Những chiến dịch giải cứu nghẹt thở: Quyết định 'xuất thần' cứu mạng 150 hành khách máy bay

(PLO) - Sau sự kiện “phép lạ trên sông Hudson”, toàn bộ 150 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay Airbus A320-214 của hãng hàng không US Airways số hiệu 1549 gặp nạn năm 2009 được trao tặng huân chương danh giá của ngành hàng không Mỹ. 
Hình ảnh chiếc máy bay 1549 đáp xuống sông Hudson
Hình ảnh chiếc máy bay 1549 đáp xuống sông Hudson

Đàn ngỗng trời tai hại

Cũng như bao chuyến bay lên xuống mỗi ngày, ngày 15/1/2009, chuyến bay 1549 bay chặng đầu tiên lúc 15h24 (giờ địa phương), từ đường bay số 4 cất cánh rời khỏi sân bay LaGuardia. 

Máy bay lúc đó có 150 hành khách và 5 nhân viên phi hành đoàn, gồm Cơ trưởng của chuyến bay: Chesley B. Sullenberger III, 57 tuổi. Ông là một cựu đại úy phi công của Không lực Hoa Kỳ, phục vụ với vai trò phi công máy bay chiến đấu và từng lái F-4 Phantom II từ năm 1973 đến năm 1980.

Sau khi rời không quân, ông trở thành phi công hành không thương mại cho US Airways. Cơ phó là Jeffrey Skiles, 49 tuổi từ Oregon, Wisconsin. Các tiếp viên hàng không là Donna Dent, Doreen Welsh, và Sheila Dail. 

2 phút sau khi phát tín hiệu đầu tiên về cho trạm kiểm soát không lưu vào lúc 15h25 và đang lấy độ cao cần thiết, bỗng chiếc máy bay gặp sự cố khi va thẳng vào một đàn ngỗng trời bay ngược chiều ở độ cao 820m. Không những vậy, loài “chim trời” còn chui vào hai động cơ hai bên của chiếc máy bay, khiến chúng phát nổ và dừng hoạt động ngay lập tức. 

Nhận diện tình hình nguy cấp, cơ trưởng Sullenberger cùng cơ phó Skiles rà soát một lượt bản danh sách những điều cần làm khi gặp trường hợp khẩn để cố khởi động lại động cơ. Tuy nhiên, tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu khi chiếc máy bay chậm lại và mất dần độ cao. 

Ngay lập tức, cơ trưởng Sullenberger xin phép người điều hành bay cho phép quay trở lại sân bay LaGuardia để hạ cánh khẩn cấp. Hai phi công nhanh chóng thực hiện cuộc gọi cứu trợ cho trạm điều khiển không lưu Tracon qua radio: “Đâm phải đàn chim. Chúng tôi đã hỏng cả hai động cơ. Chúng tôi sẽ quay trở lại sân bay LaGuardia”. 

Phản ứng trước lời kêu cứu của máy bay, đài chỉ huy bay đồng ý cho ngừng các chuyến hạ và cất cánh để dọn đường băng cho chiếc Airbus A-320 hạ cánh khẩn cấp, đồng thời huy động các lực lượng cứu hộ sẵn sàng ứng cứu. Nhân viên mặt đất Patrick Harten cũng nhanh chóng sắp xếp và thông báo lại cho máy bay 1549 có thể hạ cánh tại đường bay số 13. 

Trong buổi lễ vinh danh, người ta mô tả cú hạ cánh trên sông Hudson là “thành công lớn nhất trong lịch sử hàng không, với con số thương vong bằng 0”.

Tuy nhiên, cơ trưởng Sullenberger đột ngột thay đổi quyết định khi phát hiện ra rằng hiện trạng của chiếc máy bay không thể quay trở lại và hạ cánh xuống LaGuardia. Ông điện cho đài chỉ huy xin hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Teterboro, bang New Jersey vì sân bay này gần hơn, hơn nữa không phải làm động tác quay đầu.

Đáp ứng yêu cầu tức tốc, nhân viên kiểm soát Patrick thông báo máy bay được cho phép đáp xuống đường bay số 1 sân bay Teterboro. Nhưng lại một lần nữa cơ trưởng Sullenberger khẳng định cũng không thể hạ cánh xuống Teterboro do không có đủ độ cao cần thiết. 

Cú hạ cánh mạo hiểm

Mọi diễn biến xảy ra quá nhanh, cơ trưởng Chesley B. Sullenberger không có nhiều thời gian để cân nhắc các giải pháp hạ cánh khẩn cấp. Động cơ không còn làm việc. Những trường hợp hạ cánh kiểu này, tiếp đất có thể khiến máy bay gẫy đôi, xăng từ hai cánh máy bay có thể gây cháy nổ. 

Vậy là cuối cùng, ông đã có 1 quyết định lịch sử cho máy bay hạ cánh xuống sông Hudson nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Lúc này ông phát thông báo về đài chỉ huy: “Chúng tôi không thể làm được. Có lẽ chúng tôi sẽ đáp xuống mặt sông Hudson”. 

Phi hành đoàn 5 người trong thực hiện chuyến bay 1549 của US Airways năm 2009.
Phi hành đoàn 5 người trong thực hiện chuyến bay 1549 của US Airways năm 2009.

