Mánh khóe của trưởng phòng kinh doanh “ăn” hai ngàn tấn cám heo

(PLO) - Lợi dụng chức vụ là Trưởng phòng kinh doanh của một công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, bằng những mánh khóe riêng, Nguyễn Phúc Thiều (SN 1980, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã lừa đảo chiếm đoạt của công ty gần 11 tỷ đồng. Sau 2 năm âm thầm “ăn” hơn 2 ngàn tấn cám heo, vụ việc cuối cùng mới bị đưa ra ánh sáng.
Tòa tuyên phạt bị cáo Thiều 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tòa tuyên phạt bị cáo Thiều 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Ăn” cám heo hơn 2 năm mới bị phát hiện

Phiên tòa “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xét xử vào một ngày giữa tháng 9/2018. Khán phòng tuy rộng nhưng chỉ vừa mở cửa, đã bị những người dự khán lấp đầy. Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Phúc Thiều, năm nay mới 38 tuổi. 

Công ty trách nhiệm hữu hạn IFV (trụ sở tại khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chuyên xay xát lúa mì, sản xuất, chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm… Công ty con của IFV đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Từ năm 2010 bị cáo Thiều làm trưởng phòng kinh doanh, phụ trách khu vực miền Trung của công ty con này.

Trong khoảng thời gian này, Thiều tham gia đánh bạc trên mạng Internet dẫn đến thua bạc phải đi vay mượn tiền với lãi suất rất cao của nhiều người (không rõ lai lịch). Toàn bộ số tiền vay mượn được, bị cáo Thiều dùng để đánh bạc, tiêu xài cá nhân và trả nợ gốc hoặc lãi.

Đến đầu năm 2015, bị cáo đã vay nợ một số tiền rất lớn và mất khả năng chi trả. Lúc này, Thiều liền nảy sinh ý đồ gian dối muốn chiếm đoạt một số lượng lớn thức ăn chăn nuôi (loại bột cám mì của công ty IFV sản xuất ra), đem bán lấy tiền trả nợ, tiêu xài và đánh bạc tiếp. 

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là quản lý toàn bộ khách hàng có hợp đồng mua bán bột cám mì với công ty IFV tại khu vực miền Trung, Thiều có nhiệm vụ đặt hàng giúp, điều phối việc đặt hàng và làm thủ tục xuất hàng ra khỏi kho…bị cáo đã dùng các thủ đoạn gian dối như lợi dụng công ty Tín Phương là khách hàng lâu năm, có uy tín cao với công ty IFV, lại do Thiều trực tiếp phụ trách phân phối hàng hóa cho công ty này. 

Khi công ty Tín Phương đặt mua hàng bột cám mì thì bị cáo tự ý đặt mua thêm một khối lượng lớn khác với danh nghĩa của công ty Tín Phương, hoặc Thiều gửi thư điện tử đến ban giám đốc công ty IFV xin thêm hạn mức mua bột cám mì cho công ty Tín Phương với nhiều lý do khác nhau (nhưng trên thực tế công ty Tín Phương không có nhu cầu). 

Ngoài ra, Thiều còn nói dối công ty Tín Phương phải xin đặt mua thêm hạn mức bột cám mì nếu không thời gian tới sẽ tăng giá. Công ty Tín Phương tưởng thật liền đặt hàng với số lượng lớn. Sau đó, Thiều trực tiếp liên hệ với nhân viên phân phối hàng hóa và bộ phận kho hàng của công ty IFV để cung cấp các thông tin gian dối, yêu cầu xuất hàng cho công ty Tín Phương (kèm theo hóa đơn bán hàng). Toàn bộ xe nhận hàng với số lượng hàng bao nhiêu, nhận ở kho nào, ngày giờ nhận hàng,…đều do bị cáo Thiều trực tiếp bố trí và thực hiện. 

Từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2017, Thiều đã 112 lần chiếm đoạt 2.323 tấn bột cám mì của công ty IFV, tổng giá trị là 10,95 tỷ đồng
Từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2017, Thiều đã 112 lần chiếm đoạt 2.323 tấn bột cám mì của công ty IFV, tổng giá trị là 10,95 tỷ đồng

Bằng thủ đoạn trên, ngoài số lượng hàng bột cám mì công ty Tín Phương mua bán thật, bị cáo đã lấy được một số lượng lớn bột cám mì khác ra khỏi công ty IFV (dưới danh nghĩa công ty Tín Phương) để chiếm đoạt.

Để che giấu số tiền bán hàng chiếm đoạt được, bị cáo nói dối ban lãnh đạo công ty của mình, là công ty Tín Phương đang gặp khó khăn trong kinh doanh, chưa có tiền để thanh toán ngay số lượng hàng bột cám mì vừa mới mua, công ty Tín Phương là khách hàng có uy tín lâu năm nên cần gia hạn kéo dài việc trả nợ đồng thời phải tiếp tục bán hàng cho công ty này. 

Để mọi việc diễn ra trót lọt, Thiều nói dối với ban lãnh đạo IFV và nhân viên kế toán là hóa đơn VAT mua hàng và các bản đối chiếu công nợ mà công ty IFV gửi qua đường bưu điện cho công ty Tín Phương thường hay bị thất lạc, nên Thiều sẽ trực tiếp nhận tại kế toán công ty hoặc tại kế toán kho hàng rồi giao lại cho công ty Tín Phương, nhưng thực tế bị cáo giữ lại toàn bộ để tránh công ty Tín Phương phát hiện.

Đối với những hóa đơn bán hàng của công ty IFV, Thiều yêu cầu kế toán công ty hoặc kế toán kho hàng ghi hóa đơn xuất bán theo từng lần bán hàng hoặc ghi gộp nhiều ngày xuất hàng trong cùng một hóa đơn.

Tin tưởng Thiều nói thật, nên tất cả các đề xuất của Thiều đều được ban lãnh đạo công ty IFV và nhân viên của bộ phận kế toán, kho hàng, bảo vệ đồng ý thực hiện theo yêu cầu,, hoàn toàn không có một ai nghi ngờ. Còn công ty Tín Phương do bị cáo quản lý trực tiếp việc mua bán hàng và khi thanh toán tiền cho công ty IFV đều phải thông qua Thiều. Vì vậy mọi người đều tin tưởng một trưởng phòng kinh doanh là Thiều mà không phát hiện hành vi gian dối.

Cứ như vậy, từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2017, bị cáo Thiều đã thực hiện 112 lần chiếm đoạt 2.323 tấn bột cám mì của công ty IFV, tổng giá trị là 10,95 tỷ đồng. Đầu tháng 2/2017, công ty IFV thấy số tiền nợ của công ty Tín Phương quá lớn nên đã làm việc trực tiếp với công ty Tín Phương để đối chiếu công nợ thì phát hiện ra hành vi gian dối của Thiều. Ngay lập tức, công ty IFV làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chiếm đoạt hơn 10 tỷ, bồi thường 10 triệu đồng

Không còn dáng vẻ “công tử hào hoa”, “vung tiền như nước”, bị cáo Thiều đứng trước hội đồng xét xử với khuôn mặt xanh lét, bộ dạng tiều tụy, ủ rũ. Bị cáo khai với HĐXX, thời gian đó, bị cáo liên tục thua nợ cá độ bóng đá, thường xuyên vay tiền của những người cho vay nặng lãi. Cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con không ngừng. 

“Xã hội đen cứ ào ạt tìm đến đòi nợ. Không có tiền trả, nên bị cáo mới lợi dụng chức vụ của mình tại công ty, chiếm đoạt hàng của công ty mang ra ngoài bán”, bị cáo khai. 

“Bị cáo có khi nào nói với cha mẹ, vợ của mình là bản thân đang mắc nợ xã hội đen không?”, tòa hỏi. 

