Phường Thượng Thanh, Long Biên: Tổ hòa giải 5 tốt giữ bình yên thôn xóm

(PLVN) - Mô hình tổ hòa giải 5 tốt tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội đã được thành lập từ đầu năm 2003. Đến nay, tổ hòa giải 5 tốt vẫn phát huy tác dụng trong việc giữ bình yên ngõ xóm.
Hình minh họa
Hình minh họa

Xác định con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả của công tác hoà giải, UBND phường Thượng Thanh đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn tổ hoà giải và đội ngũ hoà giải viên. Theo mô hình tổ hòa giải 5 tốt, mỗi tổ dân phố là một tổ hoà giải, theo đó hiện nay phường Thượng Thanh gồm 28 tổ hòa giải với 251 tổ viên.

Việc kiện toàn hoà giải viên và tổ trưởng tổ hoà giải được thực hiện định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hoặc khi có sự thay đổi về nhân sự trong tổ hòa giải, UBND phường phối hợp UBMTTQ phường tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ hòa giải, hòa giải viên, chỉ đạo việc hiệp thương giới thiệu, lựa chọn người có uy tín, có trách nhiệm, nhiệt tình, có điều kiện, được nhân dân tín nhiệm để tổ chức hội nghị nhân dân tổ dân phố lựa chọn bầu hòa giải viên theo qui định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Cùng với việc kiện toàn tổ hòa giải, một trong những biện pháp chỉ đạo, quản lý để nâng cao hoạt động hòa giải ở cơ sở trong những năm qua tại phường Thượng Thanh đó là việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của tổ hòa giải, theo đó lấy kết quả hoạt động của tổ hòa giải là một trong những tiêu  chí làm cơ sở để chấm điểm thi đua bình xét tổ dân phố văn hóa.

Ông Bùi Quang Cự, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh nhận xét, qua theo dõi đánh giá, cơ bản hòa giải viên ở các tổ hòa giải đã phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, kịp thời hòa giải những vụ việc mâu thuẫn, không để phát sinh thành điểm nóng, đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 85%, số tổ hòa giải đạt tiêu chí tổ hòa giải “5 tốt” hàng năm ngày càng cao. “Có được kết quả như trên, là do có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính quyền về công tác hòa giải và có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các chi hội đoàn thể của tổ dân phố cũng như các ban, ngành đoàn thể của phường trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như trực tiếp hòa giải đối với những vụ việc có một trong các bên là thành viên của tổ chức đoàn thể”, ông Cự cho biết. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo vị Phó Chủ tịch UBND phường thì hạn chế là kiến thức pháp luật của các hòa giải viên trong tổ hòa giải không đồng đều, một số hòa giải viên còn chưa nhiệt tình trong công tác hòa giải, bên cạnh đó các thành viên trong tổ hòa giải thường hay biến động.

Đặc biệt, chính sách đãi ngộ cho các hòa giải viên còn hạn chế. Một số vụ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện kịp thời, hoặc được phát hiện nhưng chưa được hòa giải kịp thời.

Những vướng mắc từ phường Thượng Thanh cũng là vướng mắc, hạn chế của nhiều địa phương hiện nay trong công tác hòa giải, khi mà nguồn lực con người, kinh phí hiện nay cho công tác này còn eo hẹp. Giải được bài toán này cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền thành phố, sự phối hợp của các ngành, bản thân các hòa giải viên cũng cần tự nâng cao kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, vốn sống… để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. 

Đọc thêm