Trung - Mỹ 'bắt tay' đảm bảo an ninh mạng

(PLO) - Nhằm thúc đẩy hợp tác đối phó các thách thức trong không gian mạng, từ ngày 3 đến 6/10, Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc đối thoại đầu tiên về thực thi pháp luật và an ninh mạng tại Washington (Mỹ).
Mỹ - Trung gác lại bất đồng, cùng hợp tác giải quyết các thách thức về an ninh mạng
Mỹ - Trung gác lại bất đồng, cùng hợp tác giải quyết các thách thức về an ninh mạng

Cơ chế đối thoại này là kênh thông tin chính nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh mạng.

Đối thoại đầu tiên

Cuộc đối thoại đầu tiên về thực thi pháp luật và an ninh mạng do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions, Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn đang ở thăm Mỹ đồng chủ trì với sự tham dự của nhiều quan chức Trung Quốc và Mỹ thuộc các bộ, ngành liên quan. 

Tại cuộc đối thoại, hai bên đã nhất trí cam kết tôn trọng lẫn nhau, có thái độ thẳng thắn, tận dụng cơ chế đối thoại nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác trên các lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh mạng. Trung Quốc và Mỹ cam kết sẽ nâng cao hiệu quả hợp tác trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11 tới. 

Bộ trưởng Quách Thanh Côn kêu gọi tập trung vào hợp tác và giải quyết những bất đồng giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác song phương về thực thi pháp luật và an ninh mạng nhằm đưa mối quan hệ Trung - Mỹ lên tầm cao mới. Trung Quốc mong cùng Mỹ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, truy bắt truy nã và thu hồi tang vật, chống ma tuý, hỗ trợ tư pháp, giải quyết tốt các mối quan tâm quan trọng trong lĩnh vực thực thi luật pháp của hai nước. 

Về phần mình, phía Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh mạng, đồng thời thừa nhận hai bên hiện đối mặt với những mối đe dọa chung, song hưởng những lợi ích chung trong những lĩnh vực này. Washington coi trọng cơ chế đối thoại cấp cao là nền tảng cốt lõi để thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. 

Trước đó, vào tháng 12/2016, Mỹ và Trung Quốc cũng đã tổ chức đối thoại cấp bộ trưởng về vấn đề chống tội phạm mạng, trong đó hai bên nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh mạng, tích cực hỗ trợ lẫn nhau đồng thời giải quyết những bất đồng còn tồn tại trên tinh thần xây dựng.

Đối thoại thực thi pháp luật và an ninh mạng là một trong 4 cơ chế liên lạc cấp cao được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí thiết lập tại hội nghị thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida) trong khuôn khổ chuyến thăm tới Mỹ hồi đầu tháng 4/2017 của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các cơ chế còn lại bao gồm đối thoại an ninh - ngoại giao; đối thoại kinh tế; và văn hóa - xã hội.

Thách thức an ninh mạng

Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung được đánh giá là không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, mà cả hai còn có thể góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đều là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nên rất nhiều công việc quốc tế lớn cần có sự tham gia tích cực của cả hai nước. Các điểm nóng hiện nay như Syria, Iraq, Libya, Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, khủng hoảng ở Ukraine… có sự ảnh hưởng rất lớn từ quyết định của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Thực tế từ lâu, an ninh mạng đã là một vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc. Dù đã đạt được thỏa thuận song phương về chống tội phạm mạng, song những căng thẳng xung quanh vấn đề an ninh mạng đã cho thấy mức độ thiếu lòng tin giữa hai cường quốc. 

Trong những năm gần đây, Nhà Trắng đã phải mất nhiều thời gian và tâm trí để giải quyết vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ tấn công mạng liên tiếp nhằm vào hệ thống máy tính Mỹ bị nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, nhiều nhận định cho rằng, hầu hết các mạng lưới của Mỹ đều đã từng có dấu ấn của tin tặc Trung Quốc, từ mạng lưới điện quốc gia cho đến tài khoản email của các nhà nghiên cứu Mỹ quan tâm vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Hàng loạt những cáo buộc từ các nhà lập pháp và các công ty an ninh mạng Mỹ đổ dồn về Trung Quốc. Mỹ rất nhiều lần “phàn nàn” về việc quân đội Trung Quốc dùng các kỹ năng chiến tranh mạng để ăn cắp các bí mật thương mại của nước ngoài nhằm giúp cho nền công nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại về những vụ xâm nhập tinh vi nhằm vào bí mật kinh doanh và công nghệ độc quyền cũng như sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, gây ra thiệt hại khổng lồ, ước tính lên tới 300 tỷ USD. Về phần mình, Trung Quốc đã phủ nhận việc bảo trợ cho các hoạt động tấn công của tội phạm mạng nhằm vào Mỹ. 

Có thể thấy rõ, tất cả những điều này này tuy là vấn đề song phương giữa hai nước song phạm vi ảnh hưởng của nó đã lan ra toàn cầu. Các tranh chấp trên biển hay những cuộc tấn công mạng - dù cho lực lượng nào làm và nhằm vào nước nào - thì cũng sẽ làm đảo lộn toàn bộ chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, kéo theo những thay đổi đáng kể trong định hướng chiến lược của các nước khác.

Mặc dù còn nhiều bất đồng, song các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn xác định được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên trong thời gian gần đây, quan chức hai nước liên tục tiến hành các chuyến thăm và các cuộc gặp song phương hay bên lề nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên.

Các nhà phân tích cho rằng, những cam kết hợp tác về an ninh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc là minh chứng cho sự gác lại bất đồng để cùng hợp tác giải quyết các thách thức cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới…