Góc khuất hồ sơ đảo chính Ngô Đình Diệm 1960: Chiến thuật câu giờ

(PLO) -Lần đầu tiên có một cuộc đảo chính quy mô diễn ra trong nội bộ chính quyền Diệm. Nhưng sự không chuẩn bị kỹ càng về lực lượng cũng như kinh nghiệm đã làm cho phe đảo chính bị lừa trong chiến thuật cù cưa câu giờ của phe Diệm, để rồi thế cờ lật ngược và cái kết cho cuộc đảo chính dĩ nhiên là hai chữ thất bại. 
Dân nghe ngóng tình hình trước dinh Độc Lập.
Dân nghe ngóng tình hình trước dinh Độc Lập.

Phàm đối tượng bị súng gí vào đầu, mấy ai mà bình tĩnh cho đặng. Như Diệm, bị dựng dậy giữa lúc đang say giấc, chứng kiến biết bao nhiêu tin tức cùng những âm thanh cuồng nộ của súng đạn dội về phía mình, thì hẳn còn hoang mang cực độ nữa. Muốn biết được nội tình bên trong dinh Độc Lập, nơi Tổng thống Diệm tiếp nhận cuộc đảo chính của lính mình “oánh” mình như thế nào, cứ theo lời người trong cuộc là sống động và gần với sự thật hơn cả. Vâng, ta điểm qua cảnh ấy trong Madam Nhu – Quyền lực bà rồng. 

Bên trong dinh Độc Lập bấy giờ

Khoảng 3 giờ sáng ngày 11/11, từ phía dinh Độc Lập, anh em nhà Diệm-Nhu đã nghe được những âm thanh vọng lại của tiếng súng đạn từ xa. Đa phần chưa hiểu vấn đề gì xảy ra. Mỗi lúc một gần, mỗi lúc một rõ, tiếng súng bắn, đạn nổ chứng tỏ đang có giao tranh, nghi ngờ ban đầu một cuộc tấn công bất ngờ của “Việt cộng” được thay bằng tin tức đảo chính từ phía quân dù với 3 tiểu đoàn dù làm phản. 

Lúc này, anh em Diệm-Nhu trên người vẫn còn mặc trang phục ngủ pyjama, cùng nhau đứng ngồi không yên trong phòng làm việc của Tổng thống Diệm, mẹ con Trần Lệ Xuân thì đang tránh bom dưới hầm.

Tin tức đưa về dồn dập, điện thoại liên tục reo vang, nào là Hải quân Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn còn trung thành, nào là nhiều địa điểm then chốt về mặt quân sự rơi vào tay quân đảo chính, nào thường dân chết vì đạn lạc… toàn những tin không vui. Diệm thì ủ rũ buồn rầu vì những phản đồ tưởng chừng trung thành với mình, Nhu thì âu sầu tư lự, trong tay là khẩu súng lăm lăm, còn Lệ Xuân thì trái lại, quyết chống đảo chính đến cùng. 

Anh em Diệm-Nhu.

Anh em Diệm-Nhu.

Gần sáng, Diệm đã bắt đầu đàm phán với phe đảo chính, hứa hẹn về một chính phủ mới với nhiều thay đổi. Ấy nhưng, đó chỉ là biện pháp tạm thời của “ông cụ” mà thôi. Việc kéo dài thời gian sẽ có lợi cho phe Diệm khi những đơn vị quân đội trung thành di chuyển vào thành phố, còn phe đảo chính sẽ lơ là mất cảnh giác. Và quả nhiên nhờ đó, gió sẽ đổi chiều để thổi mát cho chính phủ Diệm, còn phe đảo chính, dần rơi vào thế bất lợi khi thời gian kéo dài. 

Chiến thuật câu giờ

Trụ sở Bộ Chỉ huy của phe đảo chính được đặt phía Nhà thờ Đức Bà, rất gần với dinh Độc Lập. Theo lời thuật của trung tá Vương Văn Đông, thì Võ Văn Hải (người theo chân Diệm từ thời niên thiếu, là Bí thư riêng của Diệm), rồi Nguyễn Khánh là người đại diện cho Tổng thống Diệm điều đình với phe đảo chính ngày trước dinh Đọc Lập, với điều kiện giữ lại Diệm, còn vợ chồng Nhu – Xuân ra đi. Phe đảo chính chấp nhận phương án ấy. 

