Vụ án ‘nồi da xáo thịt’ ở Lạng Sơn: Kiến nghị xem xét nhiều nội dung của bản án

(PLVN) - Theo LS Đặng Văn Cường, trong vụ án “nồi da xáo thịt” mà báo PLVN phản ánh thì TAND các cấp cần xem xét chi phí bảo quản di sản để có một bản án khách quan.
Vụ án ‘nồi da xáo thịt’ ở Lạng Sơn: Kiến nghị xem xét nhiều nội dung của bản án

Như báo PLVN phản ánh, sau 64 năm quản lý tài sản mà bố mẹ tận tay để lại, bà Nguyễn Thị Thật được UBND TP Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 626m2. Do tuổi già sức yếu, bà Thật đã có giấy ủy quyền giao cho chị Liên (con gái bà Thật) quản lý.

Khi bà Thật vừa qua đời, bà Chính và bà Chín (chị em ruột bà Thật) quay sang đòi cô cháu gái phải phân chia số đất được cấp sổ đỏ khiến vụ án trở thành vụ án “nồi da xáo thịt” khiến nhiều người cảm thấy bất bình.

Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm và HĐXX cấp tòa sơ thẩm tuyên chị Liên phải chia cho bà Chính 184 m2 và bà Chín 197m2 trên tổng số diện tích 626m2.

Nhận thấy bản án sơ thẩm của TAND TP Lạng Sơn vi phạm về tố tụng, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án. Tuy nhiên, thay vì xem xét đề nghị của VKSND tỉnh Lạng Sơn, TAND tỉnh này đã “phớt lờ” kháng nghị hủy án mà tuyên y án theo như bản án sơ thẩm khiến gia đình bị đơn bức xúc.

Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, trong vụ án này, tòa án xác định cụ Nguyễn Văn Chung và cụ Nguyễn Thị Lạng (đã mất) để lại cho con cháu (không có di chúc) thửa đất 626m2 nên mở phiên tòa phân chia tài sản cho hàng thừa kế thứ nhất là bà Chính, bà Chín, bà Thật.

Bà Thật là người được cụ Lạng giao cho mảnh đất trên được 64 năm đã thực hiện tốt các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định, vì vậy bà Thật là người có công trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản, làm cho khối di sản không bị mai một, mất mát theo thời gian. Vì vậy công sức của bà Thật đã bỏ ra là cơ sở cho việc người thừa kế phải trả thù lao cho họ khi phân chia tài sản. 

Bộ luật Dân sự thể hiện ngôn ngữ là “Chi phí cho việc bảo quản di sản”, còn trong thực tiễn xét xử các Tòa án thường dùng từ trích công sức cho người quản lý di sản. Đây là hình thức trả công để bù đắp lao động đã bỏ ra, căn cứ vào thời gian lao động. Hình thức lao động ở đây là hành động giữ gìn, bảo tồn di sản. Vì vậy, về mặt lý thuyết, nếu số lượng và chủng loại di sản như nhau thì thời gian phải trông coi, giữ gìn, bảo tồn di sản càng dài thì thù lao càng phải lớn.

“Quan điểm của VKSND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, bà Thật đã quản lý, gìn giữ tài sản trong suốt 64 năm nên khi chia thừa kế thì Tòa án phải xác định công sức của bà Thật ít nhất phải bằng một kỳ phần thừa kế mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thật là có căn cứ và phù hợp với các quy định của pháp luật”, LS Cường cho hay.

Đọc thêm