Khi bào thai là đối tượng của hành vi mua bán người: Khó xử lý vì luật chưa quy định?

(PLO) - Giai đoạn 2011-2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 900 người đã bị mua bán (trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em). Tuyến biên giới, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê, bán bào thai, trẻ sơ sinh...
Khi bào thai là đối tượng của hành vi mua bán người: Khó xử lý vì luật chưa quy định?

Thỏa thuận mua thai nhi với giá 50 nghìn NDT 

Cách đây không lâu, một trong những phương thức hoạt động mới của tội phạm mua bán người đã được Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện. Đó là vụ thỏa thuận mua thai nhi với giá 50 nghìn Nhân dân tệ (NDT, đơn vị tiền tệ Trung Quốc). Vụ việc được tóm tắt như sau: Qua giới thiệu của bạn bè, Phan Ngọc Ánh (27 tuổi, trú tại TP HCM) lấy một người đàn ông Trung Quốc tên A Long. Ánh mang thai với Long nhưng nhà chồng không tin tưởng, cho rằng cái thai trong bụng Ánh không phải là con, cháu của họ nên đối xử với Ánh rất hà khắc. Trong tình cảnh đó, cô gái Việt Nam tìm cách bỏ trốn. Nhưng khi đi đến tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc thì bị Công an Phúc Kiến bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép. Ánh được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.

Sau khi về nước, Ánh  quay về TP HCM sinh sống. Không nghề nghiệp, lại bụng mang dạ chửa, nghĩ đến tương lai đen tối của bản thân, Ánh cùng cực đã nghĩ đến việc bán con. Ánh liên lạc với người phụ nữ tên là Trần Thị Minh Hồng (trú tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) kể về việc đang mang thai nhi giới tính nam gần 7 tháng tuổi và nhờ Hồng tìm người Trung Quốc mua con của Ánh sau khi sinh.

Hồng nhận lời rồi liên lạc với một người phụ nữ tên Vy (hiện lấy chồng và sinh sống tại Trung Quốc) là bạn quen biết, nhờ tìm người có nhu cầu mua bán bào thai. Một người bạn làm ăn cùng với Vy đồng ý mua con của Ánh với giá 50 nghìn NDT. Vy thỏa thuận, Hồng có trách nhiệm đưa Ánh từ TP HCM ra Móng Cái rồi tìm người đưa Ánh sang Trung Quốc, Vy sẽ đón Ánh tại tỉnh Phúc Kiến  rồi đưa về nhà chăm sóc. Khi Ánh sinh con xong thì người mua con của Ánh sẽ trả cho Ánh 50 nghìn NDT. 

Ngày 7/11/2016, Ánh từ TP HCM ra Móng Cái, được Hồng đưa về nhà nghỉ Thiên Hương ở phường Ka Long, TP Móng Cái nghỉ ngơi, đợi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ngày 8/11/2016, Hồng gọi cho lái xe ôm là Nguyễn Văn Hùng, nhờ đưa Ánh đi vào khu vực biên giới để Ánh tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thì bị Công an TP Móng Cái kiểm tra, phát hiện.

Câu trả lời bỏ ngỏ

Trao đổi báo chí tại thời điểm đó, lãnh đạo Công an TP Móng Cái cho biết việc mua bán bào thai là thủ đoạn phạm tội rất mới, được phát hiện trong năm 2016. Còn theo Đại úy Lê Anh Quân - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Móng Cái thì căn cứ vào tài liệu thu thập, hành vi của Phan Ngọc Ánh và Trần Thị Minh Hồng có dấu hiệu của tội mua bán trẻ em được quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, vào thời điểm được phát hiện, Ánh mới mang thai được 7 tháng, đứa trẻ chưa ra đời nên chưa có hậu quả xảy ra, chưa cấu thành tội danh trên. Đội trưởng Quân cũng bộc lộ những trăn trở về việc chưa có tiền lệ xử lý các vụ việc như trên nên gây khó khăn cho công tác điều tra.

Nhìn vụ việc này từ góc độ pháp luật cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều quan điểm cho rằng, trẻ em được hiểu là những đứa trẻ từ khi lọt lòng người mẹ đến 16 tuổi theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật và giải thích luật, thai nhi chưa được coi là trẻ em, chưa được thừa nhận là công dân. Việc mua bán bào thai chính là thực tiễn nảy sinh hành vi mà trước đó không có, nói cách khác là tồn tại xã hội đã đi trước ý thức xã hội, ở đây là ý thức của các nhà làm luật.

