Ba năm chưa làm rõ vụ án kẻ giết người mắc bệnh tâm thần phân liệt

(PLO) - Tiệc vui đầu năm thành buồn sau hai cái xoa đầu vô duyên đối với bạn nhậu. Xô xát khiến một người thiệt mạng. Rắc rối còn phát sinh, bởi hung thủ suốt quãng thời gian dài phải đi điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Người thân mang di ảnh nạn nhân đến tòa
Người thân mang di ảnh nạn nhân đến tòa
Truy sát nhau vì… hai cái xoa đầu
Ngày 18/8, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Thân Đức Long (SN 1977, ngụ thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng) về tội Giết người. Bị hại trong vụ án là Nguyễn Trường Thi (SN 1987, cùng nơi cư trú). 
Trước đó, chiều tối một ngày cách đây 3 năm, gia đình một người trong thôn tổ chức tiệc mừng năm mới, có nhiều người tham dự. Đến khoảng 19h30 cùng ngày thì thủ phạm Long đến chơi. Do có quen biết từ trước nên Long dùng tay xoa lên đầu một người đang nhậu và nói: “Anh em mình lâu quá không gặp”. 
Hành động của Đức Long làm cho người này khó chịu: “Lớn rồi không giỡn kiểu đó”. Nghe vậy, Đức Long đứng dậy một lúc, sau đó không hiểu lý do gì lại tiếp tục xoa đầu. Bực tức, người này liền cầm vỏ chai bia đập xuống nền nhà, đứng phắt dậy: “Anh mà sờ lên đầu tôi một cái nữa là tội đập chết cha anh”. 
Nạn hân Thi ngồi bên cạnh tỏ ra “nóng mặt” cũng đứng dậy đòi xông vào đánh Long thì được mọi người căn ngăn. Giận dữ, Long nói: “Tao về nhà lấy dao lụi chết tụi mày”. Thi và ba người nữa đuổi theo. Long xuống bếp nhà một hàng xóm lấy 2 con dao bước ra trước cửa, trước tiên chém một nhát vào tay phải chủ nhà, rồi đâm trượt bụng một người khác. 
Người bị đâm chạy ra kêu cứu: “Tao bị đâm rồi”. Hai người khác cầm vỏ chai bia, gạch đá ném về phía Đức Long. Biết không thể “địch lại”, Long chạy vào buồng nấp sau tấm rèm che buồng ngủ. Nạn nhân Thi cầm 2 vỏ chai bia đã đập nhọn đi vào buồng đâm vào tấm rèm: “Thằng Long đâu rồi, mày ra đây tao đâm chết mày”. Vừa dứt lời, Thi bị Đức đâm một nhát xuyên qua rèm trúng vào ngực, đổ gục xuống đất.
Thực tế “chỏi” kết luận giám định
Nạn nhân sau đó tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh do vết thương quá hiểm. Về phần hung thủ, sau khi gây án đã ném lại hung khí dưới gầm giường, theo lối cửa sau lẩn trốn khỏi hiện trường. Sáng ngày hôm sau, Long đến Công an xã Phú Sơn đầu thú. Tại bản giám định pháp y ngày 10/2/2011 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước, kết luận: Nạn nhân bị vật sắc nhọn bản mỏng tác động vào ngực phải, gây thủng phổi, tràn máu khoang màng phổi phải, gây mất máu, suy hô hấp dẫn đến tử vong. 
Thời điểm gây án, bị can có dấu hiệu mắc chứng tâm thần phân liệt, TAND tỉnh Bình Phước đã giám định tâm thần, đưa đi điều trị tại Bệnh viện tâm thần Đồng Nai. Bản giám định pháp y tâm thần số 520 ngày 28/7/2011 của Viện giám định pháp y tâm thần TW – Phân viện phía Nam kết luận: Trước, trong, sau khi gây án và hiện nay đương sự có bệnh biến đổi nhân cách và hành vi thực tổn (F07.8 – ICD. 10). Kết luận nhận định: “Lúc gây án và hiện nay Long có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế. Tuy nhiên bị cáo vẫn có đầy đủ sức khỏe và nhận thức để tham gia phiên tòa”. 
