Vụ truy đuổi dẫn đến tai nạn chết người ở Bình Định: Nhiều bất thường trong phiên sơ thẩm

(PLVN) - Sáng 21/3, TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với bị cáo Huỳnh Hiệp Xuyên (tên gọi khác Xuyên bụi, SN 1983, ngụ xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) và đồng bọn.
Hiện trường được cho là vụ tai nạn giao thông khiến anh Phương tử vong, anh Khương bị thương nặng
Hiện trường được cho là vụ tai nạn giao thông khiến anh Phương tử vong, anh Khương bị thương nặng

Khai vòng vo vẫn được cho là “thành khẩn” 

Theo hồ sơ, Xuyên và Thái Hoàng Nhật (SN 1994), Nguyễn Hồng Quân (SN 1992), Hoàng Ngọc Tú (SN 1999), Nguyễn Văn Lâm (SN 1994, cùng ngụ huyện Phù Mỹ), Đào Duy Đô (SN 1991, ngụ huyện Hoài Nhơn) dùng xe máy, hung khí truy đuổi qua lại trên tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phù Mỹ và huyện Hoài Nhơn gây mất an ninh trật tự, làm anh Nguyễn Bình Nhất Phương (SN 1988, ngụ huyện Phù Mỹ) tử vong, anh Phạm Linh Khương bị thương nặng.

Vụ án từng được TAND tỉnh Bình Định trả hồ sơ đề nghị làm rõ hành vi của bị cáo Xuyên, Nhật, Quân là “Giết người” hay “Gây rối trật tự nơi công cộng”. Tuy nhiên, VKSND cùng cấp vẫn bảo lưu quan điểm, không điều tra bổ sung những tình tiết mà tòa nêu.

Tại phiên tòa lần này, bị cáo Xuyên một mực kêu oan, khẳng định không phạm tội, không liên quan đến cái chết của anh Phương. Xuyên khai: “Bị cáo cùng Nhật đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng đập cửa và đòi chém. Bị cáo rất lo sợ vì nửa đêm nửa hôm và không biết nhóm bên ngoài là ai”.

Sau đó, Xuyên gọi cho Quân để hỏi biết ai đến nhà Xuyên hay không nhưng Quân không biết. Quân đến nhà Xuyên cùng Nhật đi trên xe máy của Xuyên vào thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ) để… ăn khuya. Nhưng trên đường về bị nhóm lạ mặt truy đuổi.

“Nhóm kia đến nhà bị cáo lần thứ 2, bị cáo đóng cửa, khóa trong và rất lo sợ. Bị cáo không biết là ai nên khi nhóm kia đi, bị cáo kêu Quân và Nhật chở đi tìm xem là ai để báo công an chứ không có ý định đánh nhau. Bị cáo nhặt được 2 cái phảng ở trước nhà và cầm theo để thủ thân”, Xuyên khai.

Lời khai của Xuyên bị chủ tọa phản ứng: “Bị cáo liên tục nói lo sợ vì có người đến đập nhà. Tại sao bị cáo không chọn giải pháp ở yên trong nhà chờ đến sáng báo công an hoặc tình thế cấp thiết thì gọi hàng xóm hỗ trợ. Bị cáo lo sợ mà mang theo hung khí đi tìm người ta chỉ để nhìn biển số xe, biết mặt là ai. Bị cáo có thấy ai lo sợ mà như bị cáo không?”.

Việc bị cáo Xuyên khai không thành khẩn, quanh co còn thể hiện ở việc “lo sợ” nhưng trên đường đuổi theo nhóm quậy phá nhà mình, Xuyên gặp xe máy nào cũng đuổi theo. Dù khai đuổi theo để biết là ai, xe biển số nào nhưng khi truy đuổi kịp xe anh Thi chở Lâm và khiến xe này bị tai nạn, Xuyên không dừng lại mà tiếp tục truy đuổi theo xe của anh Khương chở Phương.

Khi xe anh Khương chở Phương bị tai nạn, Xuyên bỏ đi và về nhà. Tất cả quá trình truy đuổi gần 5km với tốc độ cao, 2 tay 2 cây phảng, Xuyên vẫn một mực khẳng định… bị cáo “sợ”.  

Còn anh Thi và anh Khương (hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đều khai nhóm Xuyên truy đuổi tốc độ cao, cà hai cây phảng xuống đường tóe lửa, khi áp sát thì hô “giết giết giết” và dơ phảng lên dọa chém. Vì áp lực đó, xe của anh Thi và anh Khương mới bị tai nạn dẫn đến anh Phương tử vong.

Bị cáo Nhật và Quân cũng chối bỏ hành vi truy đuổi nhóm anh Phương. Cả hai nói cho xe chạy từ từ, đúng tốc độ.

Dù lời khai tại tòa của các bị cáo quanh co, chối bỏ trách nhiệm gây ra hậu quả và mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra nhưng khi luận tội, đại diện VKS vẫn nói “các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được giảm nhẹ hình phạt”.  