Ban đầu, phe đảo chính yêu cầu Diệm trực tiếp xuất hiện để đàm phán nhưng rõ là không dại gì Diệm xuất đầu lộ diện để “ăn kẹo đồng”. Những yêu cầu của phe đảo chính, được Khánh truyền đạt lại vào trong dinh Độc Lập. Một điều rất thú vị là Nguyễn Khánh tình cờ lọt được vào dinh khi đảo chính diễn ra.

Lúc ấy, Khánh làm Tham mưu trưởng quân đội, nhà ở gần bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2). Khi tiếng súng đảo chính vang lên, Khánh nhảy lên xe chạy đến dinh, nhảy rào mà vào và trở thành thuyết khách của Diệm.

Tướng Nguyễn Khánh, thuyết khách của Diệm.

Tướng Nguyễn Khánh, thuyết khách của Diệm.


  Cuộc thương thuyết ban đầu lợi thế thuộc về phe đảo chính, Diệm đồng ý giải tán Chính phủ, trao quyền lại cho quân đội lập chính phủ lâm thời. Đêm 11 rạng ngày 12, băng ghi âm “Lời tuyên bố long trọng cam kết” của Diệm được phe đảo chính đưa đến đài phát thanh và phát cho toàn Sài Gòn nghe rạng sáng ngày 12.

Phe đảo chính tưởng bở rằng rõ là Diệm đã buông súng vì thất lợi, mà không biết, “ông cụ” đưa ra chiếc bánh vẽ hòng câu giờ, chờ đợi lực lượng trung thành về Sài Gòn giải vây. Thế nên, nhật lệnh ngưng bắn được phe đảo chính phát đi trên đài phát thanh, lại càng tạo điều kiện hòa hoãn cho Diệm chờ tay chân về phản công, cứu giá. 

Về tình hình phe đảo chính, Vương Văn Đông thừa nhận rằng, thất bại của cuộc đảo chính đã được xác định từ 6 giờ sáng ngày 11. Bởi “mục tiêu chính mà không chiếm được là hỏng rồi”, thêm vào đó một yếu tố quan trọng khi lực lượng đảo chính quá mỏng, tập trung chủ yếu là quân dù, và tướng lĩnh tai to mặt lớn gần như không tham gia. Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, một trong những lãnh đạo chủ chốt của phe đảo chính, thì bị trúng đạn chết ngay tại Tổng Nha Cảnh sát đêm 11/11. 

Ngày 12, Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi và những tay đảo chính, biết thất bại đã nhãn tiền nên cùng nhau lên máy bay tháo chạy sang Nam Vang (Phnom Penh) xin tị nạn chính trị.

Tối đêm ấy phía trong dinh, khi những lực lượng ủng hộ chính quyền Diệm tiến về Sài Gòn (đại tá Trần Thiện Khiêm phe Diệm đã đem quân từ Long An về trường đua Phú Thọ đợi lệnh) theo lời Nguyễn Khánh thuật lại, Lệ Xuân định diệt những đơn vị dù tham gia đảo chính, nhưng bị sự ngăn cản của chính Khánh vì lo sợ một cuộc tắm máu thảm khốc. 

Một điều rất bi hài do chính người trong cuộc kể lại, là rất nhiều tướng tá ăn cơm nhà họ Ngô, lĩnh lương họ Ngô, nhưng khi đảo chính diễn ra thì hoặc trở cờ theo phe đảo chính, hoặc án binh bất động nghe ngóng. Thế nên mới có thực tế được hồi ký Làm thế nào để giết một Tổng thống thuật lại: “Ngay Sư đoàn 7 đóng tại Biên Hòa, kế cận Thủ đô từ phút đầu vẫn giữ thái độ “wait and see”.

