'Tân quan, tân chính sách'

(PLO) - Chính phủ Singapore thậm chí đã chính thức lên tiếng thể hiện thái độ không hài lòng về việc Thủ tướng nước láng giềng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, có ý định xem xét lại thỏa thuận về Malaysia cung cấp nước cho Singapore. 
Thỏa thuận cung cấp nước sạch năm 1962 có hiệu lực đến năm 2061.
Thỏa thuận cung cấp nước sạch năm 1962 có hiệu lực đến năm 2061.

Thỏa thuận này đã có từ năm 1962, tức là từ trước khi Singapore tách ra khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập (vào năm 1965). Trên danh nghĩa, nó không phải là thỏa thuận giữa hai quốc gia với nhau, nhưng vì được LHQ công nhận nên trong thực chất lại có giá trị pháp lý như thỏa thuận giữa hai quốc gia với nhau. 

Theo thỏa thuận này thì 60% nhu cầu về nước của Singapore được Malaysia cung cấp, không phải cho không mà bán cho với giá nhất định. Mới đây, ông Mahathir cho biết có ý định đàm phán lại với Singapore về thỏa thuận này bởi cho rằng cái giá mà Singapore hiện đang trả để được cung cấp nước từ Malaysia “quá thấp” nên Malaysia bị thiệt nhiều. 

Trong suốt thời gian dài 22 năm lãnh đạo Malaysia từ 1981 đến 2003, ông Mahathir không hề phàn nàn gì về thỏa thuận này. Vì thế, thiên hạ không tránh khỏi có phần bất ngờ khi ông Mahathir trở lại cầm quyền mới chỉ được thời gian rất ngắn mà đã công khai chủ ý xem xét lại thỏa thuận.

Khi vận động tranh cử cũng như từ khi cầm quyền trở lại, ông Mahathir có cam kết và bắt đầu thực hiện việc xem xét lại nhiều quyết sách của chính quyền tiền nhiệm, nhưng trong đó không có cam kết nào liên quan đến thỏa thuận về cung cấp nước cho Singapore. 

Từ giác độ pháp lý quốc tế, thỏa thuận ấy là luật đối với cả Malaysia và Singapore cũng như LHQ. Nó còn là chuyện liên quan đến quá khứ lịch sử chung giữa Malaysia và Singapore. Có thể nói chuyện này giống hệt như hiệp ước giữa Ai cập, Ethiopia và một số nước khác về cùng sử dụng nguồn nước sông Nil, ký kết trong thập kỷ 20 của thế kỷ trước. 

Việc ông Mahathir muốn đàm phán lại về thỏa thuận trong thực chất không phải là sửa đổi thỏa thuận mà là ý muốn lật lại luật. Ở đây có chuyện suy tính lợi ích mới của ông Mahathir. Nhưng cũng có cả chuyện lệ thách thức luật. 

Cái lệ ở đây trước hết là “tân quan, tân chính sách”. Ông Mahathir không phải là người mới trên phương diện cầm quyền ở Malaysia, nhưng cầm quyền trong thời mới và trên cương vị đứng đầu phe cánh chính trị mới chứ không phải là thủ lĩnh đảng cầm quyền xưa ở Malaysia.

Chính sách mới chi phối luật hiện hành chứ không phải luật pháp hiện hành chi phối chính sách mới của chính quyền mới. Muốn có được bằng chứng cụ thể và thuyết phục nhất về thời mới thì chính quyền mới phải đưa ra chính sách mới và phải sẵn sàng thay đổi luật pháp hiện hành để mở đường cho và hợp pháp hoá chính sách mới. Tân quan tân chính sách là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để tách biệt hoàn toàn với thời trước.

Cái lệ tiếp theo ở đây là thời cuộc thay đổi thì thỏa thuận cũng phải thay đổi, tức là chẳng có luật pháp nào là vĩnh viễn cả trong quan hệ giữa các quốc gia. Lúc đầu, vùng Singapore ngày nay thuộc Malaysia và vì thế nhà nước trung ương ở Malaysia phải có trách nhiệm đối với vùng này.

Năm 1965, Singapore tách khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập. Vào thời điểm ấy, Malaysia nổi trội hơn Singapore về phát triển kinh tế xã hội, tức là về mức độ giàu sang và thịnh vượng của quốc gia. 

Nhưng hiện tại thì tương quan và cục diện ấy đã đảo ngược hoàn toàn. Luật kia vì thế đã trở nên bất cập trong nhìn nhận của Malaysia và rất bất lợi đối với Malaysia. 

Lệ thách thức luật như thế sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng của nhau này ở khu vực Đông Nam Á sẽ trở nên phức tạp và gay cấn. Chủ ý này của ông Mahathir theo cùng hướng với kế hoạch của chính phủ của ông Mahathir đầu tư phát triển một số hòn đảo ở khu vực có tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa Malaysia và Singapore.

Trong thời kỳ cầm quyền trước đây của ông Mahathir, luật đã khống chế được lệ. Còn bây giờ, nhiều khả năng luật sẽ bị lệ lấn lướt và lấn át, không chừng còn cả bị lật nữa.

Đọc thêm