Cảnh báo tội phạm xâm hại trẻ em thời công nghệ cao

(PLO) -Sáu tháng đầu năm 2017 cả nước phát gần 700 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. 2/3 vụ việc các đối tượng lợi dụng triệt để công nghệ cao gây án. Trong khi đó quy trình xử lý các vụ án còn chậm, bộc lộ nhiều quan điểm đánh giá tội phạm chưa đồng nhất giữa các cơ quan tố tụng.
Ngày càng nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ cao để XHTD trẻ em (Hình minh họa)
Ngày càng nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ cao để XHTD trẻ em (Hình minh họa)

Lợi dụng công nghệ gây án

Chia sẻ tại hội thảo về công tác phòng chống XHTD trẻ em, Trung tá Khổng Ngọc Oanh (Cục C45 - Bộ Công An) cho biết: Thời gian vừa qua dư luận sôi sục với các vụ XHTD trẻ em, thực tế nhiều vụ việc kéo dài. Trong 6 tháng đầu năm 2017 cả nước phát hiện 696 vụ với 716 đối tượng XHTD, xâm hại 710 trẻ em. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 43 vụ.

Các đối tượng gây án chủ yếu trong độ tuổi từ 17-40 tuổi, phần lớn là lao động tự do hoặc nghề nghiệp không ổn định, lười lao động, ham mê rượu chè, có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn: “Một số đối tượng có việc làm nhưng lợi dụng nghề nghiệp để XHTD trẻ em như giáo viên, nhân viên y tế, người có chức trách bảo trợ, nuôi dưỡng, chữa bệnh”, Trung tá Oanh nói.

Phần lớn nạn nhân bị XHTD nhỏ tuổi (dưới 10 tuổi), thường không có khả năng tự vệ,  phản kháng và rất dễ bị dụ dỗ. Nhóm nạn nhân nữa gồm những em gái, nữ sinh mới lớn (12 - 16 tuổi) với tâm lý tò mò, thích cái mới, cộng với thiếu sự quan tâm quản lý của gia đình, nhà trường cũng dễ dàng bị lợi dụng.

Đại diện C45 thông tin tiếp, tới nay chưa có thống kê nào về nạn nhân là các bé trai bị XHTD. Nhưng thực tế ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có tình trạng trẻ em nam hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh lẻ đổ về mưu sinh thường bị những đối tượng biến thái, đồng tính lợi dụng XHTD.

Thủ đoạn của loại tội phạm XHTD trẻ em vẫn là lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng tự vệ của nạn nhân để dụ dỗ, cho quà, hứa hẹn hoặc cho sử dụng chất kích thích, xem ấn phẩm khiêu dâm, rủ đi chơi rồi dụ dỗ, đe dọa, cưỡng bức XHTD. Nhiều đối tượng lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc, gần gũi với nạn nhân như cha con, họ tộc, xóm giềng, thầy trò để thực hiện hành vi đồi bại.

Đặc biệt gần đây xuất hiện tội phạm lợi dụng triệt để môi trường mạng xã hội như Zalo, Facebook, viber, các mạng “chát” để tiếp cận, làm quen rồi rủ rê đi chơi, du lịch, mua sắm nhằm lừa gạt, hoặc đưa trẻ em vào tình cảnh phụ thuộc để thực hiện hành vi XHTD. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính có đến gần 2/3 số vụ XHTD trẻ em, đối tượng triệt để lợi dụng các phương tiện công nghệ cao gây án. Nhóm tội phạm này rất khó phát hiện, điều tra.

Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội cần chú ý tới nguyên nhân tội phạm mắc bệnh lý ấu dâm, loạn dâm. Những đối tượng này thường có vẻ ngoài đạo mạo, không tiền án, tiền sự nên rất khó phát hiện, truy tìm chứng cứ.

Cơ quan tố tụng chưa đồng nhất quan điểm

Một câu hỏi được đưa ra là nhiều vụ việc nạn nhân trình báo công an nhưng đối tượng XHTD trẻ em sau đó vì sao không bị xử lý hoặc xử lý chậm tạo nên tâm lý hồ nghi đối với người tố giác? Vấn đề này đại diện C45 thừa nhận trong xử lý các vụ việc XHTD trẻ em còn nhiều vướng mắc.

Theo quy định, phải đủ chứng cứ mới khởi tố vụ án tuy nhiên phần lớn các vụ XHTD trẻ em không có người làm chứng trực tiếp. Bên cạnh đó còn có sự dàn xếp, thỏa thuận giữa gia đình nạn nhân với đối tượng; Hoặc sau một thời gian do thỏa thuận không đạt mới tố giác nên khó khăn cho việc xác minh điều tra. Lý do nữa là áp lực sợ oan sai nên có tình trạng cơ quan công an quá thận trọng, cầu toàn trong việc đánh giá và sử dụng chứng cứ, kiến nghị khởi tố.

Chuyên gia hướng dẫn mọi người khi nghi ngờ xảy ra vụ việc XHTD trẻ em, trước tiên phải động viên nạn nhân ổn định tâm lý, khẳng định các em không có lỗi. Thực tiễn cho thấy nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên chưa được đào tạo tập huấn, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý làm việc với trẻ em. Do đó khi lấy lời khai làm cho nạn nhân lo lắng rằng lỗi do bản thân dẫn đến sợ sệt, lời khai không đầy đủ: “Các vật dụng như khăn lau, áo quần nạn nhân phải giữ nguyên vẹn, tránh đem giặt hoặc vứt, vô tình làm mất chứng cứ phạm tội”, Trung tá Oanh lưu ý.

Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Tuyên, Vụ phó Vụ pháp chế và quản lý khoa học (VKSNDTC) kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật pháp để xử lý triệt để tội phạm XHTD trẻ em.. Cụ thể như quy định ẩn danh đối với người bị hại nhằm giải tỏa tâm lý xấu hổ, e dè cung cấp thông tin với CQĐT.

Cũng theo ông Tuyên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất cần sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự, nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng. Pháp luật nên sửa đổi theo hướng mở rộng nguyên tắc xác định chứng cứ, cách thức thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm XHTD trẻ em. 

Một hạn chế là hiện nay các cơ quan tố tụng chưa thống nhất nhận thức, quan điểm về một số khái niệm phạm tội. Ví dụ như khái niệm “dâm ô”, có cơ quan hiểu rằng là hành vi sờ nắn thân thể nạn nhân. Song có quan điểm cho rằng dâm ô phải là hành vi sờ soạng vào bộ phận sinh dục nhằm thỏa mãn dục vọng. Vì vậy theo TS Tuyên, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các cơ quan tố tụng trong xác định tội danh.

Trả lời thắc mắc nhiều vụ XHTD trẻ em mặc dù cộng đồng biết song vì lý do nào đó gia đình nạn nhân không tố giác thì phải xử lý ra sao? Đại diện VKSNDTC nhấn mạnh ngoài nguồn tin tố giác tội phạm của nạn nhân và người thân thì CQĐT còn dựa vào tin báo từ tổ chức, các nhân trong xã hội để xử lý tội phạm XHTD trẻ em. Cơ quan tố tụng có trách nhiệm phải xem xét. Theo quy định, tối đa 4 tháng cơ quan tố tụng phải ra một trong các quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án./.

Đọc thêm