùng khớp với thông tin trên giấy. Khỏi phải nói, niềm vui đã vỡ òa đến tột cùng…

Nhớ lại những ngày đã qua, ông Quản cho hay: “Có những trường hợp, tôi dựa vào bản đồ chôn đồng đội mà tôi đã tự vẽ lúc chiến đấu để đi tìm. Cũng có những lúc, tôi phải dựa vào các tờ giấy báo tử của các gia đình thân nhân mang đến. Những manh mối lúc ấy hoàn toàn mờ nhạt, nhưng tôi vẫn có niềm tin là mình sẽ tìm được”. 

Cứ thế, ông đã dành nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của mình đến các nghĩa trang liệt sĩ ở miền Đông hay miền Tây Nam Bộ để di chuyển hài cốt liệt sĩ đồng đội về với quê hương. Các chuyến đi ấy cứ kéo dài 10 bữa hay 1 tháng và có lẽ sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời của ông.

Dù gian nan, khó khăn cỡ nào, miễn là chỉ cần một chút manh mối nhỏ, với niềm tin vững chắc, ông vẫn không bỏ cuộc và quyết làm cho đến cùng, để đưa được nhiều hơn đồng đội mình về lại quê hương như lời thề được ghi khắc từ thuở thanh xuân.... 

Đọc thêm