Sau đó, Trung đoàn 12 nóng ruột mới kéo quân trực chỉ Thủ đô. Sư đoàn 22 mà vị Tư lệnh được coi là “người trong nhà” của chế độ cũng do dự. Đúng hơn là hoàn toàn im lặng chờ lệnh thượng cấp. Ngay tại Thủ đô, nhiều tướng tá cũng im lặng chờ đợi cơ hội”. Điều đó cho thấy, đám tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa khi ấy vì quyền lợi cá nhân hơn ai hết. 

Nhóm “theo đóm ăn tàn”

Khi đảo chính diễn ra mạnh kẻ nào kẻ ấy giữ thân, nhiều nhân vật vốn được tiếng trung thành với chế độ Diệm, nhưng lại ngậm tăm không dám đứng về phía bên nào, hẳn là chờ xem ai ở thế thượng phong. Đến khi thấy chính quyền Diệm vẫn sống, một màn kịch tung hô được các tập thể, cá nhân biểu diễn rất mực nồng thắm, thể hiện sự trung thành tuyệt đối với chính thể đến mức cười ra nước mắt. 

Các thành viên trong Quốc hội Việt Nam Cộng hòa lũ lượt kéo vào dinh Độc Lập để thể hiện sự ủng hộ và tri ân Ngô Tổng thống đã đưa chế độ qua cơn nguy biến. Nhiều trường hợp một số cá nhân bỗng dưng được lộc từ cuộc đảo chính. Tỉ như Giám đốc Bưu Điện Nguyễn Khắc Thám được nhận Bảo quốc Huân chương vì có công bảo vệ đường dây điện thoại khẩn cấp giữa dinh Độc Lập với bên ngoài. Nhưng kỳ thực là hệ thống điện thoại tại Sở Bưu Điện bị quân đảo chính phá, khổ nỗi lại không phá hệ thống liên lạc khẩn cấp đặt dưới hầm Sở Bưu Điện. 

Lại có trường hợp như một dân biểu vốn là bác sĩ, đã có công lái xe về Phú Lâm thúc giục đại tá Trần Thiện Khiêm nhanh đem quân về “cứu giá” nên được tưởng thưởng bằng chức Tổng Giám đốc Thông tin. Còn mật vụ và an ninh quân đội, vì cái tội to là không kịp thời khám phá âm mưu đảo chính để ngăn chặn, nên sau đó rất sốt sắng lùng bắt những người liên đới; trong đó, nhóm nhân sĩ Caravelle và những sĩ quan quân đội liên đới hầu hết bị bắt. 

Có rất nhiều trường hợp cụ thể khác được điểm mặt chỉ tên về tinh thần, thái độ như Trung tá Nguyễn Khương – Chỉ huy trưởng truyền tin, suốt ngày 11 đến sáng 12 Khương trốn thật kỹ nhưng khi quân Trần Thiện Khiêm tiến vào Sài Gòn thì Khương lộ diện, cho một Tiểu đoàn truyền tin ra tay chống đảo chánh vào ngày 13. Thực ra thì cả ngày 11 Khương cho người móc nối với phe đảo chính. 

Bi hài không kém là một tay Đại úy chỉ huy trưởng một đơn vị biệt lập ven Sài Gòn phải xộ khám bị giam 40 ngày vì cái tội rất trời ơi khi vô tình xóa khẩu hiệu suy tôn Ngô Đình Diệm. Số là bức tường ở doanh trại kẻ khẩu hiệu “Ngô Tổng Thống muôn năm” lâu ngày bị nước mưa làm ố nhòe. Tay Đại úy liền lệnh cho cấp dưới quét lại tường vôi để kẻ lại khẩu hiệu cho đẹp. Khổ cho hắn là tường quét vôi trắng, khẩu hiệu cũ đã bị xóa, khẩu hiệu mới chưa kịp viết thì đúng ngày ấy đảo chính. Thế là chưa kịp bày tỏ tình cảm với Diệm thì tay Đại úy lại bị tai bay vạ gió.../.

Đọc thêm