Cơ trưởng Sullenberger cũng ngay lập tức thông báo cho hành khách sự thật về tình trạng của máy bay và đề nghị hành khách và bình tĩnh, phối hợp cùng phi hành đoàn. 

Lúc này cả hai động cơ đều không hoạt động. Ông lệnh cho các thành viên tổ lái chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp, đồng thời cố giữ cho máy bay thăng bằng, giảm tốc độ để hạn chế lực va đập với mặt nước rồi cho máy bay lao xuống mặt sông Hudson phía tây khu Manhattan, New York. Chỉ còn 90 giây trước khi xảy ra màn hạ cánh liều lĩnh, cơ trưởng mới thông báo cho hành khách “Chuẩn bị va chạm”.

Cứu hộ kịp thời

Theo nhiều chuyên gia hàng không, cơ trưởng Sullenberger đã tính toán rất kỹ khi hạ cánh trên sông Hudson tại địa điểm gần khu vực hoạt động sầm uất của các công ty du lịch trên thuyền. Khi nhìn thấy chiếc máy bay lao xuống sông, tàu du lịch của công ty NY Waterway và Circle Line đã nhanh chóng đến hiện trường tai nạn chỉ sau 4 phút máy bay đáp xuống mặt nước. 

Sau khi đáp xuống mặt nước an toàn, Sullenberger nhanh chóng rời khỏi buồng lái và ra lệnh sơ tán hành khách, yêu cầu họ mặc áo phao cứu hộ và di chuyển ra 4 cửa thoát hiểm-nơi có phao cứu sinh được bung sẵn-và trèo sang hai cánh hai bên, khi nước bắt đầu tràn vào khoang trống. 

Nhiệt độ ngoài trời ghi nhận lúc đó là -7 độ C. Cơ trưởng Sullenberger là người cuối cùng rời khỏi cabin để chắc chắn rằng mình không bỏ sót bất kỳ một hành khách nào trên chiếc máy bay đang chuẩn bị chìm.

Sau này, nghe những hành khách thoát chết kể lại rằng, ban đầu họ không dám chắc mình thoát chết trong vụ tai nạn này. Nhưng do được chuẩn bị tốt từ trước nên khi máy bay vừa đáp bụng xuống mặt nước, các cửa thoát hiểm bung ra, hành khách mặc sẵn áo phao thoát ra ngoài một cách trật tự. Nước lạnh tràn vào khoang máy bay rất nhanh nhưng mọi việc diễn ra trong tầm kiểm soát của tổ lái.

Cùng lúc, các tàu thuyền cứu hộ được điều tới đưa hành khách gặp nạn vào bờ. Trực thăng, tàu của sở cứu hộ New York cùng thợ lặn cũng được khẩn trương huy động đến nơi máy bay rơi, kịp thời cứu giúp các nạn nhân đang run bần bật vì giá lạnh. 

Trên bộ, sở cứu hỏa thông báo tình trạng khẩn cấp mức độ 3 và huy động các đơn vị hỗ trợ tiếp vận và các đơn vị đối phó tình trạng khẩn cấp, có đến 36 xe cứu thương sẵn sàng tại hiện trường. Sở cảnh sát đáp ứng với các máy bay trực thăng, tàu thuyền và thợ lặn. Ngoài ra, nhiều cơ quan khác cũng cung cấp hỗ trợ y tế dọc theo bờ sông phía Weehawken bang New Jersey.

Toàn bộ 155 người trên máy bay may mắn sống sót, chỉ 15 người bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Người bị thương nặng nhất là một nam tiếp viên hàng không bị rạn nứt xương đùi. Về sau, chỉ có tổng cộng có 78 người được chăm sóc y tế, đa số bị thương nhẹ và mất nhiệt vì thời tiết quá lạnh trên sông. 

“Điều kỳ diệu đến với người Mỹ vào năm 2009: Tất cả mọi người trên máy bay đều còn sống”, Tổng thống George W. Bush theo dõi vụ tai nạn này qua truyền hình, nói với các phóng viên, “Bà Laura và tôi cảm kích trước tài nghệ và hành động anh hùng của tổ lái cũng như sự cống hiến vô tư và hết lòng của những người tình nguyện cứu hộ”.

Theo nhật báo The Wall Street Journal, bản thân cơ trưởng Sullenberger “đã đạt được 1 kỳ công thử thách kỹ thuật nhất và hiếm có nhất trong hàng không dân dụng”.

Chiếc máy bay là loại Airbus A320-214 có động cơ CFM56 và số sản xuất 1044. Số đăng ký máy bay là N106US. Chuyến bay đầu tiên là ngày 15/6/1999, được giao mới cho hãng hàng không US Airways vào tháng 8/1999.  Loại Airbus A320 có một nút điều khiển để đáp xuống nước với chức năng là đóng lại tất cả các ống dẫn và cửa dưới bụng máy bay nhằm hạn chế tốc độ nước tràn vào máy bay. 

Chuyến bay 1549 của US Airways là chuyến bay thương mại gồm hai chặng đường với lịch trình thường lệ hàng ngày khởi hành từ Sân bay LaGuardia ở Thành phố New York đến Sân bay Quốc tế Charlotte/Douglas ở Charlotte, Bắc Carolina và sau đó đến Sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma phục vụ Seattle và Tacoma, Washington. 

Đọc thêm