Dấu hiệu sai phạm trong quản lý khoáng sản tại Quảng Ninh: Lộng quyền lập mạng lưới barie “bảo vệ tài nguyên”

(PLO) - Một thực trạng bất thường đang diễn ra tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), khi hàng loạt trạm barie “tự phát” dựng lên trên các tuyến đường dân sinh. Chính quyền sở tại vô tư “trao quyền” cho dân quân phường, bảo vệ dân phố lập trạm chốt 24/24h kiểm tra phương tiện vận chuyển than, bã xít than (một loại nguyên liệu dùng cho sản xuất xi măng, vôi...), công việc mà vốn thuộc về các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, công an kinh tế, thanh tra giao thông…
Trạm barie đặt tại khu cầu Cống Trắng, phường Mạo Khê, Đông Triều
Trạm barie đặt tại khu cầu Cống Trắng, phường Mạo Khê, Đông Triều

Một phường, 4 trạm barie trái luật

Tại Quảng Ninh, nạn barie tự phát cũng đang tồn tại. Điển hình trên địa bàn thị xã Đông Triều, theo thống kê sơ bộ, có tới 11 trạm trên đường dân sinh, chủ yếu tập trung tại phường Mạo Khê, xã Yên Thọ… Các “barie phường” này được lập lên mục đích “quản lý tài nguyên khoáng sản cũng như kiểm tra các phương tiện qua lại khu vực có vận chuyển than, bã xít than…”.

Trên địa bàn phường Mạo Khê (Đông Triều) có tới 4 trạm barie. Trong đó 3 trạm sát nhau khoảng cách trong vòng chưa đầy 1 km. Có trạm dùng cần để chắn, có trạm dùng cột sắt giới hạn chiều cao khoảng 2,5m. Thậm chí còn có biển báo “kiểm tra than, xít, yêu cầu dừng xe cách 15m”.

Điều khiến người ta “giật mình” không chỉ là những chiếc barie chình ình trên đường dân sinh vốn nhỏ hẹp, mà tại đây các lực lượng phân công trực chốt, kiểm tra không phải lực lượng liên ngành nào. Nhiệm vụ này được giao cho bảo vệ dân phố và dân quân phường.

Ông Vũ Đại Hải (Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Mạo Khê) cho biết ông và trưởng ban dân vận phường được phân công nhiệm vụ chịu trách nhiệm giám sát, chỉ đạo các trạm chốt giữ vững an ninh trật tự về công tác vận chuyển tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ở mỗi trạm, mỗi ca trực cử hai người là bảo vệ dân phố hoặc dân quân. 

PV đặt câu hỏi “làm thế nào để nhận biết xe chở than hay xe chở xít, việc mà đến cơ quan chức năng cũng cần phải đưa mẫu đi kiểm định, xác định nhiệt lượng mới có kết luận? Làm thế nào để phát hiện xe quá tải khi không có cân? Như thế nào được cho là ô nhiễm môi trường?”. Vị này trả lời “nhìn bằng mắt là thấy, thậm chí với xe thùng, xe công chỉ cần ra gõ là biết bên trong có hàng hay không, nếu là than hay xít sẽ có dấu vết”. Vậy nếu có hàng bên trong, muốn biết là hàng gì, có kiểm tra được không? Câu hỏi này không nhận được câu trả lời.

Trạm Barie trước cửa nhà văn hóa Vĩnh Xuân (phường Mạo Khê, Đông Triều Quảng Ninh)
Trạm Barie trước cửa nhà văn hóa Vĩnh Xuân (phường Mạo Khê, Đông Triều Quảng Ninh)

“Xin thưa với các anh chị, xảy ra xô xát là chuyện bình thường. Ngay như xe chạy quá tốc độ, gây bụi trước cần barie, chúng tôi thường nhắc nhở, nhưng đôi khi xảy ra xô xát. Chúng tôi lập biên bản, thậm chí gọi cả công an đến, ban ngành đến lập biên bản bắt đền người húc vào cần barie của chúng tôi. Có khi bị húc méo mó, húc rất nhiều lần rồi”, ông Hải nói.

Một lực lượng không được đào tạo nghiệp vụ, không có công cụ hỗ trợ và đặc biệt không có chức năng quyền hạn để xử lý, bỗng dưng được trao quyền như vậy là câu chuyện trái luật mười mươi, nhưng sự việc vẫn đang diễn ra tại Đông Triều. Vì sao lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, công an phường… không làm nhiệm vụ này? Liệu có hay không việc cấp cơ sở đang lộng quyền, khả năng quản lý yếu kém nên mới lập ra những trạm barie tự phát như trên? Uẩn khúc sau những trạm barie này là gì?

Phường dựng chuyện “phối hợp với cảnh sát”?

Để trả lời câu này, PV có buổi làm việc với UBND phường Mạo Khê (phường có nhiều barie nhất trên địa bàn thị xã Đông Triều) về tính hiệu quả từ khi bắt đầu lập trạm đến thời điểm hiện tại (8/2018) đã phát hiện, kiểm tra được bao nhiêu trường hợp vi phạm? Khi phát hiện vi phạm vận chuyển than- xít trái luật thì lực lược chốt chặn tại barie xử lý như thế nào? Với những đối tượng manh động chống đối không chấp hành thì xử lý ra sao? 

