G7 bàn về nguy cơ IS tấn công phương Tây

(PLO) - Nguy cơ những phần tử IS tấn công phương Tây được dự báo sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp của các bộ trưởng nội vụ nhóm các nước G7 khai mạc ngày 19/10 tại Italia.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, cuộc họp của ngoại trưởng các nước G7 kéo dài trong 2 ngày tại đảo Ischia của Italia. Cuộc họp diễn ra chỉ ít ngày sau khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Raqqa – thành phố vốn được cho là thủ phủ của IS ở Syria, khiến chúng chỉ còn kiểm soát được khoảng 8% lãnh thổ Syria. Trước thất bại này, từ vài tháng trước, hầu hết các chiến binh người nước ngoài của IS được cho là đã bỏ chạy khỏi Syria. 

Các chuyên gia cho rằng, những kẻ còn tiếp tục ở lại tới đây nhiều khả năng cũng sẽ trà trộn vào dòng người di cư để tới Thổ Nhĩ Kỳ tìm đường tới châu Âu hòng trả thù cho việc hủy hoại “đế chế” của chúng. Những đối tượng này sẽ là những mối đe dọa về an ninh nghiêm trọng mà các nước phương Tây phải đối phó trong thời gian tới.

“Với việc IS liên tục thất bại tại Iraq và Syria, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với sự trở về của những chiến binh người nước ngoài. Ước tính có khoảng 25.000 đến 30.000 chiến binh đến từ khoảng 100 nước đã gia nhập hàng ngũ IS. Một số trong nhóm này có thể đã thiệt mạng nhưng một số khác có thể sẽ tìm cách trở về nước, nhất là khu vực Bắc Phi và châu Âu”, Bộ trưởng Nội vụ Italia Marco Minniti cho biết tại một cuộc họp của Quốc hội nước này hồi tuần trước. 

AFP cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, hàng chục nghìn công dân từ các nước phương Tây đã tới Syria và Iraq để chiến đấu cho IS. Nhiều phần tử cực đoan trong số này sau đó đã về nước và tiến hành những vụ tấn công cướp đi mạng sống của hàng chục người. Dù việc thắt chặt kiểm soát biên giới ở các nước thời gian qua đã khiến các chiến binh IS khó trở về hơn nhưng các chuyên gia về an ninh vẫn cảnh báo về khả năng xảy ra những cuộc tấn công mới khi áp lực với IS đang gia tăng. Giới chức Pháp – nước có khoảng 1.000 người đã bị IS chiêu mộ, tham gia hàng ngũ của chúng ở nước ngoài – cuối tuần qua thẳng thắn cho rằng “tốt nhất là những phần tử thánh chiến đó tử vong khi chiến đấu ở nước ngoài”.

Theo Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, một nhóm bao gồm từ 130 đến 150 chiến binh người nước ngoài, trong đó có những người châu Âu, đã ra tự thú trước khi cuộc chiến ở Raqqa kết thúc. SDF dự kiến sẽ liên hệ với các nước có công dân mà lực lượng này đang tạm giữ để thảo luận về khả năng đưa những chiến binh đó về nước đối mặt với việc bị truy tố. Song, việc xử lý những đối tượng này có thể sẽ gây đau đầu cho giới chức các nước vì sẽ phát sinh những rắc rối pháp lý trong quá trình xét xử, ví dụ những câu hỏi về bằng chứng có thể được sử dụng tại tòa, , về người thu thập bằng chứng đó. Ngoài ra, những phần tử thánh chiến này cũng có thể trở thành đe dọa an ninh trong tù vì chúng có thể cực đoan hóa những người thụ án cùng. 

Tất cả những vấn đề nói trên sẽ được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của Ngoại trưởng các nước G7, nhất là biện pháp của các nước liên quan nhằm đối phó với những chiến binh trở về nước. Nghị sỹ Pháp Arnaud Danjean cho rằng, việc đóng cửa các tuyến đường bộ và đường biển từ châu Phi tới Libya và qua Địa Trung Hải tới châu Âu là cần thiết. Ngoài ra, tại cuộc họp, các ngoại trưởng G7 cũng sẽ bàn về các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề khủng bố trực tuyến sau khi các nhà phân tích cảnh báo việc IS mất đi nhiều địa bàn có thể khiến chúng chuyển từ chiến đấu trên thực địa sang một cuộc chiến tranh tình báo. 

Do đó, ngoài ngoại trưởng Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, cuộc họp còn có sự tham gia của Cao ủy EU về di cư Dimitris Avramopoulos, Cao ủy an toàn châu Âu Julian King, Tổng thư ký Interpol Juergen Stock. Đại diện các hãng internet khổng lồ Google, Microsoft, Facebook và Twitter cũng sẽ lần đầu tiên tham dự.