Bí mật kinh hoàng trong một nhà kho ở Mỹ

(PLO) - Arthur Rathburn bị cáo buộc đã dùng cưa để phân tách các bộ phận cơ thể và cho các cơ quan y tế thuê những bộ phận cơ thể người nhiễm HIV. Các công tố viên đánh giá cao vụ trấn áp này nhưng trên thực tế, nhà chức trách lẽ ra đã phải ra tay từ trước đó rất lâu…
Arthur Rathburn.
Arthur Rathburn.

Phát hiện kinh hoàng 

Tháng 12/2013, sau gần 4 năm điều tra, FBI đã đột kích nhà kho và văn phòng của Arthur Rathburn – một đối tượng hành nghề trong lĩnh vực môi giới thi thể. Ở nhà kho của tên này, theo hồ sơ vụ việc, nhà chức trách đã phát hiện “hàng nghìn” bộ phận thi thể người. 

“Rathburn để những chiếc đầu người bằng cách xếp chồng trực tiếp liên nhau mà không có lớp bảo vệ nào”, lực lượng chức năng thông tin trong hồ sơ nộp lên tòa án. 

Sau quá trình điều tra, đến tháng 1/2016, Ratbburn bị bắt. Vụ bắt giữ đối tượng này được cơ quan chức năng Mỹ ca ngợi là cột mốc trong các nỗ lực của họ nhằm giám sát hoạt động của các công ty môi giới chuyên thu thập các thi thể được hiến tặng cho khoa học, phân tách ra rồi bán hoặc cho thuê kiếm lời. 

Bản cáo trạng cáo buộc Rathburn đã lưu trữ các thi thể được sử dụng cho đào tạo và giáo dục y khoa trong điều kiện “ghê tởm” và phân tách các bộ phận thi thể bằng cưa. Đối tượng này cũng bị cáo buộc đã gây nguy hiểm cho các bác sỹ, nha sỹ và các nhân viên y tế đã từng làm việc với ông ta khi cho họ thuê những thi thể và phần đầu bị nhiễm HIV và viêm gan. 

Một thông cáo báo chí được Chính phủ Mỹ công bố gọi vụ bắt giữ là một bước đi quan trọng, cho thấy bảo vệ cộng đồng là một ưu tiên cao của Chính phủ.

Rathburn và vợ của ông ta sau đó đã bị truy tố về tội lừa dối khách hàng chứ không phải là bán hay phân tách các thi thể. Đến tháng 1/2017, Rathburn đã phải ra hầu tòa về cáo buộc lừa dối các nhân viên y tế và khai man với cơ quan chức năng. Đối tượng nhận tội nhưng vẫn đang bị giam giữ. Còn vợ của ông ta đã nhận tội gian dối và tỏ ra hợp tác với cơ quan công tố. 

Song, kết quả điều tra của Reuters cho thấy nhà chức trách đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để ngăn chặn những hành động của Rathburn. Những dấu hiệu cảnh báo về đối tượng này thực chất đã xuất hiện từ trước đó hơn 10 năm.

Những dấu hiệu bị bỏ qua

Theo Reuters, hoạt động của Rathburn bắt đầu manh nha từ năm 1984, khi ông ta được chương trình hiến thi thể - chương trình điều phối việc sử dụng các thi thể trong các lớp giải phẫu và nghiên cứu - của trường Đại học Michigan tuyển dụng. 

Theo ghi chép của trường, Rathburn khi đó đã giúp trường giải quyết “kha khá” những đơn khiếu nại từ gia đình những người hiến thi thể, phàn nàn về dịch vụ khách hàng yếu kém của trường. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, Rathburnwas đã rời trường vì bị cáo buộc có hành vi không chuẩn mực. Ông ta đã đề nghị và được tòa án đồng ý ra lệnh cấm công bố hồ sơ cá nhân của mình. 

Theo 2 nguồn tin có biết về vụ việc, Rathburnwas đã bị cáo buộc xử lý không đúng cách tro cốt của người hiến thi thể - một sai phạm có thể nói là rất lớn trong công việc mà ông ta đảm nhận. 

Với việc thông tin sai phạm nghiêm trọng trên không được công bố, đầu những năm 1990, Rathburn đứng ra thành lập công ty môi giới thi thể người. Năm 2004, một thanh tra ở New York đã tới nhà kho của Rathburn ở Detroit.

Nhà kho của tên Arthur Rathburn – nơi hàng nghìn bộ phận cơ thể đã được phát hiện.
Nhà kho của tên Arthur Rathburn – nơi hàng nghìn bộ phận cơ thể đã được phát hiện.

Dù Rathburn đã được thông báo trước 1 tuần về kiểm tra này nhưng vị thanh tra vẫn đã phát hiện những thiếu sót nghiêm trọng - những thiếu sót cho thấy các thi thể có thể bị rơi vào “vùng xám” về trách nhiệm sau khi được hiến tặng, phân tách và chuyển cho khách hàng. Trong số những vấn đề có việc Rathburn không thể đưa ra được giấy tờ chứng minh rằng các thi thể đã được hiến tặng một cách tự nguyện. 

Theo hồ sơ, ông ta lấy lý do luật riêng tư và các chính sách về cung cấp để từ chối cung cấp bằng chứng về việc này. Năm 2006, giới chức New York yêu cầu Rathburn dừng đưa các bộ phận cơ thể tới thành phố cho đến khi ông ta giải đáp được những quan ngại của họ. Song, đến năm 2007, cơ quan y tế New York lại cấp giấy phép tạm thời cho Rathburn, cho phép ông ta nối lại hoạt động của mình.