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường cho biết, nếu thấy dấu hiệu vi phạm, lực lượng chốt trạm barie thường nhắc nhở, nếu phát hiện vi phạm sẽ báo công an thị xã Đông Triều phối hợp bắt và dẫn giải về nơi quy định xử lý. 

Tuy nhiên trao đổi với Báo PLVN, Công an thị xã Đông Triều cho biết đội CSGT thị xã chưa lần nào nhận được đề nghị phối hợp kiểm soát hay xử lý với các phương tiện qua trạm chốt của phường Mạo Khê. Hầu hết vụ việc sai phạm trong vận chuyển than- xít được phát hiện trong quá trình tuần tra kiểm soát địa bàn.

Cụ thể, trên toàn địa bàn thị xã từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2018 phát hiện và xử lý được 9 vụ, bắt được 11 xe vi phạm chở than xít. Lực lượng chức năng đã thu giữ 54,28 tấn than cục, than cám 5,8 tấn, than bùn 13,22 tấn, 61,76 tấn xít. Tổng xử phạt hành chính 9,7 triệu đồng. 

Lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân chốt tại trạm barie ngã ba Cống Trắng phường Mạo Khê (Đông Triều)
Lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân chốt tại trạm barie ngã ba Cống Trắng phường Mạo Khê (Đông Triều)

Cũng theo CSGT thị xã, các chốt barie do các phường tự thành lập, lực lượng CSGT không trực chốt và cũng không có trách nhiệm trực chốt tại các trạm barie đó. 

Trước thông tin từ Công an thị xã Đông Triều, PV đề nghị UBND phường Mạo Khê cung cấp về việc xử lý hay nhật ký hoạt động, đánh giá hoạt động của các trạm barie. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND phường Mạo Khê tuyệt nhiên không có phản hồi.

Bạo tay chi 500 triệu “nuôi” barie

Để duy trì hoạt động của những trạm barie kiểm soát khoáng sản, ngoài kinh phí xây dựng, duy tu, sửa chữa tại đây còn có chi phí trả “lương” cho những người được cắt cử trông coi 24/24h. 

Danh sách những người trực tại một chốt “bảo vệ tài nguyên”
Danh sách những người trực tại một chốt “bảo vệ tài nguyên”

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND Phường Mạo Khê cho biết, trên địa bàn phường hiện có 4 trạm chốt kiểm tra than xít, và “việc này được thực hiện từ chủ trương của UBND thị xã”. Tính đến thời điểm hiện tại, để duy trì hoạt động của bốn chốt này, phường phải trưng dụng lực lượng bảo vệ dân phố và dân quân phường. Trong đó 11 người luân phiên chực chốt theo ca, 7/10 người được trả mức 150 nghìn đồng/ngày (tức khoảng 4,5 triệu/tháng). Còn 3 người được trả với mức 70 nghìn đồng/ngày (tức khoảng 2,1 triệu/tháng).

Như vậy, tính trung bình mỗi tháng phường Mạo Khê phải chi trả gần 37,8 triệu đồng cho 11 người chực chốt trạm barie, tức một năm phải chi gần 500 triệu đồng. Số tiền này không hề nhỏ, phường trích từ nguồn nào? “Việc này do phường tự cân đối”, ông Tuấn nói. 

Không chỉ vấn đề chi trả “lương” cho ca trực chốt, phường Mạo Khê thậm chí còn không ngần ngại chi tiền giúp phường bạn lập barie. Tại khu vực Yên Hợp thuộc xã Yên Thọ, một trạm barie mới được lập được hơn tháng. Kinh phí lập trạm này được ông Tuấn cho biết “do phường Mạo Khê chi trả, cứ lập trước, còn chi trả kinh phí xây dựng hai địa phương tính sau”.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Mạo Khê
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Mạo Khê

Những thông tin trên khiến người ta thấy sự việc phát sinh rất nhiều uẩn khúc khác: Số tiền 500 triệu được lấy từ đâu, có đúng quy định? Chưa nói tới chuyện đúng sai, việc duy trì các barie này có giúp địa phương quản lý tài nguyên khoáng sản tốt hơn? Vì sao phường Mạo Khê sốt sắng đến nỗi chi cả tiền lập trạm cho địa phương bạn? Trong khi đó, không chỉ phường Mạo Khê mà một số phường xã khác tại Đông Triều cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều công trình điện đường trường trạm cầu cống đáng lẽ phải được ưu tiên, vậy mà một số tiền không nhỏ được đem “nuôi” các trạm barie này.

Mời bạn đọc xem tiếp trên số báo sau. 

Trước đó, tại Văn bản số 2106/UBND ngày 3/8/2017, thị xã Đông Triều đã nhắc nhở, chấn chỉnh công tác tổ chức hoạt động của các trạm barie kiểm soát tài nguyên trên địa bàn thị xã. Văn bản nêu rõ thị xã đã tổ chức kiểm tra đột xuất tình hình hoạt động của 11 trạm barie, phát hiện một số tồn tại ở các trạm như không hạ cần chắn, không ghi nhật ký hoạt động, bỏ trạm không trực, cán bộ trạm không đúng thành phần, còn có hiện tượng xe tải thùng kín nhưng qua trạm không kiểm tra, không có xác nhận chính quyền địa phương vào sổ nhật ký hoạt động hàng ngày… và đề nghị các phường chấn chỉnh.

Đọc thêm