Châu Âu “bó tay” trước dòng người di cư

(PLO) -Quyết định bác khiếu nại của Hungary và Slovakia đối với kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) của Tòa án Tư pháp châu Âu đang gây ra những phản ứng khác nhau.
Người tị nạn bị bắt giữ
Người tị nạn bị bắt giữ

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, nước này sẽ tiếp tục đấu tranh mặc dù tôn trọng phán quyết hôm 6-9 của Tòa án Tư pháp châu Âu. Còn Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto chỉ trích quyết định kể trên và coi đó là "sự vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được bởi đe dọa đến an ninh và tương lai của châu Âu”. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lại hoan nghênh quyết định của Tòa án Tư pháp châu Âu và bày tỏ hy vọng các nước EU sẽ tuân thủ và nhanh chóng triển khai việc tiếp nhận người tị nạn.

Theo giới truyền thông, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn, nhưng mục tiêu này đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vấp phải có sự phản đối của một số nước Đông Âu.

Bởi trước đó (3-9), Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định, nước này sẽ không nhượng bộ kế hoạch tái phân bổ người tị nạn của EU. Ủy viên châu Âu về vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos cho biết, EU đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech vì đã từ chối tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch phân bổ của khối. Tổng thống Czech Milos Zeman mới ký phê chuẩn Luật sửa đổi về cư trú đối với người nước ngoài.

Theo đó các cơ quan chức năng có quyền ngừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp cư trú nếu người nước ngoài đệ đơn không có mặt tại địa bàn mà không có lý do xác đáng hoặc nộp các giấy tờ, tài liệu giả. Đây được coi là biện pháp nhằm hạn chế người di cư đến Czech vì mục đích kinh tế. 

Động thái kể trên diễn ra sau khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Romania cho biết, vừa bắt một tàu cá chở 68 người di cư (chủ yếu mang quốc tịch Syria và Iraq) ở ngoài khơi bờ biển nước này. Điều đáng nói là cơ quan chức năng Romania đã bắt 2 kẻ buôn người đi cùng tàu cá kể trên.

Trước đó (13-8), Lực lượng Bảo vệ bờ biển Romania đã phát hiện một tàu chở 69 người tị nạn Iraq và 1 người Bulgaria cùng 1 người Cyprus bị bắt để điều tra với cáo buộc buôn người. Giới chức Romania đang lo ngại Biển Đen có thể trở thành tuyến đường thay thế cho tuyến qua Địa Trung Hải để người tị nan châu Phi đến châu Âu.

Dòng người tị nạn đổ vào châu Âu
Dòng người tị nạn đổ vào châu Âu

Bên cạnh đó, Lực lượng Biên phòng Romania cũng mới chặn một xe tải chở 42 người di cư tại thị trấn Nadlac, giáp giới với Hungary. Những người này thừa nhận buộc phải “đeo bám” để đến các nước thuộc khu vực tự do đi lại Schengen. Theo giới truyền thông, Romania đã trở thành một trong những điểm trung chuyển của người di cư từ Syria và Iraq đến Tây Âu. 

Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano từng đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các phe phái đối lập tại Libya để ngăn chặn làn sóng di cư từ nước này. Và đây được coi là biện pháp cơ bản nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp từ Libya qua Địa Trung Hải tới Italia.

Đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) cho biết, các đội tìm kiếm cứu nạn của Liên hợp quốc đã cứu được hàng nghìn người nhập cư châu Phi bị những kẻ buôn người bỏ rơi ở sa mạc Sahara trong mấy tháng gần đây. IMO cũng vừa cảnh báo trước việc người di cư châu Phi đã bị những kẻ buôn người cố ý đẩy xuống biển ở ngoài khơi bờ biển Yemen.

Theo ông Laurent de Boeck, người đứng đầu IMO tại Yemen, người di cư đi cùng thuyền với bọn buôn người và bị chúng ném xuống biển trước khi tới bờ khiến một số người chết và mất tích. Những người may mắn sống sót đều rơi vào trạng thái kiệt sức và bị sốc. 

Theo thông báo của IMO, những kẻ buôn người thường đẩy người di cư xuống biển khi còn cách xa đất liền để tránh sự phát hiện của các lực lượng vũ trang dọc vùng biển của Yemen. Sau đó, chúng sẽ quay lại để vớt những người di cư còn sống sót.

Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về thủ đoạn mới của bọn buôn người nhằm lẩn tránh sự phát hiện dọc bờ biển Yemen. Theo người phát ngôn của IMO Olivia Headon, đây là thủ đoạn mới của những tên buôn người khi chúng gặp nguy hiểm./.