Phúc thẩm vụ lừa đảo liên quan đến “sàn vàng Khải Thái”: Được đề nghị giảm án, nhiều bị cáo vẫn kêu oan

(PLVN) - Ngày 12/7, phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo liên quan đến vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái (Cty Khải Thái) tiếp tục phần tranh luận. 
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Phát biểu quan điểm, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX giữ nguyên án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Hsu Minh Jung (còn gọi là Saga, SN 1975, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc, Tổng Giám đốc Cty Khải Thái) và giảm án tù đối với các bị cáo nguyên là cấp dưới, làm thuê cho Saga.

Kiểm sát viên (KSV) cũng đề nghị Tòa kiến nghị trong bản án phúc thẩm về việc xác minh số tiền mà cơ quan CSĐT trả lại cho Lê Thị Thu Hà và làm rõ hành vi của 18 Trưởng phòng và Kế toán trưởng Cty Khải Thái.

Không đồng tình với cáo buộc đồng phạm, bị cáo Đoàn Thị Luyến (nguyên Giám đốc Chi nhánh Charmvit) và  luật sư (LS) cho rằng, việc coi Luyến là đồng phạm giúp sức cho Saga là không đúng vì theo luật thì đồng phạm là việc hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm. Nghĩa là về mặt ý thức chủ quan, phải có việc bị cáo cùng bàn bạc, thống nhất hoặc biết được hành vi, mục đích “lừa đảo” của người chủ mưu. Nhưng trong vụ án này thì ngay bản Cáo trạng và Bản án sơ thẩm đều thừa nhận Luyến không được Saga bàn bạc về việc chiếm đoạt tiền. Không có chứng cứ về việc Luyến biết Saga đã chiếm đoạt tiền hoặc sử dụng trái phép tiền của khách hàng như thế nào.

Phản đối ý kiến của KSV khi cho rằng bị cáo đã “tư vấn tìm kiếm khách hàng”, Luyến cho rằng mình chỉ là người làm thuê, làm công ăn lương nên chỉ biết hoàn thành công việc theo hợp đồng chứ và không có chuyện biết lừa đảo nhưng vẫn cố ý giúp sức. Thậm chí, khi nghi ngờ hoạt động của Cty Khải Thái, bị cáo còn khuyên một số khách hàng thanh lý hợp đồng và rút lại tiền.

Ngoài ra, LS cũng đề nghị đối chất làm rõ số hợp đồng Luyến đã ký vì thực  tế, Luyến chỉ lý 13 hợp đồng với khách hàng chứ không phải 85 hợp đồng như số liệu kế toán công ty cung cấp. Số tiền lương và thưởng Luyến đã nhận (bị Tòa sơ thẩm coi là số tiền do Saga lừa đảo mà có) cũng phải tính toán lại vì cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã cộng gộp cả tiền lương, thưởng trước khi vụ án xảy ra.

Đáng nói hơn, trong vụ án này, có 18 trưởng phòng tại Cty Khải Thái cũng có các hành vi tương tự như Luyến, hưởng lương thưởng hơn 1,5 tỷ đồng/người nhưng đã không bị xem xét, khởi tố.

Đồng quan điểm trên, bị cáo Tăng Hải Nam và LS bào chữa cũng  cho rằng, Nam không cùng thực hiện ý chí lừa đảo với Saga. Mọi hoạt động của Nam đều tham gia cùng các trưởng phòng khác. Nam không đủ trình độ ngoại ngữ để trực tiếp trao đổi với Saga nên không có việc bàn bạc với nhau. Thậm chí, bản thân Nam cũng tin tưởng Saga, tin tưởng Công ty Khải Thái nên đã đầu tư và thuyết phục người thân (gồm em gái, bác ruột) đầu tư vào Khải Thái hơn 3,4 tỷ đồng với mong muốn được trả đầy đủ gốc và lãi như khách hàng thông thường. Như vậy, Nam cũng chỉ là bị hại trong vụ án này chứ không đủ cơ sở để khẳng định Nam đồng phạm, có cùng ý chí lừa đảo với Saga.

Nam cho biết, “trong vụ án này, bị cáo có xuất phát điểm là khách hàng, sau đó là nhân viên kinh doanh rồi trưởng phòng…  Bị cáo và gia đình đã đầu tư rất nhiều tiền vào công ty nên vừa là nhà đầu tư, vừa mất tiền nhưng vẫn lại bị coi là đồng phạm là không đúng”. 

Còn theo LS thì thời điểm Nam bị bắt thì Nam mới chỉ được Saga giao “miệng” để quản lý Chi nhánh Lotte được 24 ngày. Lúc này, Chi nhánh Lotte chưa có khách hàng, chưa có hoạt động kinh doanh, chưa có doanh thu. Vì vậy, việc cho rằng bị cáo Nam có vai trò giúp sức tích cực cho Saga cũng cần phải được đánh giá, xem xét lại. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra bổ sung, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan cho các bị cáo.

Cũng như Nam, bị cáo Đinh Thị Hồng Vinh (nguyên Giám đốc Chi nhánh Plaschem) cũng thắc mắc về việc mình có đầu tư tiền vào Khải Thái (560 triệu đồng) nhưng lại không được coi là người bị hại. Việc làm của bị cáo cũng giống như 18 Trưởng phòng kinh doanh khác nhưng những người này lại “vô can”.

Theo LS, khi được Saga giao “miệng” để phụ trách chi nhánh, Vinh chỉ quản lý hành chính, không tư vấn cho khách hàng, không thu tiền. Vinh cũng không thống nhất, không thỏa thuận với Saga và không không chỉ đạo nhân viên, 18 trưởng phòng kinh doanh làm trái.

Đồng quan điểm, LS bào chữa cho Vinh cũng cho rằng không đủ chứng cứ khẳng định thân chủ mình đồng phạm với Saga.

Dự kiến, hôm nay (15/7) phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của KSV.

Việc tách vụ án có đúng quy định? 

Phát biểu tại phần tranh luận, LS bào chữa cho bị cáo Phan Kiện Trung (phiên dịch) cho rằng, việc tách hành vi của 18 Trưởng phòng của Cty Khải Thái để điều tra trong vụ án khác là không đúng quy định tại Điều17 của BLTTHS 2003. Việc tách vụ án chỉ trong trường hợp không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Tuy nhiên, vụ án này điều tra đến 3 năm thì không có lí do gì mà tách. 18 Trưởng phòng có vai trò, trách nhiệm ở Cty Khải Thái ngang bằng với nhiều bị cáo ngồi đây.

Việc tách này cũng ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng vì số tiền mà các trưởng phòng này được hưởng là hơn 26 tỷ. Trong khi tổng số tiền 5, 6 bị cáo ngồi chỉ hưởng hơn 7 tỷ đồng. 

Đọc thêm