4 người trồng rừng trên đảo Tổ Chim

(PLO) - Với bốn cán bộ, nhân viên, Đội 6 Lâm trường 27, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng(KT-QP) 327 được giao quản lý toàn bộ đảo Tổ Chim với diện tích đất tự nhiên trên 30 ha. Nhiệm vụ của Đội là phối hợp tuần tra bảo vệ đảo và tăng gia sản xuất. Những năm qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng, Đội 6 đã trở thành điểm sáng về công tác tăng gia sản xuất của Lâm trường 27 và Đoàn KT-QP 327. Trong đó, nổi bật là các mô hình trồng rừng, trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Mô hình nuôi dê trên đảo Tổ Chim của Đội 6, Lâm trường 27.
Mô hình nuôi dê trên đảo Tổ Chim của Đội 6, Lâm trường 27.

Những cơn mưa mùa hạ bất chợt đổ xuống, làm cho đường đến đảo Tổ Chim thuộc địa bàn phường Hải Xuân, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - nơi đóng quân của Đội 6, Lâm trường 27, Đoàn KT-QP 327 càng trở nên lầy lội, khó đi. Từ Sở Chỉ huy Lâm trường 27 ra đảo Tổ Chim chỉ chừng hơn 10km, nhưng tôi và Thiếu tá Hoàng Xuân Hương, Trợ lý Tuyên huấn Lâm trường 27 (người được đơn vị phân công đi cùng) phải mất hơn một giờ vật lộn với chiếc xe máy cà tàng mới đến nơi. Vừa thấy chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Bẩy, Đội phó Đội 6 cười hiền buông lời: “Các anh đi đường chắc vất vả lắm, nhưng có như thế mới hiểu được sự gian nan của lính đảo Tổ Chim. Bây giờ có đường đất ra đảo nên đỡ hơn, trước kia phải đi tàu, thuyền mới ra được đảo”.

Đội 6 hiện có bốn cán bộ, nhân viên, được giao quản lý toàn bộ đảo Tổ Chim với diện tích đất tự nhiên khoảng trên 30ha. Nhiệm vụ của Đội là phối hợp tuần tra bảo vệ đảo và tăng gia sản xuất. Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên, Đội 6 đã trở thành điểm sáng về công tác tăng gia sản xuất của Lâm trường 27 và Đoàn KT-QP 327. Trong đó, nổi bật là các mô hình trồng rừng, trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thành quả từ tăng gia sản xuất đã góp phần cải thiện đời sống bộ đội và mang lại nguồn thu không nhỏ cho đơn vị.

Theo chân Đại úy Bẩy, chúng tôi đi tham quan mô hình tăng gia của Đội 6. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu vực trồng rau xanh, đó là khu đất rộng khoảng hơn một nghìn mét vuông, xung quanh được chôn cọc bê tông và rào lưới B40, các loại rau như: rau dền, rau muống, rau đay, mồng tơi, gia vị; mỗi loại từ bốn đến năm luống, được phân khu thành các vị trí và đang lên xanh mơn mởn. Hệ thống giàn được khép kín, bao gồm: bầu, bí, mướp, su su, đỗ đều sai trĩu quả, trông thật bắt mắt. Theo như lời anh Bẩy, để có được khu tăng gia thế này, cán bộ, nhân viên Đội 6 đã phải nỗ lực khắc phục khó khăn và đầu tư nhiều công sức. Đặc biệt, quá trình cải tạo đất, do điều kiện ngoài đảo nên các anh tận dụng cả cây khô, cỏ mục để ủ cho đất tơi xốp, rồi chắt chiu từng giọt nước ngọt tưới rau, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng và bắt sâu, nhổ cỏ, vun trồng hàng ngày...

Bám theo con đường mòn chạy quanh đảo, chúng tôi đến những triền đồi nằm sát mép biển. Chỉ tay vào các khu rừng, anh Bẩy hào hứng kể: “Diện tích trồng rừng của Đội khoảng gần 20ha, do thổ nhưỡng là đất pha sỏi đá rất cằn cỗi, lại bị nhiễm mặn nên chúng tôi trồng keo tai tượng ở trên cao, còn phía dưới chân đồi gần biển hơn thì trồng phi lao, vừa lấy gỗ và có thêm tác dụng chắn sóng. Cách đây khoảng hơn 3 tháng, đơn vị thu hoạch được 5ha keo, số còn lại vài năm nữa mới được thu. Theo kế hoạch của Lâm trường, hàng năm Đội đều tiến hành trồng mới, trồng dặm rừng trên đảo”.

Tiếp tục rảo bước vào các khu rừng trồng, đi được một đoạn bỗng nhiên tôi khựng lại, giật thót mình, chẳng biết từ đâu những chú dê lon ton chạy ra kêu be be. Thấy mọi người có vẻ ngạc nhiên, anh Bẩy giải thích: “Đây là đàn dê của Đội 6 chăn thả ngoài đảo, hơn một tháng trước, chúng tôi mới xuất chuồng vài chục con nên giờ chỉ còn gần chín mươi con. Mô hình nuôi dê ở đảo chi phí rất thấp, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao, mà ít rủi ro, mỗi năm đàn dê tăng trưởng khoảng 40 con, bình quân mỗi con bán ra thị trường ở thời điểm hiện tại có giá trên 3 triệu đồng”.

Sau khi đi bộ một quãng đường dài, ai nấy đều cảm thấy mệt và mỏi chân, anh Bẩy lên tiếng: “Bây giờ mời các anh về trụ sở của Đội và tham quan đàn lợn”. Về trụ sở Đội 6, anh Nông Văn Tiến, nhân viên của Đội khua một hồi kẻng, đàn lợn rừng khoảng trên 50 con, đủ loại ở khắp các ngả kéo về, kêu eng éc rồi tranh nhau ăn cám. Anh Tiến chia sẻ: “Lợn rừng ở đây được chúng em nuôi theo phương thức thả rông, kết hợp bổ sung mỗi ngày một bữa ăn là cám gạo hay cám ngô và rau, củ, quả do đơn vị tăng gia được. Do đó, lợn của đơn vị là nguồn thực phẩm sạch, bán ra thị trường rất được giá. Tết Nguyên đán vừa rồi, ngoài thịt lợn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong Lâm trường, theo chỉ đạo của trên, Đội 6 còn xuất ra ngoài thị trường được hơn một tấn lợn hơi anh ạ!”.

Cùng với trồng rừng, chăn dê, nuôi lợn, cán bộ, nhân viên Đội 6 còn nuôi một đàn bò 6 con và hàng trăm con gia cầm các loại. Ngoài ra, sản phẩm rau, củ, quả tăng gia được, chủ yếu sử dụng vào bữa ăn cho bộ đội và phục vụ chăn nuôi, lượng dôi dư thì đơn vị cung cấp cho nhân dân địa phương. Với cách làm sáng tạo, tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có, mô hình tăng gia của Đội 6 đã mở ra một hướng đi mới và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Là nơi cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ bộ đội, đồng thời đem lại một nguồn thu không nhỏ cho đơn vị. Đây cũng là cách làm mới cần được nghiên cứu vận dụng, nhất là đối với các đơn vị đóng quân ở ngoài đảo hay địa hình đồi núi, trung du.

Đọc thêm