Trở lại phiên xét xử, Long ngồi ủ rũ với nét mặt ngơ ngẩn, giống một người vô thức. Tay mang còng, Long nép mình, vẻ mặt buồn thiu, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn mọi người với ánh mắt vô hồn. Phải đợi đến xế chiều phiên xử Long mới bắt đầu vì còn phải chờ một vụ án khác xét xử kéo dài. “Trắc nghiệm” năng lực nhận thức của Long, HĐXX đặt nhiều câu hỏi. Tuy nhiên Long chỉ nhắc lại đúng một câu trả lời: “Không”. Long không biết mình gây án, chẳng nhớ tên người bị hại, cha mẹ và người thân… Xét thấy cần phải tiếp tục giám định tâm thần để làm rõ năng lực nhận thức của bị cáo, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa. 
Bị cáo có dấu hiệu tâm thần từ sau một tai nạn ngã xe
Long là con thứ sáu trong gia đình làm nghề nông có tới bảy anh chị em quê xã Điện An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Từ thuở bé, Long không được hoạt bát và nhanh nhẹn như chúng bạn. Cậu trai tỏ ra lầm lì, không thích tiếp xúc với người trong gia đình. Long được ăn học nhưng đầu óc chậm hiểu, lúc chuyển nhà vào huyện Bù Đăng, Long cũng đứt ngang việc học hành ở lớp 7, quẩn quanh với nương rẫy, những lô cao su, vườn điều. 
HĐXX tuyên hoãn phiên tòa để xác định lại tình trạng tâm thần của bị cáo
 HĐXX tuyên hoãn phiên tòa để xác định lại tình trạng tâm thần của bị cáo
Ở tuổi đôi mươi, Long lấy vợ, đã có một con trai năm nay vừa tròn 14 tuổi. Vốn là chàng trai hiền lành, chỉ lo làm lụng, nếu không có một tai nạn đáng tiếc xảy ra, có lẽ cuộc đời Long đã khác. Cách đây 7 năm, trong lúc đi xe từ rẫy về nhà, do đường sình lầy, trơn trượt nên Long bị té ngã. Vết thương do đập đầu vào vật cứng khiến Long phải nhập viện điều trị dài ngày. Xuất viện, Long bình thường, hằng ngày vẫn đi làm, nhưng mỗi khi thời tiết thay đổi thì thần kinh “có vấn đề”. 
Chưa hết, Long còn ham uống rượu, cứ mỗi khi nhà nào có việc lại sang đánh chén. Biết Long đầu óc “chập mạch”, có vấn đề nên láng giềng không chấp. Tuy nhiên, di chứng của cú ngã ngày càng nặng thêm, cộng với hơi men, Long ngày càng hung dữ, nhiều lần vô cớ đánh đập vợ con.
Trước ngày xảy ra vụ việc, người dân tổ chức mừng năm mới cũng là để liên hoan vụ điều được mùa trĩu quả. Mọi nhà đều tổ chức ăn uống, mời nhau chúc tụng, đồng nghĩa với việc Long uống rượu khá nhiều, thần kinh càng có vấn đề. Người đàn ông thường hay lẩm bẩm, nói sàm cứ thấy nhà nào tổ chức ăn uống, tiệc tùng lại mò sang lân la nhậu cùng. Một phần khó chịu vì “vị khách không mời mà đến” này, nạn nhân mới cự cãi, để rồi xảy ra án mạng không đáng có. 
“Một người mắc bệnh tâm thần mà gây án thì việc họ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh. Nếu mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong khi thực hiện hành vi phạm tội thì việc xác định trách nhiệm hình sự đã rất rõ ràng. Khoản Điều 13 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. 
Nhưng nếu như mắc bệnh tâm thần sau khi gây án thì sự việc bắt đầu trở nên phức tạp. Trường hợp này được pháp luật chia nhỏ thành hai trường hợp sau. Một là, “Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt” (Khoản 3 Điều 43 BLHS). 
Hai là, “Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự” (Khoản 2 Điều 43 BLHS). 
Như vậy, người phạm tội trong khi có năng lực hình sự nhưng sau đó lại mắc bệnh tâm thần tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì sau khi bắt buộc chữa bệnh có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn chấp hành hình phạt. Trường hợp miễn chấp hành hình phạt thì đã có quy định tại Điều 57 BLHS. Tuy nhiên trường hợp nào có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự thì nhà làm luật chưa quy định rõ”. 
(Thế Anh)

Đọc thêm