Một số nước thận trọng với sáng kiến 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc

(PLO) - Theo ông Piotr Tsvetov - Phó Giáo sư Bộ môn Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, có 2 lý do chính khiến một số nước ở châu Á thận trọng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc khởi xướng.
Nhiều nước đang có thái độ thận trọng hơn trước sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Ảnh BloomBerg/Thanh niên
Nhiều nước đang có thái độ thận trọng hơn trước sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Ảnh BloomBerg/Thanh niên

5 năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố sáng kiến toàn cầu “Vành đai, Con đường” với mục tiêu thu hút hàng chục nước ở châu Á, châu Âu và châu Phi tham gia tạo mạng lưới giao thông kết nối Trung Quốc và Tây Âu cả trên đất liền và trên biển. Theo giới chức Trung Quốc, việc thực hiện dự án quy mô lớn này sẽ không chỉ giúp hình thành một hệ thống giao thông bền vững, tăng cường cơ sở vật chất hậu cần hiện đại, đảm bảo ổn định quan hệ thương mại, mà còn tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp và phát triển quan hệ nhân văn giữa các quốc gia trên lục địa Á-Âu.

Chuyên gia tài chính người Malaysia Khor Yu Leng cho biết, sáng kiến của Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và tài trợ tại các nước chủ chốt ở châu Á, bao gồm việc xây dựng đường sắt, bến cảng, khu công nghiệp, các nhà máy điện và đường cao tốc, sân bay… Tháng 5/2017, tại một diễn đàn được tổ chức ở Bắc Kinh, đại diện 68 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận với Trung Quốc về hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến này. 

Viết trên tờ Sputnik, ông Tsvetov cho biết, thoạt nhìn, sáng kiến mới của Bắc Kinh hấp dẫn trong con mắt người dân ở các nước mà nó tiếp cận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các ý kiến lo ngại về sáng kiến này đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các nước châu Á. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự phản đối trong dự án của Trung Quốc, theo ông Tsvetov, là nghi ngờ cho rằng mức giá của các dự án đã bị nâng lên quá cao.

Trên thực tế, Bắc Kinh chưa sẵn sàng cung cấp tài chính cho toàn bộ các công trình, do đó, một phần đáng kể chi phí sẽ do chính quyền địa phương trang trải. Điều này có nghĩa là một số chính phủ châu Á sẽ phải mang nợ sau khi thực hiện dự án. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây đã công khai nêu vấn đề trên. Theo chính phủ Malaysia, dự toán xây dựng tuyến đường sắt cao tốc East Coast Rail Link ở Malaysia đã bị các nhà thầu Trung Quốc nâng lên cao hơn so với thực tế. Ngoài ra, chính phủ một số nước khác cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự. 

Cùng với vấn đề chi phí thực hiện các dự án và khả năng mang nợ Trung Quốc, một lý do thứ 2 khiến công chúng ở các nước châu Á lo lắng trong quá trình triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường” là dòng chảy người lao động Trung Quốc tràn vào các nước này làm việc tại các dự án thuộc sáng kiến. Theo ông Tsvetov, Malaysia lo sợ rằng sau khi thực hiện dự án Forest City ở bang Johor, 15% dân số ở đây sẽ là người Trung Quốc. Tại một số nước khác có tập trung nhiều dự án cơ sở hạ tầng có liên quan đến nguồn vốn của Trung Quốc, người Trung Quốc cũng đã hiện diện khá nhiều, dẫn tới những lo ngại trong cộng đồng người dân bản địa. Ở một số nơi, người dân cũng bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh du khách Trung Quốc sẽ đổ xô tới nước họ sau khi các dự án giao thông, hạ tầng được xây dựng, kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác.

Phó Giáo sư người Nga cho rằng nguyên nhân dẫn đến những rắc rối trong quá trình triển khai các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” như nói ở trên là do các doanh nghiệp tư nhân có luật riêng của họ và điều quan trọng nhất mà họ nhắm đến là lợi nhuận. Do đó, giới chức Trung Quốc cần phải loại bỏ những quan ngại trong dư luận châu Á và chứng minh rằng họ đang theo đuổi một chính sách láng giềng thân thiện để đảm bảo sáng kiến mà Bắc Kinh đề xuất được triển khai thành công.