Lấy việc công để trục lợi riêng, 2 lần làm bộ trưởng đều “đứt gánh”

(PLO) -Cả 2 lần giữ chức Bộ trưởng thương mại và công nghiệp, sau đó là Bộ trưởng Bắc Ireland của Peter Mandelson đều không kéo dài do những cáo buộc nhập nhèm giữa việc công và việc tư theo hướng lợi dụng việc công để trục lợi cá nhân.
Nhà kỷ niệm Millennium Dome
Nhà kỷ niệm Millennium Dome

Từ “Hoàng tử bóng đêm” thành bộ trưởng

Ông Peter Mandelson sinh năm 1953 trong một gia đình gốc Do Thái giàu có. Mandelson từng theo học chuyên ngành Chính trị, triết học và kinh tế ở trường Cao đẳng St Catherine ở Oxford và tham gia hoạt động chính trị từ cuối những năm 1970. 

Năm 1985, Mandelson được lãnh đạo Đảng Lao động Neil Kinnock bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông của đảng, trở thành “Hoàng tử bóng đêm” đứng sau nhiều chiến dịch hoạt động thành công của đảng. 

Mandelson lần đầu được bầu vào Hạ viện Anh tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 1992. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, ông ta kết thân với 2 nhân vật được cho là ứng viên lãnh đạo tiềm năng của Đảng Lao động là Gordon Brown và Tony Blair. 

Sau khi lãnh đạo của đảng - John Smith đột ngột qua đời vào tháng 5/1994, Mandelson chọn ủng hộ ông Blair khiến quan hệ giữa ông với ông Brown trở nên căng thẳng dù 2 người vẫn được xem là đồng minh trong Đảng Lao động.

Sau khi trở thành đồng minh thân cận đồng thời là cố vấn tin cẩn của ông Tony Blair, Mandelson trở thành giám đốc chiến dịch tranh cử của Đảng Lao động tại cuộc bầu cử năm 1997. Đảng Lao động đã chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử này, trong đó có phần công lao không nhỏ của Mandelson.

Để thưởng cho người đồng minh của mình, sau khi lên nắm quyền, ông Blair đã bổ nhiệm Mandelson làm người điều phối trong chính phủ kiêm nhiệm giám sát việc xây dựng nhà kỷ niệm Millennium Dome (Mái vòm thiên niên kỷ) – một công trình mà ông Tony Blair quyết tâm xây dựng bất chấp sự phản đối của hầu hết các thành viên trong nội các và về sau trở thành một trong những công trình đắt đỏ nhất thế giới, với kinh phí xây dựng lên đến khoảng 1,1 tỉ USD nhưng doanh thu thu về lại rất èo uột.

Đến tháng 7/1998, Mandelson được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp của Anh. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông ta đã tiến hành nhiều động thái nhằm thúc đẩy thương mại và công nghiệp của Anh, trong đó có việc khởi động soạn thảo Dự luật thương mại điện tử và bão thiên niên kỷ, Sách trắng về cạnh tranh, bổ nhiệm một nhân vật làm người lèo lái cuộc cách mạng công nghiệp mới của Anh. Cùng năm, ông ta còn được bầu làm Ủy viên Hội đồng cơ mật của Hoàng gia Anh.

Nhúng chàm vì vay tiền không lãi suất 

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi Mandelson được bổ nhiệm làm Bộ trưởng thương mại và công nghiệp, truyền thông Anh bắt đầu bàn tán về nguồn tài chính liên quan đến một ngôi nhà ở Notting Hill mà ông ta đã mua năm 1996. Báo chí Anh khi đó phanh phui việc ngài bộ trưởng đã vay 373.000 bảng Anh không tính lãi suất của ông Geoffrey Robinson – một doanh nhân giàu có. 

Điều đáng nói, trong tờ khai mua nhà vào năm 1996, Mandelson đã không hề đề cập đến khoản vay này. Đến khi được bầu vào Hạ viện, ông ta cũng không khai báo về số nợ. Sau khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng, ông cũng vẫn không hề nhắc gì tới khoản nợ trong mẫu tờ khai của các thành viên nội các. 

Khi bê bối bùng nổ, ban đầu Mandelson nghĩ rằng ông ta có thể đối phó với cơn bão của truyền thông nên một mực khẳng định không làm gì sai trái. Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Tony Blair nhậm chức với tuyên bố sẽ xây dựng một chính phủ “trung thực hơn giấy trắng”, tháng 12/1998, Mandelson vẫn buộc phải từ chức cùng với thừa nhận đã sai lầm “về mặt kỹ thuật” khi không thông báo về khoản vay của mình.

