Vụ trao đổi điệp viên lớn nhất giữa Nga và Mỹ sau Chiến tranh Lạnh

(PLO) -Vụ trao đổi 10 điệp viên Nga lấy 4 điệp viên của Mỹ diễn ra hồi năm 2010 được cho là vụ trao đổi điệp viên lớn nhất giữa 2 nước kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 
Anna Chapman
Anna Chapman

Vụ việc càng thu hút sự chú ý của dư luận hơn với sự xuất hiện của nữ điệp viên tóc đỏ bốc lửa Anna Chapman.

Thông tin chấn động

Mùa hè năm 2010, thời tiết rất nóng nực. Ngược lại, như một quy luật bất thành văn, đây là thời điểm thường ít có sự kiện thú vị diễn ra. Vì thế nên thông tin hàng ngày trên báo chí khá tẻ nhạt, hầu như chỉ xoay quanh những vấn đề showbiz hay về tình hình ở Iraq, Afghanistan...

Bỗng nhiên, vào một ngày đẹp trời cuối tháng 6, không chỉ truyền thông Mỹ cả thế giới xôn xao trước thông tin giới chức Mỹ bóc gỡ một đường dây gián điệp quy mô lớn của Nga, bắt giữ 10 người. Đặc biệt, vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev kết thúc chuyến thăm Mỹ. 

Thông tin bom tấn trên vì thế thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Theo ông Frank Figliuzzi – trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI – nhóm gián điệp của Mỹ bị bắt giữ khi đang tìm cách tiếp cận nhóm hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. “Họ đã kết thân với một quan chức trong nội các. Họ muốn có được những thông tin nhạy cảm nhất liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng chúng tôi đã triệt phá được đường dây này trước khi tin mật rơi vào tay họ”, ông Figliuzzi cho hay. 

Theo đại diện FBI, cơ quan này đã theo dõi đường dây gián điệp của Nga trong nhiều năm. Họ đã đặt các camera giám sát ở nhiều nơi, nhờ đó đã phát hiện được nhóm này thường giấu thư từ dưới những cây cầu; bí mật trao đổi thông tin, tiền bạc… bằng cách đào hố chôn trong rừng và đặc biệt là dùng những chiếc máy tính xách tay có cấu hình đặc biệt để truyền tin cho nhau.

Phía Mỹ cho biết thêm rằng đường dây gián điệp của Nga có thể đã hình thành từ cuối những năm 1990. Tất cả các thành viên trong đó đều nói thông thạo tiếng Anh, nhiều người từng học ở Mỹ trong nhiều năm. 2 người trong số này thậm chí đã kết hôn với nhau, sinh con đẻ cái tại và trà trộn vào tầng lớp trung lưu của Mỹ để tiện bề tìm cách giao du, kết thân với các quan chức cấp cao của Mỹ.

Một số người đã đánh cắp danh tính của những người Mỹ đã qua đời, khiến việc phát giác trở nên khó khăn hơn. “Chúng tôi đã phải xử lý đường dây gián điệp người Nga phức tạp nhất”, ông Figliuzzi cho hay. 

Tuy nhiên, chỉ ít lâu vụ bắt giữ chấn động, ngày 8/7/2010, 10 điệp viên của Nga được phía Mỹ trao đổi để lấy 4 điệp viên Mỹ đang bị phía Nga giam giữ. Đây được cho là vụ trao đổi điệp viên lớn nhất giữa Nga và Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Về phía Nga, giới chức Nga sau đó cho biết đường dây gián điệp của họ bị phát giác là do tên Alexander Poteyev – phó giám đốc của bộ phận “S” trong cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, là người giám sát các điệp viên chìm của Nga tại Mỹ - đã phản bội đất nước, tiết lộ danh tính của các điệp viên Nga cho Mỹ. 

Anna Chapman
Anna Chapman

Nữ điệp viên quyến rũ

Trong số những điệp viên bị giới chức Mỹ bắt lần đó, người ta đặc biệt chú ý tới một nữ điệp viên có tên Anna Chapman bởi vẻ ngoài xinh đẹp và đầy quyến rũ của cô ta. Anna Chapman có tên khai sinh là Anya Kushchenko. Cô ta sinh năm 1982 ở Volgograd, Nga trong một gia đình được cho là có truyền thống làm gián điệp vì cha của cô ta - ông Vasily Kushchenko, một nhà ngoại giao kỳ cựu - cũng đã hoạt động gián điệp ở nhiều nước trong thời gian đi sứ.

