Lý giải hiện tượng lãnh đạo thế giới liên tục 'phá kỷ lục' về tuổi

(PLO) - Chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đắc cử, ông Sebastian Kurz tiếp tục khiến những người ở thế hệ trẻ nức lòng khi đã chắc chắn trở thành thủ tướng Áo, đồng thời là nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới.
Ông Kurz trong một bức hình vận động tranh cử.
Ông Kurz trong một bức hình vận động tranh cử.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã gần như chắc chắn trở thành người đầu tiên của Thế hệ Y (còn gọi là Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) trở thành một nguyên thủ quốc gia khi đắc cử thủ tướng Áo ở tuổi 31.

Chiến thắng của ông Kurz là sự kiện mới nhất trong chuỗi những chiến thắng vang dội của các chính trị gia trẻ tuổi trên thế giới.

Trước ông này, nước Pháp cũng đã bầu Emmanuel Macron làm tổng thống khi ông chỉ mới ở tuổi 39.

Năm 2014, Italia cũng đã bầu ông Matteo Renzi, khi đó cũng mới 39 tuổi làm thủ tướng, là thủ tướng trẻ nhất ở nước này.

Tựu chung lại, tất cả những nhà lãnh đạo trẻ này đều là những gương mặt mới, ít kinh nghiệm trên chính trường cho đến khi được đắc cử. 

Thành công của những nhà lãnh đạo trẻ này cho thấy cử tri ở các nước mà họ đã đắc cử không chỉ tìm kinh nghiệm khi bầu ra người lãnh đạo của mình mà họ còn muốn nhiều thứ khác, trong đó có các yếu tố tuổi trẻ, sức hút và cả khả năng thuyết trình khi tranh cử.

Điều này thể hiện rõ nét nhất ở ông Kurz. Đánh vào tâm lý muốn thay đổi của cử tri, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông luôn xuất hiện với phong cách trẻ trung, thoải mái và khoáng đạt, trái ngược với hình ảnh những chính trị gia Áo chỉnh tề trong những bộ vét thường thấy ở nước này.

Thành công về mặt hình ảnh của ông thể hiện ở việc rất nhiều người dân muốn chụp ảnh cùng ông. 

Tương tự, cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng chọn cho mình phong cách trang trọng nhưng thoải mái với áo phông trắng và áo khoác da.

Thêm vào đó, bà Sophie Gaston - Phó giám đốc Viện nghiên cứu Demos của Anh – cũng cho rằng sự thông thạo kỹ thuật số và mạng xã hội, biết cách tận dụng mạng xã hội để kết nối trực tiếp với cử tri cũng là một yếu tố quan trọng giúp các nhà lãnh đạo trẻ đắc cử.

Theo bà Gaston, chính những yếu tố đó đã giúp các ông như ông Kurz, ông Macron và ông Renzi dù đều là thành viên của các đảng truyền thống với nhiều nhân vật lão làng về chính trị nhưng đều nhanh chóng tạo được sức bật trong sự nghiệp nhờ thuyết phục được cử tri rằng họ là một làn gió mới và thực sự muốn thay đổi.

Đọc thêm