Luật lệ 'đại chiến' vụ án người phụ nữ hai quốc tịch

(PLVN) - Chính phủ Anh vừa quyết định áp dụng quy chế “bảo hộ ngoại giao” cho một người phụ nữ bị bắt giam ở Iran từ ba năm nay. Người phụ nữ này tên là Nazanin Zaghari-Ratcliffe, là người Iran lấy chồng người Anh. Phía Anh cho rằng bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe chỉ hoạt động từ thiện và cứu trợ nhân đạo ở Iran trong khi chính quyền Iran cáo buộc, bắt giam và đưa người phụ nữ này ra xét xử vì tội hoạt động chống chính quyền. Toà án ở Iran tuyên phạt người phụ nữ này mức tù 5 năm.
 Bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe.
Bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe.

Vụ việc xảy ra từ tháng 4/2016 và cho tới hiện tại phía Anh chỉ coi đó là chuyện bảo hộ lãnh sự thuần tuý với lý do người phụ nữ này có quốc tịch Anh. Anh công nhận hai quốc tịch nhưng Iran không công nhận hai quốc tịch. Đối với Iran, người phụ nữ này là công dân Iran.

Phía Anh biết rõ là Iran không công nhận hai quốc tịch nhưng vẫn coi người phụ nữ kia có quốc tịch Anh. Phía Iran không cản được việc phía Anh cấp quốc tịch Anh cho người phụ nữ kia, nhưng không công nhận người phụ nữ ấy có quốc tịch Anh. Luật và lệ giờ đại chiến nhau chính vì thế.

Bảo hộ ngoại giao là mức độ bảo hộ pháp lý cao nhất mà một quốc gia có thể sử dụng để áp dụng cho những người được quốc gia này công nhận là công dân của mình. Bằng biện pháp này, chính phủ quốc gia kia biến chuyện giữa công dân của mình với nước ngoài thành chính chuyện giữa quốc gia ấy với nước ngoài, tức là không còn là chuyện pháp lý và lãnh sự thuần tuý nữa mà là chuyện chính trị và ngoại giao giữa các quốc gia.

Điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng bảo hộ ngoại giao là người nhận được sự bảo hộ ngoại giao này phải là công dân của nước thực hiện biện pháp bảo hộ ngoại giao.

Từ giác độ luật pháp quốc tế mà nói thì phía chính phủ Anh có quyền thực thi biện pháp bảo hộ ngoại giao đối với người phụ nữ kia nếu người ấy là công dân của Anh. Nếu công nhận người phụ nữ này là công dân của Anh thì phía Iran từ nay phải xử lý vụ việc liên quan đến người phụ nữ này ở Iran như chuyện giữa hai nhà nước với nhau. 

Một số người dân giơ biểu ngữ ủng hộ bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe.
Một số người dân giơ biểu ngữ ủng hộ bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe.

Cũng từ giác độ luật pháp quốc tế mà nói thì phía Iran hoàn toàn có thể bác bỏ biện pháp nói trên của chính phủ Anh khi người phụ nữ khia không phải là công dân Anh. Iran không công nhận hai quốc tịch nên không công nhận người phụ nữ kia là công dân Anh, và theo luật pháp hiện hành ở Iran thì chừng nào người phụ nữ này chưa được nhà nước Iran đồng ý cho thôi quốc tịch Iran thì vẫn còn là công dân Iran. 

So chung vào luật pháp quốc tế thì việc Anh công nhận hai quốc tịch và Iran công nhận chỉ có một quốc tịch là chuyện riêng của từng quốc gia, cũng có thể hiểu là cái lệ riêng của từng bên trong thế giới hiện đại.

Bảo hộ ngoại giao là luật quốc tế chung nhưng việc hiện nó lại tuỳ thuộc vào luật riêng của quốc gia. Luật chung không thể bắt buộc Iran công nhận hiệu lực luật pháp quốc gia ở Anh và không thể buộc phía Anh cũng như thế đối với luật pháp quốc gia ở Iran. Luật và lệ đại chiến nhau trong trường hợp này chính vì thế và như thế.

Với việc áp dụng quy chế bảo hộ ngoại giao cho người phụ nữ kia, chính phủ Anh nhằm mục tiêu gia tăng áp lực đối với phía Iran, khuấy động sự quan tâm của dư luận tới vụ việc và vận dụng luật pháp quốc tế theo cách hiểu riêng để đạt mục đích riêng. 

Một khi đã đẩy vụ việc này lên thành chuyện giữa hai quốc gia như thế, việc giải quyết nhanh chóng và ổn thoả chắc chắn sẽ còn khó khăn và phức tạp hơn trước rất nhiều bởi đối với phía Iran bây giờ không còn chỉ đơn thuần có lợi ích của việc tối thượng luật pháp quốc gia nữa mà còn là chuyện ai đúng ai sai về luật pháp quốc tế, chuyện thể diện và uy tín quốc gia, chuyện tạo tiền lệ hay ngăn chặn tiền lệ trong quan hệ chung của Iran với các nước Phương Tây nói riêng và với thế giới bên ngoài nói chung.

Đọc thêm