Bất thường 7 bút lục bị rút mất

Sau khi nghe VKS luận tội, các bị cáo đều không đồng ý với án phạt và không đồng ý bồi thường cho anh Phương, anh Khương. Bị cáo Xuyên kêu oan và lý giải: “Bị cáo không la ó, không chạy tốc độ cao, không truy đuổi nên không gây rối trật tự công cộng. Bị cáo không phạm bất cứ tội danh nào”.

Còn các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Phương khẳng định việc truy tố các bị cáo tội “Gây rối trật tự nơi công cộng” là không đúng bản chất, hành vi.

Một luật sư (LS) phát biểu: “Mặc dù các bị cáo khai không có ý thức tước đoạt mạng sống của Xuyên nhưng chúng ta cần xem xét việc bị cáo sử dụng phương tiện có nguồn nguy hiểm cao, cầm theo hung khí và có truy đuổi tốc độ nhanh.

Pháp luật buộc bị cáo phải biết hành vi đó gây nguy hiểm cho người khác và phải chịu trách nhiệm khi hậu quả xảy ra. Còn nếu cứ đi điều tra về ý thức thì vô nghĩa. Có bị cáo nào, người phạm tội nào lại đi thừa nhận mình muốn tước đoạt mạng sống của người khác hay không? Chắc chắn là không”.

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) phân tích: “Việc xác định Phương là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là sai. Bởi lẽ, theo lý luận của VKS, cái chết của Phương là hậu quả của việc “Gây rối” nên Phương phải là được xác định là “bị hại”.

“Thứ hai, kết quả giám định cho thấy vết thương ở đầu của Phương có chảy máu ngoài nhưng hiện trường không tìm thấy máu. Chúng tôi có quyền nghi ngờ Phương không chết ở hiện trường mà ở một nơi khác. Thứ ba, Khương không đủ điều kiện lái xe và làm chết người nhưng lại không bị truy tố vì được cho là “bị truy đuổi nên hoảng sợ”.

Nhưng VKS lại nói rằng bị cáo Xuyên, Quân, Nhật không truy đuổi, không tạo ra áp lực, không đe dọa. Như vậy có mâu thuẫn với nhau hay không? Theo logic, nếu chấp nhận Khương hoảng sợ thì phải chấp nhận lời khai của Khương là bị truy đuổi, bị giơ phảng lên dọa chém tạo ra áp lực từ phía sau. Nghĩa là bị cáo Xuyên, Quân, Nhật gián tiếp gây ra cái chết cho Phương thông qua việc làm cho Khương hoảng sợ. Đủ thấy hành vi của bị cáo Xuyên, Quân, Nhật là “giết người””, LS Hiệp nói.

LS Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn LS Đà Nẵng) nói rằng hồ sơ bị rút bớt 7 bút lục về khám nghiệm hiện trường. Ai rút? Rút để làm gì? Và các bút lục đó có nội dung gì? Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án? Một LS khác nói rằng rất lấy làm tiếc khi Phương chết đã 2 năm nhưng không có bất cứ người nào chịu trách nhiệm, không rõ nguyên nhân gây ra cái chết đó.

Đáp lại, đại diện VKS cho rằng đã làm hết chức năng, nhiệm vụ, rất “tâm tư” với vụ án, và không đủ cơ sở để truy tố “tội giết người” đối với bị cáo Xuyên, Quân và Nhật.

Điều khá bất thường, HĐXX lại không chấp nhận các khoản yêu cầu bồi thường của người thân anh Phương và anh Khương. HĐXX lý luận rằng đến nay vẫn chưa xác định được ai là người gây ra cái chết cho anh Phương nên không có cơ sở buộc các bị cáo bồi thường. Về hình sự, bị cáo Xuyên và Tú bị tuyên 18 tháng tù, Nhật 15 tháng tù, Quân, Đô, Lâm mỗi người 12 tháng tù.

Rời phiên tòa, một số bị cáo và người nhà anh Phương cho biết sẽ kháng cáo. 

Người chết phải bồi thường cho… chính mình

Trong phần luận tội, nói về việc bồi thường thiệt hại cho anh Phương và anh Khương, VKS cho rằng cả nhóm Phương gồm Phương, Đô, Tú, Lâm và nhóm Xuyên là Xuyên, Nhật, Quân đều có lỗi. Chia mức độ lỗi nhóm Phương chịu 40%, nhóm Xuyên 60%. Nhóm Phương chia đều cho nhau nên Phương phải chịu 10% tiền bồi thường cho… chính mình.

Các luật sư bác bỏ việc chia bồi thường này vì cho rằng không có cơ sở nào hoặc quy định nào áp dụng như vậy. Còn anh Khương và người nhà anh Phương thì buộc nhóm Xuyên phải bồi thường và phải truy tố nhóm này tội “giết người”.

Việc phân chia nêu trên không được HĐXX chấp thuận và vấn đề này đang bị bỏ ngỏ.

Đọc thêm