Hành trình “lật tẩy” kịch bản buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề

(PLO) - Sau khi nhận thấy sự mất tích "bất thường" của một đứa bé tại chùa Bồ Đề, anh Nguyễn Thành Long (Long Biên, Hà Nội) đã làm đơn tố cáo vụ việc. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã lật tẩy "kịch bản" mua bán trẻ em diễn ra tại ngôi chùa này.
Hai đối tượng tại cơ quan điều tra
Hai đối tượng tại cơ quan điều tra
Sự biến mất "bất ngờ" của một đứa bé
Cuối năm 2013, biết được trường hợp một cháu bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề, vợ chồng anh Long đã quyết định nhận cháu bé này làm con đỡ đầu và đặt tên là Cù Nguyên Công. Vợ chồng anh Long thường xuyên qua chùa Bồ Đề thăm cháu bé và thỉnh thoảng được nhà chùa cho phép đón cháu về nhà chăm sóc.
Những ngày cuối năm 2013, khi cháu Công đang ở nhà cùng vợ chồng anh Long, anh Long nhận được điện thoại của Nguyễn Thị Thanh Trang, khi ấy là người quản lý khu nhà nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Trang yêu cầu vợ chồng anh Long đưa cháu về chùa ngay vì sắp có đoàn kiểm tra.
Ít ngày sau, vợ anh Long đến chùa để đón cháu Cù Nguyên Công đưa đi chữa bệnh thì nhận được thông tin cháu bé đã được mẹ đẻ đón về. Cảm thấy có chuyện bất thường vì ban đầu, anh Long được biết cháu Công bị bỏ rơi ở cổng chùa, vợ chồng anh Long đã gặng hỏi. Lúc này, Trang cho biết, ông bà ngoại của cháu bé phát hiện ra việc con gái mình đã sinh con sau đó gửi vào chùa nên bắt con gái phải đến chùa xin con về.
Càng thêm nghi ngờ, vợ chồng anh Long đã nhiều lần đi tìm cháu bé và đã tìm được nhà của mẹ đẻ cháu Công là T.T.T.H. (SN 1989, quê ở tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, H. lại nói rằng cháu Công đã được trả về cho bố đẻ của cháu.
Đến tháng 2/2014, anh Long nhận được điện thoại của một phụ nữ tên Nguyệt thông báo rằng chị ta đang nuôi cháu Cù Nguyên Công. Anh Long đề nghị cho địa chỉ để anh gửi sữa và đồ dùng cho cháu Công nhưng Nguyệt từ chối. Nghi ngờ có khuất tất trong vụ việc, anh Long đã làm đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Lật tẩy hành vi buôn bán trẻ em
Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, cháu Cù Nguyên Công là con đẻ của T.T.T.H. và người yêu tên T. (quê Tuyên Quang). Hai người có quan hệ yêu đương và H. mang thai cháu Công. Ngày 26/10/2013, hai người vào một nhà nghỉ ở Phú Diễn, Từ Liêm, bàn bạc sẽ đưa H. đến bệnh viện sinh con sau đó đem vào chùa gửi. Tuy nhiên, ngay đêm hôm đó, H. chuyển dạ và sinh cháu Công ngay trong nhà vệ sinh của nhà nghỉ.
Chiều hôm sau, hai người bắt taxi, bế cháu bé sang chùa Bồ Đề. Tại đây, hai người được ni sư Đàm Lan hướng dẫn xuống gặp Nguyễn Thị Thanh Trang, quản lý khu nuôi trẻ em mồ côi. Cả hai đã viết giấy gửi trẻ kèm theo bản photo chứng minh nhân dân. Sau đó, thỉnh thoảng H. có đến chùa Bồ Đề thăm con nhưng không đủ điều kiện nhận con về nuôi nên chỉ mua quà cáp, đường sữa.
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, Trang quen biết với Phạm Thị Nguyệt. Biết Nguyệt muốn tìm con nuôi, Trang đã tìm cách bán cháu Cù Nguyên Công cho Nguyệt.