Thêm một lần mất chức

Những tưởng vụ bê bối nói trên sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Mandelson nhưng chỉ 10 tháng sau đó, tháng 10/1999, ông ta lại được chọn vào Nội các Anh với chức vụ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland, chịu trách nhiệm giám sát việc thành lập cơ quan lập pháp, cơ chế chia sẻ quyền lực và cải tổ hệ thống cảnh sát ở khu vực này. 

Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông diễn ra tương đối êm thấm, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp. Song, bước sang năm thứ 2, Mandelson lại tiếp tục đối mặt với bê bối nhưng không phải do công việc hiện thời của ông ta mà liên quan đến việc quản lý giám sát việc xây dựng nhà kỷ niệm Millennium Dome. Tâm điểm của vụ bê bối là những cáo buộc do báo chí đưa ra cho rằng Mandelson đã lợi dụng chức vụ để can thiệp vào quy trình cấp hộ chiếu. 

Theo truyền thông Anh, vào khoảng năm 1997, tỉ phú người Ấn Độ Srichand Hinduja đang nộp đơn xin được cấp hộ chiếu Anh. Ở lần xét duyệt đầu tiên, đơn của ông ta không được chấp thuận do khi đó ông ta và nhiều người thân đang bị chính phủ Ấn Độ điều tra về cáo buộc có liên quan đến vụ bê bối hối lộ Bofors. 

Báo chí Anh phanh phui chuyện Mandelson khi đó đã đích thân gọi điện cho Bộ trưởng Nội vụ Mike O'Brien để giúp Hinduja có được tấm hộ chiếu của Anh. Đổi lại, Hunduja đồng ý quyên góp 1 triệu bảng Anh hỗ trợ việc xây dựng một hợp phần trong tổng thể nhà kỷ niệm Dome.

Khi những tranh cãi gay gắt nổi lên, Mandelson khẳng định việc xét duyệt hồ sơ do Hội đồng cơ mật thực hiện chứ không phải do cá nhân ông. Mặc dù vậy đến ngày 24/1/2001, ông vẫn buộc phải từ chức lần thứ 2. 

Sau lần từ chức thứ 2 này, uy tín của Mandelson có phần bị ảnh hưởng và dù vẫn đắc cử nghị sỹ nhưng ông không được chọn vào nội các. Cuối cùng, Mandelson quyết định ra tranh cử vào chức Cao ủy châu Âu của Anh khi Ủy ban này thành lập vào năm 2004. Tháng 11/2004, ông chính thức được bổ nhiệm vào vị trí này.

Chỉ sau khi Mandelson nhậm chức một thời gian, ngày 22/4/2005, tờ The Times đưa tin ông đã tham gia tiệc Tất niên trên du thuyền của Paul Allen – người đồng sáng lập Microsoft – trong lúc tập đoàn này đang là tâm điểm của một cuộc điều tra lớn của EU. 

Tờ The Times cho rằng dù hành vi của Mandelson không bất hợp pháp nhưng rõ ràng việc ông ta trên cương vị Cao ủy châu Âu nhưng qua lại với ban lãnh đạo một đơn vị đang bị điều tra là hoàn toàn không phù hợp. 

Những bê bối nhập nhèm công tư liên quan đến người đàn ông này còn bao gồm vụ việc thường xuyên qua lại với ông trùm người Nga Oleg Deripaska khi đang là Cao ủy thương mại của EU, chịu trách nhiệm về 2 quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu nhôm mà Công ty United Company RusAl của ông Deripaska được hưởng lợi. 

Ngoài ra, nói đến Mandelson, nhiều người cũng sẽ nhớ đến việc vào năm  2008, ông ta phải nhập viện vì bị sỏi thận. Năm 2008 cũng là thời điểm bê bối sữa nhiễm melamine gây sỏi thận và các bệnh khác khiến hàng nghìn trẻ em Trung Quốc bị bệnh, thậm chí tử vong.

Tại thời điểm đó, ông ta đang duy trì quan hệ khá tốt với giới lãnh đạo Trung Quốc và điều trớ trêu là chỉ 1 tuần trước khi nhập viện, ông ta đã uống một cốc sữa chua của Trung Quốc trước mặt các phóng viên để chứng minh sự tin tưởng của ông ta vào các sản phẩm sữa Trung Quốc. 

Mặc dù việc bị sỏi thận của ông ta không liên quan tới cốc sữa này nhưng ông ta vẫn bị chế giễu trong một thời gian vì sự trùng hợp hy hữu.

Đọc thêm