Việt Nam – EU tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững

(PLO) - Hôm nay (21/6), tại Hà Nội, bên lề lễ ra mắt Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG), Liên minh châu Âu cùng 11 nước thành viên là Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Italia, Luxembourg, Slovakia, Tây Ban Nha, Anh và Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Hình ảnh tại lễ ký Tuyên bố chung.
Hình ảnh tại lễ ký Tuyên bố chung.

Tuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (MTPTBV) số 7 “Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người và MTPTBV số 13 “Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó” đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững của LHQ vào ngày 25/9/2015, cũng như trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định Việt Nam đã được gửi cho Công ước khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.

Tuyên bố chung trên sẽ hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp một cách hiệu quả năng lượng có chất lượng cao dành cho phát triển xã hội, đa dạng hóa trong đầu tư và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo Tuyên bố chung, EU và 11 nước thành viên EU sẽ nỗ lực cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam để đạt được các mục tiêu đã được đưa vào trong các chiến lược quốc gia nêu trên, điều chỉnh tối ưu chính sách, thúc đẩy và chuẩn bị cho các dự án tăng cường năng lực có liên quan trong đó có việc xác định nhu cầu đổi mới sáng tạo dành cho các công nghệ năng lượng sạch và cung cấp sự chuyển giao công nghệ giữa EU và Việt Nam, với trọng tâm là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

EU và 11 nước thành viên EU cũng sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc xác định và giới thiệu các dự án năng lượng tiềm năng có thể được tài trợ với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, nhằm cải thiện sự cung cấp và tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ năng lượng hiện đại và các-bon thấp cùng nhiều hỗ trợ khác.

Về phía Việt Nam, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của một lĩnh vực năng lượng hiện đại và bền vững trong đó có sự đóng góp đáng kể của năng lượng tái tạo vào tổng cơ cấu nguồn cung năng lượng; tiếp tục quá trình thực hiện các cải cách về quy định và pháp luật, xây dựng một môi trường phù hợp nhằm thúc đầy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng bên cạnh việc khuyến khích sự rút dần các khoản trợ cấp làm méo mó thị trường và các khoản trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch, đồng thời hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh có hiệu quả kinh tế…