Vụ 9 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc bệnh viện “dọa” kiện Sở Nội vụ

(PLVN) - Ngày 17/1, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 4 với phần tham gia xét hỏi của luật sư. Tại tòa, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết sẽ kiện Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình nếu Sở này kết luận họ thành lập đơn nguyên chạy thận bất hợp pháp.
Ông Trương Quý Dương
Ông Trương Quý Dương

Trước đó, trong phần thẩm vấn chiều muộn ngày 16/1, bà Bùi Thu Hằng (Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình) cho biết ông Trương Quý Dương hoàn toàn có quyền thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, theo lời chủ tọa phiên tòa, Công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình không có quy định nào cho phép thành lập như vậy. Do đó, Sở này kết luận Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tự ý thành lập Đơn nguyên thận là không đúng với quy định của pháp luật.

Do đó, trong phiên làm việc ngày 17/1, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã hỏi ông Trương Quý Dương về vấn đề này. Luật sư Phúc nói Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình trả lời cơ quan điều tra về việc ban hành Quyết định số 175 ngày 8/3/2010 của Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu trực thuộc khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này. Theo đó, Sở Nội vụ khẳng định là “không có văn bản pháp luật nào quy định được phép thành lập tổ chức bên trong của các khoa, phòng của bệnh viện đa khoa và phân cấp quyền cho các đơn vị thực hiện thành lập tổ chức này”.

Nghe vậy, bị cáo Dương nói không đồng tình với Công văn của Sở Nội vụ. “Nếu họ nói như vậy và khẳng định như thế, chúng tôi dứt khoát sẽ kiện”, cựu Giám đốc bệnh viện nói. Bởi theo ông Dương, việc thành lập Đơn nguyên thận được bệnh viện thực hiện theo hướng dẫn chuyển giao của Đề án 1816 – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Thực hiện việc này, BVĐK Hòa Bình đã ký kết hợp đồng chuyển giao 5 kỹ thuật liên quan đến lọc máu, chạy thận nhân tạo… cho 28 bác sĩ, điều dưỡng.

Trước đó, khi được hỏi về trách nhiệm lọc máu thuộc phòng ban nào, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đáp việc lọc máu thuộc trách nhiệm của Khoa Hồi sức tích cực. Về mặt tổ chức, Đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa Hồi sức nhưng các hoạt động chuyên môn lại tuân theo quy chế riêng của Khoa Lọc máu. Bởi Đơn nguyên lọc máu không có biên chế kỹ thuật viên mà chỉ có người làm công việc của kỹ thật viên. “Theo quy chế Khoa Lọc máu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn nguồn nước RO thuộc về trách nghiệm Trưởng khoa”, bị cáo Dương nói.

Trước lời khai trên, khi được gọi lên đối chất, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó Giám đốc phụ trách Khoa Hồi sức) đã phản bác lại lời khai trên. Ông Khiếu khẳng định Đơn nguyên lọc máu không phải một Khoa nên không có người đảm nhận chức danh kỹ thuật viên và kỹ sư chuyên môn. Tiếp lời, bị cáo này cho hay trách nhiệm về chất lượng nước theo quy chế đúng là thuộc về Trưởng khoa. Tuy nhiên, do Đơn nguyên lọc máu không có kỹ thuật viên và kỹ sư nên khi thiết bị có hư hỏng đều được báo cho Phòng Vật tư. “Bởi vậy, trách nhiệm về chất lượng nước sử dụng cho lọc máu, hỏng hóc của máy móc tôi cho rằng thuộc về Phòng Vật tư”, cựu Phó Giám đốc phụ trách Khoa Hồi sức nói.

Cũng theo lời ông Khiếu, sau mỗi lần sửa chữa hoặc nhận thiết bị từ Phòng Vật tư, Khoa Lọc máu sẽ thực hiện chạy thận luôn. Việc cần xét nghiệm nước hay không Phòng Vật tư phải thông báo để Khoa ngừng chạy thận. Tuy nhiên, Phòng Vật tư không phối hợp khiến Khoa không biết thời gian sửa chữa bao lâu./.

Đọc thêm