Tuy nhiên, khác với cha, Chapman không đi theo ngành ngoại giao mà theo học về kinh tế. Trong thời gian học ở trường Đại học Moscow, cô ta tình cờ gặp một doanh nhân người Anh tên Alex Chapman và bén duyên với ông này. Sau khi kết hôn vào năm 2002, Chapman cùng chồng luân phiên sinh sống ở cả Anh và Nga. Tuy nhiên, đến năm 2006, cặp đôi này ly hôn. Chapman sau đó về lại Nga sống một thời gian rồi sang Mỹ sinh sống. 

Sau khi tới Mỹ, Chapman lập một công ty bất động sản và tích cực mở rộng các mối quan hệ. Ban ngày, cô ta tới công ty hoặc gặp khách hàng còn buổi tối thì thường xuyên xuất hiện ở những nhà hàng hay câu lạc bộ đêm nổi tiếng nhất thành phố New York.

Theo tài liệu do tòa án Mỹ cung cấp, những hoạt động này chính là vỏ bọc để Chapman che giấu công việc gián điệp của mình. Nhiệm vụ của cô ta và 9 thành viên còn lại trong đường dây đã bị bắt là xây dựng mối quan hệ với các nhân vật trong giới hoạch định chính sách của Mỹ để tìm hiểu thông tin  rồi gửi về Nga. 

Tuy nhiên, tòa án ở Mỹ không tiết lộ cho đến khi bị bắt giữ, Chapman đã thu thập được những thông tin tình báo gì. Chỉ biết rằng, cô ta bị bắt giữ ít lâu sau khi gặp một điệp viên FBI giả danh một quan chức Nga. Một số người quen biết với Chapman miêu tả cô ta là người ngọt ngào, một số khác cho biết cô ta rất lả lơi. Còn người mẫu Dennis Hirdt từng qua lại với Chapman trong một thời gian thì nói rằng Chapman chính là “chuyên gia trong việc lợi dụng tính nữ” để đạt được mục đích của mình.

Ông Figliuzzi ở FBI cũng cho rằng Chapman không chỉ là một người phụ nữ quyến rũ chết người mà còn là một sỹ quan tình báo được đào tạo bài bản của Nga. Theo nhận xét của giới chức Mỹ, không chỉ giỏi dùng thân xác để quyến rũ con mồi hòng moi tin, Chapman còn là một người có hiểu biết sâu rộng về công nghệ và đặc biệt rất có năng lực gián điệp nhờ vào việc vừa giỏi ngoại ngữ, vừa có thể thích nghi và hòa nhập nhanh chóng vào xã hội khác. 

Cuộc sống hào nhoáng sau sự cố

Sau khi bị phía Mỹ bắt và trục xuất về nước, trong khi nhiều điệp viên khác lựa chọn cách sống kín đáo thì Anna Chapman lại ngược lại. Sau khi trở về và được chào đón như một nữ anh hùng, với vẻ ngoài xinh đẹp và quyến rũ, cô ta xuất hiện với tần suất chóng mặt trên truyền thông Nga, tham gia các show truyền hình, làm người mẫu… 

Chapman được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt và hứa hẹn sẽ giúp có được công việc tốt. Sau đó, cô ta trở thành làm cố vấn cho Chủ tịch ngân hàng Fondservisbank, rồi lại được bầu vào hội đồng nhóm thanh niên trong đảng của ông Putin. Có thời kỳ, cô ta còn định ra tranh cử vào Quốc hội Nga nhưng sau đó rút lại ý định này. 

Năm 2013, Chapman thêm một lần gây dư luận khi cầu hôn cựu nhân viên của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden. Tuy nhiên, đến năm 2015, cô ta sinh con trai nhưng không ai biết cha là ai. Giữa năm 2016, cái tên Anna Chapman lại xuất hiện nhiều trở lại trong các bản tin về việc kẻ phản bội Poteyev qua đời tại Mỹ.

Trước đó, vào năm 2010, sau khi Chapman và những đồng nghiệp bị phát giác, Poteyev đã nhanh chân bỏ trốn tới Mỹ. Năm 2011, ông ta đã bị Tòa án quân sự Nga kết án vắng mặt 25 năm tù giam vì tội phạm phản quốc và bị xem là một trong những kẻ phản bội tồi tệ nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại. Trong phiên tòa đó, Chapman cũng xuất hiện với tư cách nhân chứng và khẳng định Poteyev chính là kẻ phản bội.

Mặc dù vậy nhưng truyền thông Nga dẫn lời một quan chức tình báo nước này khi đó cũng đã đặt ra giả thuyết thông tin về cái chết của Poteyev đã được phía Mỹ giả mạo nhằm bảo vệ nhân chứng. Hiện nay, Chapman có một talk show riêng cùng một chuỗi cửa hàng thời trang mang tên cô ta.../.