Từ năm 2005 đến 2007, hoạt động của Rathburn ở bên ngoài khu vực New York vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ dù ít nhất đã có một nhà môi giới là ông Walter Mitchell – từng là người đứng đầu công ty hiến thi thể BioGift ở Oregon – lên tiếng bày tỏ nghi vấn về hoạt động của ông ta. 

Ông Mitchell cho biết đã dừng cung cấp các bộ phận thi thể cho Rathburn sau sự cố xảy ra năm 2006. Khi đó, 1 tuần sau khi đã chuyển 2 phần thân người cho Rathburn, ông Mitchell nhận được cuộc gọi từ hãng hàng không đã nhận vận chuyển kiện “hàng” đó, thông báo vẫn chưa có ai tới nhận đồ ở sân bay. Theo nhân viên của hãng hàng không, chất làm mát trong thùng hàng đã bị rò rỉ và mùi từ đó đã bốc ra. Sau vài lần giục giã, Rathburn mới đến nhận đồ.

Giữa những năm 2000, Rathburn bắt tay vào thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động. Với số vốn 1,8 triệu USD, năm 2005, công ty của ông ta mua một nhà tang lễ và một nhà kho ở Richmond, Virginia. Những cơ sở hạ tầng này này đều có vị trí chiến lược, ở gần 2 lối ra của đường cao tốc liên bang, một trung tâm hội nghị và 1 trường y. Khu vực xung quanh đó cũng đang phát triển mạnh mẽ. 

Theo tính toán của Rathburn, hắn sẽ mang những thi thể tới để ở nhà kho, chuyển tới nhà tang lễ rồi sau đó là tới các sự kiện đào tạo y khoa. Nhân tính không bằng trời tính, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương và Rathburn đã phải từ bỏ kế hoạch. Thất bại trong phi vụ này, khoản nợ của công ty gia tăng nhanh chóng dù nguồn thu hàng năm từ năm 2006 đến 2008 vẫn luôn đạt gần 900.000 USD. 

Đến cuối năm 2008, công ty chính thức phá sản. Song, Rathburn vẫn tiếp tục hoạt động môi giới. Từ năm 2008 đến năm 2013, 6 công ty môi giới đã chuyển cho ông ta hơn 800 bộ phận cơ thể. Trong khi đó, chỉ từ năm 2010 đến năm 2013, giới chức liên bang đã phải làm việc với ông ta hoặc các nhân viên của ông ta hàng chục lần. 

Ví dụ, trong năm 2010 và 2011, lực lượng liên bang đều đã chặn ông ta lại khi ông ta đang trên đường từ Canada về nước. Mỗi lần, Rathburn đều mang theo 10 chiếc đầu người. Năm 2012, những chiếc thùng đông lạnh kiểu để đồ dã ngoại có chứa 8 đầu người và trong dung dịch màu đỏ đã được đưa tới sân bay Detroit. Lực lượng biên phòng đã ngăn Rathburn lại. Tuy nhiên, ông ta khai rằng dung dịch đó không phải là máu mà là nước súc miệng Listerine được dùng để bảo quản những mẫu vật. 

Sau lần đó, một cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của Rathburn đã được mở ra nhưng đã không có bất cứ động thái nào nhằm kiểm tra nhà kho hay ngăn chặn hoạt động của ông ta được tiến hành. 7 tháng sau vụ việc ở sân bay Detroit, Rathburn bị phát hiện đã gửi một thi thể nhiễm viêm gan B và HIV tới một trung tâm y khoa ở Washington.

Dù những người ở trung tâm không gặp nguy hiểm vì sự cố nhưng tất cả đều bàng hoàng khi biết được việc gì đã xảy ra. Còn ở thời điểm tiếp xúc với mẫu vật, họ không hề hay biết gì về tình trạng này.

Tháng 8/2013, giới chức New York đã tiến hành kiểm tra nhà kho của Rathburn một lần nữa. Lần này, họ vẫn phát hiện ông ta không có hồ sơ đầy đủ về các bộ phận thi thể được lưu trữ. Và, cũng lại một lần nữa, không có bất cứ động thái nào được tiến hành. Rathburn tiếp tục kiếm được khoảng 5.000 USD từ các thi thể và 500 USD với phần đầu. Mãi đến cuối năm 2013, hoạt động của Rathburn mới dừng lại.

Chúng tôi muốn công lý

Trong số những bộ phận mà FBI tìm được ở nhà kho có phần đầu, 2 chân và vai của bà Glorious Pearl Jeffries, sống ở Chicago. Lachell Jeffries-Hanson – con gái của bà Jeffries – cho biết, mẹ cô qua đời ở tuổi 72 vì thuyên tắc phổi. Trước khi mất, bà nói muốn hiến xác với hy vọng việc này sẽ giúp ích cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. 

Khi nhận được thông báo của FBI về vụ việc, Jeffries-Hanson đã vô cùng sốc. “Chúng tôi muốn công lý”, cô tuyên bố. Hanson nói rằng, điều khiến cô đau lòng nhất là phần đầu của mẹ cô – mà cô luôn nghĩ đã được hỏa táng – đã bị đặt lên giá đồ của một người khác. Về việc thi thể của mẹ đã bị một công ty môi giới chia tách làm nhiều phần, Jeffries-Hanson cho biết cô và gia đình đã không đọc kỹ thỏa thuận về việc hiến xác. “Lúc đó mọi người đều quẫn trí, chẳng ai đọc thấu đáo mọi thứ”, cô nói thêm.

Đọc thêm