Để thực hiện trót lọt phi vụ này, Trang bố trí cho Nguyệt giả làm chị dâu của mình đang đi tìm con nuôi. Trang bố trí cho Nguyệt gặp H., thuyết phục chị này đồng ý cho cháu Công làm con nuôi mình. Trang hướng dẫn H. làm các thủ tục rút cháu Công ra khỏi chùa, sau đó giao cho Nguyệt nuôi dưỡng.
Sau khi đón cháu Công về, Nguyệt đã trả cho Trang 35 triệu đồng. Số tiền này, Trang “bồi dưỡng” cho H. 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, thời gian sau, bị vợ chồng anh Long vặn hỏi về cháu Công, Trang đã lập mưu để “hoàn tất” phi vụ này. Biết vợ chồng anh Long đã gặp được H., Trang chỉ đạo H. nói dối là đã trả con cho bố đẻ cháu.
Mưu mô hơn, sau đó Trang đã bày cho Nguyệt đến gặp H., yêu cầu H. viết giấy tường trình với nội dung đã quan hệ bất chính với chồng của Nguyệt và có thai, nay gia đình biết nên đã bàn giao con lại cho gia đình Nguyệt.
Theo cơ quan điều tra, H. cũng không biết đứa con đẻ của mình Nguyệt đang nuôi dưỡng đã chết vào cuối tháng 6/2014. Về thông tin cháu Công đã tử vong, cơ quan công an cho biết đang khẩn trương xác minh, nếu cần thiết sẽ sử dụng các biện pháp pháp y.
Cũng theo cơ quan điều tra, Nguyệt đã từng có 2 đời chồng và đều đã bỏ. Nguyệt nhận nuôi đến 3 đứa trẻ. Ngoài cháu Công đã chết, hiện vẫn còn 2 cháu bé nữa được Nguyệt nuôi tại nhà trọ. Cơ quan điều tra đang làm rõ mục đích nuôi trẻ của Nguyệt.
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với PV, ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức tôn giáo, từ thiện đã tham gia tốt công tác chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ sở thực hiện hoạt động này một cách tự phát, chưa tuân thủ quy định tại Nghị định 68 và các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội đối với trường hợp cơ sở tôn giáo nuôi từ 10 đối tượng trở lên.
Ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH)
  Ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH)
Về việc tồn tại một số cơ sở nuôi dưỡng không được cấp phép thành lập, theo ông Tô Đức, trong thực tiễn có nhiều người dân bằng niềm tin tôn giáo đã bỏ rơi trẻ em, trong đó có nhiều trẻ em sơ sinh tại nhà chùa, cơ sở tôn giáo khác…Các cơ sở này tiếp nhận theo mục đích nhân đạo, từ thiện nhưng do nhận thức, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật của một số cá nhân trong cơ sở đó rất hạn chế, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng mà chưa lập hồ sơ thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. 
Liên quan đến chùa Bồ Đề, dư luận từ lâu đã lên tiếng về việc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi để “buôn bán” nhưng tại sao tới bây giờ cơ quan chức năng mới phát hiện? Ông Tô Đức cho rằng, có những vụ việc, sự việc, trường hợp chỉ được làm rõ khi cơ quan điều tra vào cuộc bởi tính chất phức tạp, khó khăn trong việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật.
“Nếu người dân đến chùa phát hiện ra các trường hợp có dấu hiệu bất thường như ở chùa Bồ Đề có thể báo ngay cho Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Hiện nay, Sở đã thành lập Trung tâm công tác xã hội là đơn vị trực tiếp tiếp nhận, thu thập thông tin về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ” – ông Tô Đức cho biết. 
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, các khoản phí thu ngoài quy định của pháp luật trong việc cho - nhận con nuôi đều là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, cần phải làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để không còn xảy ra trường hợp tương tự như ở chùa Bồ Đề, theo ông Tô Đức, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan liên quan rà soát các cơ sở tôn giáo chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; Phối hợp với các tổ chức tôn giáo hướng dẫn, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh; Chỉ đạo chính quyền cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời chấn chỉnh, báo cáo; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực, nhận thức cho những người làm việc ở các cơ sở này cũng như người dân./.

Đọc thêm