Albert Einstein: khổ đau dưới lớp hào quang

(PLO) - Được xem là nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, cái tên Albert Einstein được nhiều người nói rằng cũng đồng nghĩa với từ thiên tài. Tuy nhiên, trong khi những học thuyết của Einstein được cả thế giới biết đến thì đời tư của ông lại khá tiêu cực. Einstein, theo mô tả của các tài liệu, là một người cha tồi, đối xử nhẫn tâm với vợ và cũng là một kẻ ngoại tình.
Albert Einstein
Albert Einstein

Albert Einstein (sinh năm 1879, mất năm 1955) là nhà toán học, vật lý học nổi tiếng người Đức. Ông trở thành một trong những nhà vật lý học vĩ đại nhất mọi thời đại sau khi công bố thuyết tương đối đặc biệt vào năm 1905 và thuyết tương đối phổ quát vào năm 1916. Ông cũng có những đóng góp tương đối cho cơ học lượng tử và vũ trụ học. Năm 1921, Einstein được trao giải thưởng Nobel Vật lý và trở nên nổi tiếng với phương trình cho thấy mối quan hệ giữa khối lượng và năng lượng: E=mc2

Cuộc hôn nhân trắc trở

Sự nghiệp thành công như vậy nhưng đời tư của Einstein lại khá rối rắm. Trong suốt cuộc đời mình, ông có 2 người vợ, trong đó người vợ đầu là bà Mileva Maric, người gốc Serbia, hơn ông 4 tuổi. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả và được nhiều người trọng vọng nên bà Mileva được đích thân Bộ trưởng Bộ giáo dục Serbia cho phép theo học môn vật lý sau khi cha của bà đánh tiếng nhờ vả vì môn vật lý lúc bấy giờ vốn chỉ dành cho con trai. Bà Mileva được những người bạn cùng lớp mô tả là một người thông minh, thích tìm hiểu đến tận cùng của mọi việc và là một người luôn kiên trì để đạt được mục tiêu đề ra. 

Năm 1896, cơ duyên xuất hiện  khi Einstein và Mileva cùng nhập học ở khoa vật lý – toán học thuộc Viện bách khoa Zurich. Einstein thích tự học ở nhà nên chỉ ít khi đến trường học nhưng chính niềm đam mê với môn vật lý đã trở thành chất xúc tác khiến 2 người trở nên thân thiết đến mức được ví như hình với bóng. Tuy nhiên, chuyện tình cảm của họ lại gặp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình Einstein. Mẹ của ông lúc bấy giờ kiên quyết ngăn cản con trai với lý do “đến lúc con mới 30 thì cô ta đã là một bà già!”.

Gia đình Einstein cũng không thích Mileva vì bà không phải là người Do Thái cũng không phải là người Đức nên “không thể gả vào một gia đình danh giá”. Thêm vào đó, bà Mileva lại bị tật ở chân nên đi lại tập tễnh. Cuối cùng, mẹ của Einstein cho rằng Mileva quá thông minh, quá giỏi giang nên không phù hợp để làm vợ của con trai bà còn cha ông thì muốn con trai tìm được việc làm rồi mới lập gia đình. 

Số phận Mileva đột ngột thay đổi khi bà mang thai nhưng Einstein thì vẫn không thể cưới vì chưa tìm được việc làm. Cùng lúc, bà tham gia kỳ thi tốt nghiệp dưới dạng vấn đáp và bị Giáo sư Weber – người từng bị Einstein tố cáo cố tình ngăn cản sự nghiệp của ông – đánh trượt. Buộc phải từ bỏ việc học hành nửa chừng, Mileva quay trở lại Serbia nhưng rồi lại sớm trở lại Thụy Sỹ để thuyết phục Einstein cưới bà.

Trong lúc chờ đợi, bà sinh một cô con gái và đặt tên là Liserl. Phải đến cuối những năm 1980, những nhà viết sử mới biết đến sự ra đời của đứa trẻ này bởi Einstein không bao giờ nhắc đến cô bé. Số phận Liserl cũng là một ẩn số cho đến tận bây giờ. Có người nói rằng cô bé đã qua đời sau một đợt sốt ác tính vào năm 1903 nhưng cũng có người nói bé đã sống sót và được cho một gia đình người Serbia làm con nuôi.

Về phía Einstein, nhờ sự can thiệp của cha của một bạn học cùng lớp nên vào tháng 6/1902, ông đã được nhận vào làm việc tại Văn phòng sáng chế ở Bern. Đến tháng 10 cùng năm, trước khi nhắm mắt xuôi tay, cha của ông cuối cùng cũng cho phép ông kết hôn với bà Mileva. Đám cưới của 2 người diễn ra vào ngày 6/1/1903. Sau đám cưới, Einstein miệt mài làm việc ở cơ quan còn bà Mileva thì đảm nhận việc nội trợ. Đến tối, 2 vợ chồng lại tiếp tục miệt mài nghiên cứu về vật lý.

Nỗi khổ của người vợ

Năm 1904, cặp vợ chồng chào đón con trai đầu lòng. Một năm sau đó, Einstein liên tục đón nhận những tin vui: 5 công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất của ông được công bố, bao gồm nghiên cứu về hiệu ứng quang điện – nghiên cứu về sau giúp ông giành được giải Nobel, 2 nghiên cứu về chuyển động, nghiên cứu về thuyết tương đối đặc biệt và phương trình E = mc2. Cùng năm này, ông còn có một số công trình quan trọng khác.

