Tạm giam quá hạn, trách nhiệm thuộc về ai?

(PLO) - Vừa qua, một phụ nữ bị truy cứu tội “Lừa đảo” bị tạm giam đến 72 tháng được Ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh “giải cứu” ra khỏi trại vì đã quá rất nhiều thời hạn tạm giam. Theo tính toán của một luật sư, tổng cộng tất cả các lần gia hạn theo quy định của pháp luật thì cũng không quá 38 tháng đối với từng trường hợp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Vĩnh Phúc, một bị cáo, nguyên Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên cũng vừa được trả tự do sau 5 năm 9 tháng tạm giam. Cũng như trường hợp người phụ nữ  nói trên, ông đã trải qua nhiều lần ra tòa, nhưng cho đến nay vẫn trong quá trình tố tụng mà vẫn chưa xác định đủ căn cứ xác đáng để buộc tội.

Năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực cùng với Luật Tạm giữ, tạm giam quy định rất cụ thể về vấn đề này. Liền sau đó, Viện KSND Tối cao ra văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó, yêu cầu rà soát lại toàn bộ những trường hợp tạm giữ, tạm giam và nếu quá thời hạn hoặc không cần thiết thì phải trả tự do cho người ta ngay hoặc thay thế bằng hình thức ngăn chặn khác.

Pháp luật tiến bộ là thế nhưng việc áp dụng vào cuộc sống lại là chuyện khác. Ví dụ như trường hợp người phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh nếu không có sự phát hiện của Ban Pháp chế HĐND thành phố thì không biết bà ta còn bị tạm giam đến bao giờ. Chắc chắn rằng, còn nhiều trường hợp tương tự như vậy mà chưa được may mắn như bà ta.

Trên thực tế, có những vụ án phải đưa ra xét xử nhiều lần, quy trình tố tụng quay vòng mấy lượt mà vẫn chưa thể kết tội được, trong khi đó bị can, bị cáo mòn mỏi sau song sắt trại giam. Có thể là bản án sau cùng tuyên họ vô tội và trở thành án oan sai, có thể kết tội và tuyên án đúng bằng thời gian đã tạm giam họ rồi trả tự do ngay tại tòa, cũng có thể đình chỉ vụ án với lý do “không còn gây nguy hiểm cho xã hội”, cũng có thể tuyên mức án cao hơn và người đó tiếp tục ở tù.

Nhưng, cho dù thế nào thì hết thời hạn tạm giam theo luật định phải trả tự do cho người ta. Tiếp tục giam là làm trái luật.

Vấn đề đặt ra ở đây là, về mặt văn bản, cần một quy định rõ ràng, hạn mức cụ thể tối đa thời gian tạm giam của một trường hợp, cụ thể là 36 tháng chẳng hạn. Nếu đã quá thời hạn này, cần phải thả người. Tiếp theo, các trường hợp đã quá hạn tạm giam, tạm giữ mà vẫn bị giam giữ thì đó là hành vi trái luật cần phải xem xét xử lý. Nếu không, tình trạng lạm dụng tạm giữ, tạm giam vẫn còn tiếp diễn, làm mất đi sự tiến bộ, nhân bản của các quy định pháp luật, thành quả của cả một quá trình lập pháp!

Đọc thêm