Tại hội thảo về công tác thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng chống mua bán người (2016 - 2018) và thảo luận về BLHS sửa đổi do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức, theo ông Tạ Ngọc Vân - Luật sư trưởng của Tổ chức Rồng Xanh thì với quy định tại Điều 150 và Điều 151 BLHS sẽ không xử lý được đối tượng tự bán bào thai của mình vì không xác định được đây là bộ phận cơ thể người hay là trẻ em vì em bé chưa sinh ra. 

Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng hành vi mua bán thai nhi hoàn toàn có thể bị xử lý theo điều luật về mua bán người dưới 16 tuổi vì  dù hành vi trao đổi, gạ gẫm diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền sau khi sinh (thường sau khi sinh ít ngày hoặc một, hai tháng), tức tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra. Nếu vụ việc bị bắt quả tang tại thời điểm này thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có đủ cơ sở để xử lý về tội mua bán trẻ em. Do đó, đối với đối tượng có hành vi mua, bán trẻ em, kể cả thai nhi, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng điều luật mua bán người dưới 16 tuổi để xử lý. Nhưng nếu vụ việc bị bắt quả tang trước thời điểm đứa trẻ sinh như vụ ở Móng Cái thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Ở góc độ khác, trong nhiều vụ buôn bán người, nạn nhân có thể tự sát vì không chịu nổi đánh đập, áp buộc hoặc bị giết chết như trong lời kể của một nạn nhân từng lưu trú tại Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong khi đó, trong vụ án mua bán người, lời khai của nạn nhân là mấu chốt đặc biệt quan trọng để tiến hành các bước giải quyết tiếp theo. Theo luật sư Tạ Ngọc Vân, tuy nhiên, hiện nay khi nạn nhân không trở về (bị giam giữ hoặc đã chết do bị giết, tự sát) thì không thể xử lý đối tượng mua bán và cơ quan điều tra cũng không áp dụng khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự trong trường hợp nạn nhân đã chết hoặc mất tích.

Từ góc độ cơ quan tố tụng, bà Trương Thị Hương Mai - Phó Trưởng phòng 05 Viện KSNDTC cho biết trong trường hợp xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh phạm tội nhưng không xác định được người bị hại (do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài hoặc đã chết không lấy được lời khai) nhiều địa phương chưa thống nhất trong cách giải quyết. Có địa phương khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, nhưng cũng có địa phương không phê chuẩn hoặc trả hồ sơ để yêu cầu xác định và đưa người bị hại vào tham gia tố tụng. Việc thiếu thống nhất này khiến nhiều vụ án mua bán người thường bị tạm đình chỉ hoặc kéo dài gây tổn hại tinh thần, vật chất cho nạn nhân và gia đình...   

Bán bào thai - người mẹ là nạn nhân hay đồng phạm?

Một khía cạnh khác cũng liên quan đến hành vi mua bán thai nhi là ý thức của người mẹ, để từ đó xác định được trong các vụ việc mua bán thai nhi thì người mẹ mang thai nhi đó là nạn nhân hay đồng phạm. Hiện trên thực tế qua các vụ mua bán thai nhi thường thấy có hai loại đối tượng người mẹ. 

Nhóm thứ nhất là người mẹ nhận thức kém hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le, thế cùng quẫn buộc phải miễn cưỡng (không mong muốn) bán bào thai trong bụng mình như vụ chị Nguyễn Thị Út, 34 tuổi, trú tại tỉnh Bạc Liêu có thai 8 tháng, bị chồng ruồng bỏ, không muốn có con nhưng thai nhi đã lớn, không thể phá bỏ, 

nắm được điểm yếu này, tội phạm đã dụ dỗ chị ra Hà Nội, gạ bán thai nhi, đặt cọc tiền đến khi sinh con sẽ nhận. Trong vụ án này, chị Út là người mẹ nhận 8 triệu đồng để bán con từ khi còn thai nhi. Hành vi của chị Út là phạm pháp, nhưng cơ quan pháp luật cũng xem xét trách nhiệm của người mẹ là trong bối cảnh hết sức éo le, không muốn có con do bị phụ tình, lại không thể phá bỏ thai nhi. Nhóm thứ hai là người mẹ có động cơ tư lợi, để kiếm tiền như một số vụ đã xảy ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có người mẹ bán thai nhi, nhận lấy tiền ăn tiêu rồi đợi ngày sinh hạ để bàn giao đứa con của mình cho kẻ khác. Trường hợp này, người mẹ không có lý do biện bạch khi phạm pháp có ý thức chủ quan và động cơ vụ lợi rất rõ.

(còn nữa) 

Đọc thêm