Vì thế nên năm 1905 được gọi là “năm kỳ diệu” của Einstein. Trong mỗi bước thành công của ông khi đó đều có bóng dáng của bà Mileva. Theo lời con trai và một số người thân của cả 2, chính bà Mileva là người đã hỗ trợ và đóng vai trò lớn trong việc cùng Einstein tìm ra thuyết tương đối đặc biệt.

Bà Mileva và các con
Bà Mileva và các con

Càng về sau, Einstein càng có những bước tiến xa trong sự nghiệp, được trọng vọng. Song, tỉ lệ ngược với đó lại là tình cảm gia đình của ông. Trong một bức thư đề ngày 3/9/1909, bà Mileva viết cho người bạn: “Ông ấy giờ đã được xem là nhà vật lý nói tiếng Đức giỏi nhất, được người ta kính trọng. Tôi rất hạnh phúc vì ông ấy xứng đáng có được thành công đó. Tôi chỉ có một hy vọng và mong muốn là danh vọng không tác động xấu đến nhân cách của ông ấy. Vì sau khi có được những thành công, thời gian của ông ấy cho gia đình cũng ít đi”. 

Năm 1910, con trai thứ 2 của họ chào đời và được đặt tên là Eduard. Năm 1911, Einstein vẫn gửi cho vợ những tấm bưu thiếp tình cảm nhưng chỉ 1 năm sau đó, ông đã bắt đầu ngoại tình với một người em họ xa tên Elsa Lowenthal. Chuyện tình cảm này kéo dài suốt 2 năm. Trong suốt thời gian đó, Einstein di chuyển đến nhiều nơi khác nhau rồi tới Berlin để được gần người tình.

Trong hoàn cảnh như vậy nên cũng dễ hiểu khi cuộc hôn nhân giữa Einstein và bà Mileva xấu đi nhanh chóng. Einstein muốn ly hôn với vợ nhưng bà Mileva không đồng ý vì muốn tốt cho con cái. Cuối cùng, Einstein chấp nhận không đòi ly hôn nhưng ra một loạt những điều kiện mà bà Mileva buộc phải nghe theo.

Các điều kiện vô lý mà nhà bác học đặt ra cho vợ có thể kể đến như: bà phải luôn giặt giũ và gấp quần áo của tôi thật gọn gàng; phải nấu 3 bữa cơm và mang vào phòng cho tôi; dọn dẹp sạch sẽ phòng ngủ và phòng sách ngăn nắp, đặc biệt bàn của tôi chỉ tôi mới được dùng. Einstein cũng ra điều kiện cho bà Mileva chỉ được thân mật với ông vì lý do xã hội, phải ra khỏi phòng ngủ bất cứ khi nào ông yêu cầu. Không chỉ vậy, ông còn bắt vợ phải dừng nói ngay khi ông yêu cầu, không được tỏ thái độ không đúng mực với ông trước mặt con cái, bao gồm cả bằng lời nói và thái độ…

Cậu con trai bất hạnh

Sau vài năm chịu đựng, giữa năm 1914, bà Mileva đưa 2 con về Thụy Sỹ. Đến năm 1919, bà đồng ý ly hôn với điều kiện nếu ông Einstein được trao giải Nobel, bà sẽ là người nhận được số tiền thưởng. Cuộc chia ly đã ảnh hưởng không ít đến 2 cậu con chung của 2 người, đặc biệt là cậu con út Eduard. Khi còn nhỏ, Eduard rất thông minh và thường xuyên đứng đầu lớp.

Đến tuổi trưởng thành, cậu muốn học y để trở thành một bác sỹ. Ấy thế nhưng khi vừa bước vào tuổi 20, Eduard phát bệnh tâm thần phân liệt. Trong 2 năm sau đó, dù được bà Mileva chăm sóc rất tận tình nhưng bệnh tình của Eduard vẫn không thuyên giảm, buộc bà Mileva phải cho con trai vào bệnh viện tâm thần.

Năm 1921, khi giải Nobel thực sự được trao cho Einstein, bà Mileva đã lĩnh số tiền thưởng và mua được 2 căn nhà nhỏ nhưng vì chi phí chăm  sóc sức khỏe của Eduard quá lớn nên bà cuối cùng đã phải bán hết tài sản đi để chữa bệnh cho con. Sau khi mẹ qua đời vào năm 1948, ông Eduard sống thêm được đến năm 1965 nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh. Điều đáng nói ở đây là kể từ khi cùng vợ thứ 2 chuyển sang Mỹ sinh sống vào năm 1933, Einstein không hề đến thăm cậu con trai bệnh tật thêm một lần nào nữa. Bản thân Eduard trong quá trình bệnh tật cũng nói rằng ông ghét cha.

Trở lại với Einstein, năm 1919, ông kết hôn với người em họ Elsa và sống với bà đến khi bà qua đời vào năm 1936. Song, những tài liệu về sau được công bố cho biết cuộc hôn nhân này cũng không hoàn toàn êm thấm vì Einstein vẫn vài lần lừa dối bà Elsa để ngoại tình với những phụ nữ khác, trong đó có nữ thư ký Betty Neumann...