“Dạ bị cáo không dám nói”.

Tòa hỏi bị cáo sau khi chiếm đoạt hơn hai ngàn tấn bột cám, bị cáo đã làm cách nào để tiêu thụ? Bị cáo Thiều khai, thời điểm bị cáo chiếm đoạt bột cám mì của công ty, bị cáo nói dối anh Tùng, vốn là giám đốc của một công ty tại tỉnh Thanh Hóa chuyên kinh doanh mua bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; là Thiều có một số lượng lớn bột cám mì bán với giá nội bộ công ty, thấp hơn giá bình thường từ 200 – 300 đồng/1 ký.

Số hàng này, bị cáo nói với anh Tùng là công ty bán cho một đại lý mới thành lập ở Quảng Nam, nhưng do đại lý này chưa có khách hàng tiêu thụ nên hàng đọng lại, nếu anh Tùng có nhu cầu mua, sẽ bán lại. 

Anh Tùng tin tưởng nên giới thiệu cho anh ruột của mình là anh Tâm đang làm chủ trang trại chăn nuôi heo ở Thanh Hóa. Cách thức giao nhận hàng như sau: Khi anh Tâm muốn mua bao nhiêu bột cám mì thì sẽ điện báo cho anh Tùng, sau đó anh Tùng điện báo lại cho bị cáo để làm tất cả các thủ tục về xuất hóa đơn và xuất hàng ra khỏi kho của công ty IFV, rồi chở đến trang trại của anh Tâm.

Sau khi anh Tâm nhận hàng tại trang trại của mình xong sẽ đến ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Thiều. Vì mua hàng để chăn nuôi lợn hàng ngày nên anh Tâm cũng không cần lấy các hóa đơn VAT bán hàng để lưu giữ. 

Trong suốt hai năm giao dịch qua lại, anh Tùng và anh Tâm hoàn toàn không biết số lượng bột cám mì đó là do bị cáo chiếm đoạt của công ty rồi bán lại. Số bột cám mì anh Tâm đã mua của bị cáo, toàn bộ đã sử dụng để chăn nuôi lợn nên cơ quan chức năng đã không thể thu hồi.

Sau khi bị cáo bị bắt, vợ bị cáo đã thay chồng bồi thường 10 triệu đồng. Chị này bảo, số tiền mà bị cáo chiếm đoạt quá lớn. Chị chỉ là một nhân viên bình thường, bản thân đang nuôi hai con nhỏ, một đứa 11 tuổi, một đứa mới lên 2, với đồng lương ít ỏi, có muốn thay chồng bồi thường thêm cũng chẳng có. “Tôi biết số tiền đó cũng chỉ là muối bỏ bể so với những gì chồng tôi đã gây ra. Tôi rất có ý thức khắc phục hậu quả giúp chồng mình, nhưng tôi không có tiền. Nếu sau này có tiền, tôi xin tiếp tục bồi thường tiếp”, vợ bị cáo giãi bày.

Tòa hỏi vợ bị cáo, số tiền bị cáo chiếm đoạt hơn 10 tỷ của công ty IFV, bị cáo có đem về cho vợ không? Có mua sắm các tài sản trong nhà không? Vợ bị cáo khai, chồng mình làm lương tháng gần 20 triệu. Nhưng bị cáo còn không đem về cho vợ đủ lương của mình, đừng nói là đưa thêm tiền gì khác về nhà. 

Do số tiền gia đình bị cáo khắc phục thiệt hại quá ít so với số tiền hơn 10 tỷ bị cáo đã chiếm đoạt, vì vậy bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục hậu quả. Theo HĐXX, việc bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là trưởng phòng kinh doanh của công ty IFV để đưa ra các thông tin gian dối đối với lãnh đạo và nhân viên IFV nhằm chiếm đoạt tài sản, đã phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”, vì vậy cần xử phạt bị cáo với mức hình phạt nghiêm khắc, nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Tòa tuyên phạt bị cáo Thiều 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đọc thêm