Những kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới năm 2018

(PLO) - Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. 
Kiểm tra mô hình nông thôn mới tại Hà Nội
Kiểm tra mô hình nông thôn mới tại Hà Nội

Đặc biệt, nhiều địa phương tập trung phát triển sản xuất, đã có nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Tính đến nay, thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Huyện Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Theo kế hoạch năm 2018, có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM, trong đó, huyện Gia Lâm đã làm hồ sơ trình thành phố thẩm tra huyện đạt chuẩn NTM 2018. Toàn thành phố có 297/386 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn NTM. Trong số 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Hiện nay, có khoảng 30 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018.

 Đối với nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, ngay từ đầu năm 2018, các huyện, thị xã và các xã tiếp tục tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đường làng, ngõ xóm. Toàn thành phố có 369 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về giao thông, tăng 13 xã so với cuối năm 2017, còn 17 xã chưa đạt. Nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất, thành phố đã tích cực đầu tư cho tiêu chí thủy lợi, đã duy trì 377 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2017, còn 9 xã chưa đạt. 

 Tiêu chí giáo dục và đào tạo được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 24.900/152.000 lao động. Đã xét duyệt cho 1.863 hộ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 59 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức được 18 phiên giao dịch việc làm với 564 doanh nghiệp, đã có 1.850 lao động được tuyển dụng.

Nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống nông dân cũng được quan tâm. Trong năm 2018, đời sống nông dân ở khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến tháng 6/2018 ước đạt 43,16 triệu đồng/ người/năm.  Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 86,06%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn dưới 2%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Sơn Tây 1,07%, Phúc Thọ 1,3%, Đan Phượng 1,5%, Hoài Đức 1,51%, Đông Anh 1,57%,… Ngoài ra, các huyện, thị xã tiếp tục duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, tuyên truyền vào các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung, tăng cường và đa dạng hóa phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm xây dựng NTM.Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với 4 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất triển khai thực hiện các tiêu chí huyện NTM và hoàn thiện hồ sơ trình công nhận huyện NTM trong năm 2018. Các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM, đặc biệt, quan tâm các huyện phấn đấu hoàn thành huyện NTM 2018, 2019 và 2020.

Đọc thêm