Tuần lễ Tiêm chủng năm 2019: Cảnh báo hiểm họa khôn lường của trào lưu“nói không với vắc xin”

(PLVN) - Những năm gần đây, các trường hợp trẻ có phản ứng không tốt, thậm chí là tử vong sau khi tiêm vắc xin đang tăng lên. Thế nhưng, những ca tử vong sau khi tiêm vắc xin đã được kết luận là do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không hề liên quan đến chất lượng vắc xin.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lợi dụng việc này mà một số người lập nên hội “nói không với vắc xin” nhằm lôi kéo những người thiếu hiểu biết hoặc các trường hợp đang còn băn khoăn về tai biến và tác dụng phụ của vắc xin… tham gia.  Cuối cùng, những đứa trẻ không được tiêm vắc xin đã phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

Một số vụ khiến người dân lo sợ vắc xin

Theo tìm hiểu vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26/2, chị Nguyễn Thị Y Phụng đưa bé P.N.B.T đến Trạm Y tế xã Hoài Châu (Hòai Nhơn, Bình Định) tiêm ngừa vắc xin ComBe Five. Sau khi tiêm 30 phút, thấy tình trạng bé bình thường, chị Phụng đưa con về nhà.

Đến khoảng 10 giờ bé có biểu hiện xấu, sốt nhẹ, khó thở nên người nhà lập tức đưa cháu trở lại Trạm Y tế xã Hoài Châu. Tại đây, dù được xử lý đúng quy trình quy định, nhưng tình trạng bé T. vẫn xấu hơn. Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn đã cử xe cấp cứu cùng cán bộ đến cấp cứu và chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, tuy nhiên đến gần 12 giờ trưa cùng ngày thì bé T. tử vong.

Đến sáng 28/2, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp hội đồng chuyên môn y khoa để xác định nguyên nhân dẫn đến bé T. 2 tháng tuổi tử vong được xác định là do bị phản ứng nặng sau tiêm chủng, đồng thời nghi ngờ bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh.

Tại Hà Nội, ngày 16/1, sau khi tiêm vắc xin ComBe Five một bé gái đã tử vong, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp bé gái Kiều Hải Y. (hơn 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, do trẻ tử vong trước khi được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nên các chuyên gia không thu thập được những biểu hiện lâm sàng ban đầu.

Theo ông Cảm, sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều tới nguyên nhân trẻ tử vong do sốc phản vệ. “Đây là một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng”, ông Cảm thông tin thêm.

“Với trường hợp trẻ tử vong, có thể giải thích là do trùng hợp với một số bệnh lý ngẫu nhiên hoặc nhiều nguyên nhân như ngạt thở, sặc sữa, nằm nghiêng gây ngạt, suy hô hấp… Ngoài ra, cũng có thể do cơ địa trẻ mẫn cảm, phản ứng mạnh hơn với kháng nguyên có trong vắc xin ComBe Five.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng, trẻ có phản ứng sau tiêm song gia đình chưa phát hiện kịp thời, hoặc trẻ không được xử lý sốc phản vệ nhanh nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Cha mẹ “tẩy chay” vắc xin, con gánh hậu quả

Ngày 19/4/2019, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng năm 2019 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”. Sự kiện Tuần lễ tiêm chủng được Tổ chức Y tế thế giới phát động trên quy mô toàn cầu hàng năm nhằm kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong xã hội, sự nỗ lực của ngành Y tế.

Tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định: Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tạo ra sức đề kháng phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm... Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần.

Trong khi người dân cả nước đang cùng nhau hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” thì hiện nay trên mạng xã hội facebook có một số diễn đàn tổ chức các cuộc tranh cãi nảy lửa về việc có nên cho trẻ tiêm vắc xin hay không. Những cuộc tranh cãi này thu hút hàng trăm người tham gia bình luận, trong đó có không ít bậc cha mẹ có con nhỏ.

Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đi tiêm phòng. Thay vì chủ động tiêm, phòng vi rút gây bệnh, thì họ để hệ thống miễn dịch cơ thể của con tự đề kháng với dịch bệnh. Và hệ quả là nhiều bé không được bảo vệ khỏi những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, để dịch bệnh có cơ hội hoành hành trong cộng đồng.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Lâm công tác nhiều năm tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện do các biến chứng nặng sau khi mắc sởi. Trường hợp điển hình là một bé trai 20 tháng tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng, phim chụp X-quang có hình ảnh nốt mờ rải rác hai phổi.

Cháu bé được chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp, một trong những biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ mắc sởi. May mắn, sau gần 3 tuần được các bác sĩ tích cực điều trị, cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói là dù đã gần 2 tuổi, nhưng bé chưa được gia đình cho tiêm phòng.

Bài học đắt giá về dịch sởi năm 2014 vẫn còn đó. Tại thời điểm đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng sởi xuống thấp vì tâm lý lo xuất hiện một số trường hợp tai biến tử vong do tiêm chủng. Hậu quả đã có khoảng gần 150 trẻ chết do sởi, hàng nghìn trường hợp mắc bệnh…

Bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ.

Tiêm chủng cứu sống hàng triệu người và được công nhận rộng rãi là một trong những can thiệp về sức khoẻ thành công nhất và hiệu quả nhất trên thế giới. Vậy nên cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin để đảm bảo cho con được chăm sóc tốt nhất, tránh những hối tiếc về sau.

Đọc thêm