Xét xử vụ nâng khống tàu lặn 100 triệu thành 130 tỉ tại ALCII

(PLO) - Hôm qua (16/9), TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nâng khống giá trị tàu lặn, sau đó giải ngân để chiếm đoạt xảy ra tại Cty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Công ty ALCII). Đây là vụ tiêu cực thứ ba diễn ra tại ALCII, dự kiến phiên tòa sẽ xét xử trong 15 ngày. 
Xét xử vụ nâng khống tàu lặn 100 triệu thành 130 tỉ tại ALCII
Với mục đích rút tiền của Nhà nước thông qua việc ký và thực hiện các hợp đồng cho thuê tài chính, Vũ Quốc Hảo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng Giám đốc ALCII thành lập Cty CP Cát Long Hải từ năm 2003. Là người trực tiếp quản lý, điều hành nhưng Hảo phân công Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Đức Hòa, em họ của Hảo, làm Giám đốc. 
Để có tiền xử lý nợ xấu cho 3 công ty “sân sau”, đồng thời mua khu đất Trạm dừng chân Miền Tây rộng gần 90.000 m2, Hảo đã bàn bạc, thống nhất với Tuấn và Lê Thị Minh Huệ (45 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Cty Cát Long Hải, em dâu Hảo) móc nối với bên thẩm định giá nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2 là tài sản do một doanh nhân người Nhật góp vốn vào Cty Cát Long Hải. 
Thực hiện chỉ đạo của Hảo, Tuấn thuê tàu chở thiết bị lặn này ra Hải Phòng và cố tình để Hải quan bắt giữ, tịch thu. Khi thiết bị này được bán đấu giá, Công ty Cát Long Hải mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng. 
Sau khi hợp pháp hóa thiết bị tàu lặn, Tuấn và Huệ thông qua Hoàng Lộc (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Việt Nam - Vivaco) nâng giá thiết bị này từ 100 triệu đồng lên 130 tỉ đồng (gấp 1.300 lần). Biết rõ thiết bị lặn Tinro 2 không đủ điều kiện nhưng Lê Phúc Đức (Giám định viên của Vivaco) vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Hoàng Lộc. 
Sau đó, Hảo chỉ đạo cấp dưới tại ALCII là Nguyễn Văn Tài (55 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc), Phạm Xuân Nghị (52 tuổi, nguyên Trưởng phòng Cho thuê), Nguyễn Văn Thọ (34 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Cho thuê), Đinh Nguyên Tý (52 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Cho thuê), Phùng Văn Đồng (42 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Kinh doanh 1) thực hiện hợp đồng mua bán, cho thuê tài chính giải ngân 130 tỉ đồng. Đến nay, Công ty Cát Long Hải vẫn nợ ALCII 130 tỉ đồng tiền gốc và không có khả năng thanh toán. Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 16/9 đến ngày 30/9. 
Được biết, liên quan đến những sai phạm của Vũ Quốc Hảo cùng cấp dưới và các đồng phạm diễn ra tại Công ty ALCII, cơ quan tố tụng đã chia thành 3 vụ án xét xử độc lập. Trong vụ án ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản là máy cẩu thủy lực bánh xích để giải ngân 120 tỉ đồng của Công ty ALCII, Hảo từng bị tuyên án tử hình về các tội “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” và tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Ngoài ra, Hảo còn tham ô 4,9 tỉ đồng của ALCII để trả nợ cho việc đầu tư mua đất tại Tiền Giang; cùng cấp dưới còn thực hiện 9 hợp đồng cho thuê tài chính và cung ứng tài sản khống để giải ngân hơn 600 tỉ đồng nhằm thanh toán nợ xấu cho một số danh nghiệp đối tác gây thiệt hại hơn 386 tỉ đồng của Nhà nước. Tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong phạm vi vụ án này được cơ quan chức năng xác định là hơn 530 tỉ đồng.
Tuy nhiên sau đó, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án để điều tra lại về các tội “tham ô tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” của bị cáo Hảo. Do đó, cựu Tổng Giám đốc ALCII được tạm thoát án tử hình. 
Tháng 7 vừa qua, Vũ Quốc Hảo tiếp tục đứng trước vành móng ngựa về hành vi lập hồ sơ khống, mua bán và cho thuê tài chính trái quy định để giải ngân số tiền 25 tỉ đồng nhằm xóa nợ xấu cho hai công ty: Cty Vận tải biển Thanh Hải và Cty Cổ phần Thanh Hải của Trần Thị Phương Liên. Trong vụ án này, Vũ Quốc Hảo đã gây thiệt hại hơn 21 tỉ đồng và bị TAND TP.HCM tuyên phạt 12 năm tù./.

Đọc thêm