Tây Phi đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố

(PLO) - Nhằm tìm biện pháp giúp lực lượng quân sự 5 quốc gia khu vực Sahel thuộc Tây Phi hoạt động hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, ngày 13-12-2017 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh giữa Pháp với các nước thành viên G5 tại thủ đô Paris của Pháp. 
Binh lính thuộc biên chế lực lượng chống khủng bố của G5
Binh lính thuộc biên chế lực lượng chống khủng bố của G5

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các phiến quân Hồi giáo thời gian qua đã giành được những thắng lợi quân sự nhất định ở Tây Phi, trong khi lực lượng quân đội của các chính phủ trong khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cam kết hỗ trợ tài chính

Tại Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo G5 Sahel gồm Burkina Faso, Cộng hòa Chad, Mali, Mauritania và Niger, phái đoàn đại diện Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh Châu Phi (AU) cùng nhiều tổ chức quốc tế đã thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố và những khó khăn trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố tại khu vực Tây Phi.

Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ duy trì sự hiện diện của quân đội Pháp trong vùng Sahel, đồng thời hợp tác với khu vực Sahel cho đến khi không còn mối đe dọa khủng bố ở đây. Tổng thống Macron cũng cho biết việc tăng tốc chiến dịch quân sự, trợ giúp phát triển kinh tế vùng Sahel nghèo khó cũng tiếp tục nằm trong chiến lược của Pháp. Ông Macron nhấn mạnh các nước G5 cần gia tăng nỗ lực để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực vốn đang đẩy nhiều nước vào vòng xoáy nguy hiểm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự hội nghị nhấn mạnh việc thành lập một lực lượng quân sự chống khủng bố ở Sahel là vấn đề khẩn cấp. Thủ tướng Merkel cho rằng các khoản viện trợ phát triển mà Đức và các nước khác dành cho Sahel là “vô ích nếu người dân không được sống trong hòa bình”.

Về phần mình, các nước G5 Sahel và phái đoàn đại diện AU cho rằng việc Pháp cam kết tăng cường chiến dịch chống các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở khu vực Sahel ở Tây Phi có ý nghĩa hết sức quan trọng, đồng thời cần phải đẩy nhanh các nỗ lực để bảo đảm an ninh cho toàn vùng Sahel.

Kết thúc Hội nghị, Tổng thống Macron cho biết Pháp sẽ tăng mức viện trợ phát triển cho khu vực Sahel châu Phi bao gồm cả khoản hỗ trợ cho lực lượng chống khủng bố G5 khoảng 200 triệu euro (tương đương 231 triệu USD), tức tăng thêm 1/3 mức viện trợ phát triển hiện nay cho khu vực này là 600 triệu euro, theo đúng cam kết hồi tháng 11 vừa qua. Tổng thống Pháp Macron cũng thông báo Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cam kết hỗ trợ 130 triệu USD cho lực lượng chống khủng bố G5 do 5 quốc gia khu vực Sahel thuộc Tây Phi mới thành lập. Tổng thống Pháp nêu rõ Saudi Arabia sẽ cung cấp 100 triệu USD và UAE 30 triệu USD để hỗ trợ lực lượng trên chống các mối đe dọa khủng bố tại Sahel. Cũng theo nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ trước đó đã cam kết hỗ trợ 60 triệu USD cho lực lượng G5 Sahel.

Khẳng định vai trò quan trọng

Kể khi Libya rơi vào hỗn loạn năm 2011, khu vực rộng lớn và khô hạn Sahel đã trở thành điểm nóng tập trung các băng nhóm hoạt động phi pháp, trong đó một số nhóm có liên hệ với Al Qaeda và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Theo các nguồn tin tình báo, ba nhóm thánh chiến hoạt động tại khu vực Sahel có liên hệ với Al Qaeda đã sáp nhập với nhau, thành Phong trào thánh chiến nguy hiểm mới với tên gọi “Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo”. Năm 2012, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã chiếm giữ phần lớn lãnh thổ phía Bắc Mali trong khi phiến quân Boko Haram dần phát triển lực lượng tại phía Bắc Niger. 

Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia G5 Sahel gồm 5.000 binh sĩ được thành lập tháng 7/2017 vừa qua đã tiến hành chiến dịch chống khủng bố đầu tiên với tên gọi Hawbi vào tháng 11 tại khu vực biên giới chung đầy bất ổn giữa Mali, Burkina Faso và Niger. Trong khi đó, lực lượng Barkhane chống thánh chiến của Pháp tại Sahel đã hỗ trợ lực lượng G5 Sahel triển khai trong giai đoạn đầu tiên này với các hoạt động tham vấn và huấn luyện về không quân và hỗ trợ của pháo binh từ một căn cứ thuộc vùng In-Tillit, miền Trung Mali với mục tiêu cuối cùng là giúp các lực lượng G5 có đủ khả năng để tự thiết lập lại sự ổn định tại khu vực biên giới chung giữa các nước. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron cho rằng việc triển khai G5 Sahel hiện còn yếu kém, cần huy động thêm binh lính và trang thiết bị quân sự. 

Thực tế cho thấy, an ninh ở vùng Sahel luôn được Pháp đặt ưu tiên. Các nhà lãnh đạo Pháp từng tuyên bố, cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel cũng chính là cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại Pháp. 

Ngay từ năm 2013, Tổng thống Pháp khi đó là ông Holland đã quyết định can thiệp quân sự vào Mali trong một chiến dịch có tên là “Mèo rừng châu Phi” nhằm ngăn chặn một nhánh Hồi giáo thánh chiến thuộc tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda muốn biến Mali thành “quốc gia khủng bố. Với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội các nước trong khu vực, quân đội Pháp cũng đã chiếm được nhiều thành phố quan trọng ở miền Bắc Mali. Hiện quân đội Pháp đang duy trì 4.000 binh sĩ và tiếp tục mở rộng chiến dịch chống khủng bố trên khắp khu vực Sahel. 

Tháng 5 vừa qua, sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, ông Macron đã tới thăm thành phố Gao, ở phía Bắc Mali. Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của ông Macron ngoài châu Âu với tư cách là tổng thống Pháp. Tiếp đó, vào tháng 6, Pháp đã đưa ra một dự thảo nghị quyết được Mỹ ủng hộ theo đó thành lập lực lượng đặc nhiệm của nhóm G5 với 5.960 binh sĩ được phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để thiết lập lại hòa bình và an ninh tại khu vực Sahel. Dự thảo nghị quyết này của Pháp đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua. Trong hai ngày 2 và 3/7, Tổng thống Pháp Macron thực hiện chuyến thăm Mali lần thứ hai nhằm củng cố sự hậu thuẫn của Pháp và các nước phương Tây khác trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở khu vực Sahel. Cũng trong chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Pháp Macron đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước G5 Sahel về chống khủng bố.

Các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, lo ngại rằng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các tay súng thánh chiến ở khu vực Sahel sẽ mở rộng địa bàn hoạt động và đe dọa trực tiếp an ninh và lợi ích của các nước phương Tây. EU đã cam kết hỗ trợ 50 triệu euro giúp nhóm 5 nước thuộc Sahel thành lập lực lượng đặc nhiệm của khu vực. Trong khi đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini cũng đánh giá sự ổn định và phát triển của khu vực Sahel mang tính quyết định không chỉ với châu Phi mà với cả châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel đòi hỏi những giải pháp cần thiết và các nước châu Phi cần sự hỗ trợ từ châu Âu khi mối đe dọa an ninh đang là thách thức chung đối với cả hai châu lục. 

Đọc thêm