Vụ mất 200 tỷ đồng tại Navibank: Bác toàn bộ kiến nghị của luật sư

(PLO) - “Bản án không phải là ý chí của một thẩm phán, mà của cả HĐXX, hơn nữa bản án phúc thẩm đó đã có hiệu lực pháp luật nên không thuộc thẩm quyền xem xét của HĐXX tại phiên tòa này…”- đó là lý do để HĐXX tuyên bác toàn bộ kiến nghị của các luật sư đã đề xuất trong vụ mất 200 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng Navibak .
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Sau 5 ngày tạm hoãn để VKS Tối cao bổ sung hồ sơ tài liệu, ngày 12/3, TAND TP HCM tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank).  

Mở đầu phiên xử, chủ tọa phiên tòa đã thông báo tới toàn thể những người tham gia tố tụng rằng, Viện KSDN Tối cao đã bổ sung đầy đủ các tài liệu theo như yêu cầu của HĐXX, bao gồm: Bản sao 2 bản án phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, bản sao kê tài khoản của 4 chủ tài khoản gửi tại Vietinbank Chi nhánh TP.HCM.

HĐXX cũng thông báo trong thời gian tạm hoãn, HĐXX có nhận được đơn kiến nghị của 12 luật sư bào chữa cho 8/10 bị cáo, yêu cầu triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán Quảng Đức Tuyên (thẩm phán TAND Cấp cao- chủ tọa phiên tòa phúc thẩm trong vụ án trước) để làm rõ những vấn đề liên quan. Tuy nhiên qua xem xét, HĐXX nhận định:

Về yêu cầu triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên, HĐXX xét thấy qua phần xét hỏi và thủ tục, đại diện VKS đã khẳng định những vấn đề mà các luật sư cho rằng mâu thuẫn giữa kết luận điều tra và cáo trạng sẽ được làm rõ trong phần tranh luận nên không cần thiết phải triệu tập như đề nghị của các luật sư. 

Đối với yêu cầu triệu tập thẩm phán Quảng Đức Tuyên, chủ tọa phiên xử Huyền Như giai đoạn 1, HĐXX nhấn mạnh: "Các luật sư dường như chưa hiểu đúng các quy định của luật tố tụng hình sự. Bản án là bản án của cả HĐXX, chứ không phải của riêng chủ tọa…”. HĐXX cũng định, do bản án phúc thẩm đó đã có hiệu lực pháp luật, thẩm quyền xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật không thuộc phiên tòa này nên không chấp nhận các yêu cầu của các luật sư.

Trước đó, các luật sư bảo vệ cho 10 bị cáo đã có bản kiến nghị đề nghị HĐXX triệu tập chủ tọa phiên tòa là ông Quảng Đức Tuyên – Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) để làm rõ một số nội dung về bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An có mâu thuẫn với cáo trạng số của VKSND Tối cao hay không. Cần phải làm rõ, tại sao vào thời điểm xử đại án Huỳnh Thị Huyền Như (giai đoạn 1) lại không triệu tập bị cáo Lê Quang Trí, Nguyễn Giang Nam, Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thanh Bình, Phạm Thị Thu…?

Theo kiến nghị của các luật sư, các nhân viên của Navibank đã ký 18 hợp đồng với Vietinbank chi nhánh TP.HCM gửi 500 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng. Đến tháng 9/2011, Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của 6 hợp đồng tiền gửi đứng tên 4 nhân viên Navibank. 

Tuy nhiên, căn cứ bản kết luận điều tra, số tiền 200 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt là ở tại Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, nhưng tại trang 6 của cáo trạng số 80/CTr-VKSTC-V3 ngày 17/11/2017 của VKSND Tối cao lại xác định rằng: "Đến tháng 9/2011, đến hạn tất toán của 12 hợp đồng, Huỳnh Thị Huyền Như đã trả lại cho Navibank 300 tỷ đồng, số tiền 200 tỷ đồng của 6 hợp đồng còn lại chưa đến hạn tất toán nhưng đã bị Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè…”.

Trong diễn biến phiên tòa, bị án Huyền Như tiếp tục được các luật sư thay nhau hỏi về số tiền 200 tỷ. Tuy nhiên vẫn giống như trong suốt thời gian qua, Huyền Như vẫn trả lời hết sức ngắn gọn và không được ăn khớp cho lắm, mà luôn có điệp khúc “tôi khai tại cơ quan điều tra, kết luận điều tra, cáo trạng và bản án trước là đúng…”./.                                                                                                   

Đọc thêm