Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW tại Thừa Thiên - Huế: Khẳng định hiệu quả tín dụng chính sách

(PLVN) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình kinh tế tổng hợp của hộ gia đình anh Lê Văn Anh Phước mang lại thu nhập cao
Mô hình kinh tế tổng hợp của hộ gia đình anh Lê Văn Anh Phước mang lại thu nhập cao

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, đến nay, hoạt động tín dụng chính sách đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị của Đảng đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. 

Đặc biệt, với sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu cơ sở, việc chỉ đạo, quản lý, công tác kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện thường xuyên. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn được nâng cao rõ rệt.

Theo ông Đào Bá Thuận - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Vang, thực hiện Chỉ thị 40, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao, sự phối hợp giữa chính quyền xã, các tổ chức, đoàn thể, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn được thực hiện chặt chẽ hơn. Nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi đã được chuyển tải tới 100% các xã, thị trấn, giúp gần 14.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh. 

Tính đến thời điểm 31/5/2019, tổng dư nợ toàn huyện là 324,545 tỷ đồng. Số hộ còn dư nợ: 13.716 hộ, dư nợ bình quân/hộ: 23,66 triệu đồng/hộ. Hiện tại, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã và đang thực hiện 12 chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... và chương trình mới là cho vay nhà ở xã hội. Chất lượng tín dụng trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, trong đó nợ quá hạn là 229,43 triệu  đồng, chiếm tỷ lệ 0,071%/ tổng dư nợ, có 14 xã không có nợ quá hạn. Nợ khoanh là 463 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,14%/tổng dư nợ.

Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của huyện đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện.

Từ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều hộ dân đã có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của hộ gia đình anh Lê Văn Anh Phước (SN 1982) ở thôn Nam Châu, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, anh Phước cho biết: “Năm 2017, tôi được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi dê, nuôi lợn, gà…. Hiện tại, trang trại của gia đình tôi gồm 30 con dê, 13 con lợn nái ngoại, 300 con gà, 50 cặp chim bồ câu… mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm…”.

Ông Lê Thanh Hải - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Vang - cho biết: Là một trong những huyện còn khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhưng từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay điều kiện kinh tế của các hộ dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện. Trong đó, có nhiều xã nhờ nguồn vay từ NHCSXH huyện đã phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương vươn lên cán đích xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới như xã Phú An, Phú Mỹ…

Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến nay, UBND huyện đã dành ngân sách địa phương chuyển sang Phòng Giao dịch huyện để bổ sung nguồn vốn với số tiền là 2,739 tỷ đồng, phân bổ cho các chương trình: giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay.

Đọc thêm