Nhân tố quyết định vẫn là cán bộ

(PLO) - Trong Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ phát biểu: “Theo tôi nhận định thì hiện nay phải thừa khoảng 50% cán bộ, công chức. Họ đi chơi quá nhiều, họ ngồi “bói chữ” nhiều hơn là làm. Tránh “mua quan, bán chức” thì chúng ta mới chọn được người tài có năng lực như tinh thần Thủ tướng đã nêu”. Doanh nhân giàu có và quyền lực này vừa dứt lời đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng của hàng nghìn người dự Hội nghị tại đây.
Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Thế là, khác và còn hơn nhận định có tới 30% công chức “cắp ô” mà đã có người phản đối thì ông Đệ đã cho số “bói chữ” lên đến 50%. Không còn nghi ngờ là nhận định đó đúng, bởi hơn bất kỳ ai khác, giới doanh nhân Việt Nam là “nạn nhân” đầu tiên của việc “hành là chính” và họ cũng là những người trực tiếp nhất thường phải làm việc với đội ngũ công chức, cán bộ nên hiểu rất rõ đội ngũ này.

Và, nguyên nhân chủ yếu gây nên sự trì trệ của bộ máy, thói quan liêu và xa dân, gây nên những sự cố biến động xã hội, chính là đội ngũ cán bộ, công chức, cái mà ta thường gọi là “nhân tố con người”. Cái mà chúng ta coi là nhân tố quyết định thành bại đó, tiếc thay lại được “tuyển chọn” theo kiểu “lấy người nhà, bỏ người tài”, hoặc tình trạng “cả họ làm quan”, rồi kiểu “tập ấm” hiện đại “cha truyền con nối” mà có người coi đó là “hồng phúc” của xã hội. Quá trình tuyển viên chức, công chức lại thiếu minh bạch, công khai và có sự trắng trợn đến nỗi người thi tuyển điểm rất cao mà không trúng, buộc ngậm ngùi nhường chỗ cho các “đối tượng ưu tiên” khác. Tuyển chọn như vậy làm sao có được những người thực sự tài giỏi, có tâm huyết cống hiến trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thậm chí, có người tài thực sự đã đứng trong đội ngũ này rồi mà vẫn buộc phải “dứt áo ra đi”.

Không phải những người lãnh đạo đất nước không nhìn ra tình trạng đó mà trái lại nhìn rất kỹ vấn đề và không ít lần nêu thực trạng, tìm giải pháp, tuy nhiên, vì “độ ỳ” khá lớn từ cấp dưới, vì thói xuê xoa, bao che lẫn nhau nên rút cuộc  các đợt thanh tra, kiểm tra đều cho ra một kết luận là “đúng quy trình”!

Vừa qua, Quốc hội đã tổ chức các cuộc “giám sát chuyên đề” về công tác bổ nhiệm cán bộ và cũng đã chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm của công tác này. Mới đây, Bộ Chính trị thành lập 5 đoàn kiểm tra về công tác luân chuyển, đề bạt cán bộ. Hẳn rằng, những “khoảng tối” gây nên sự “lọt lưới” vào các vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính hay kinh tế sẽ được làm sáng tỏ, các trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, “đi tắt đón đầu” sẽ bị phanh phui. Kết quả rõ ràng nhất là bộ máy sẽ được thanh lọc, trở nên vững mạnh và liêm chính. Những ai “ngồi nhầm chỗ” hoặc chỉ ngồi mà “bói chữ” sẽ không còn chỗ đứng trong bộ máy này.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, hiền tài mà không được trọng dụng khác nào một sự “tẩu tán” nguyên khí đó. Tin rằng sẽ có sự đổi mới thực sự trong công tác cán bộ và từ đó tạo nên một bộ máy liêm chính, vì dân! 

Đọc thêm