Yếu tố Trung Quốc quyết định bầu cử ở Mông Cổ?

(PLO) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mông Cổ diễn ra hôm nay được nhiều người xem là cuộc trưng cầu ý dân về chính sách kinh tế và vai trò của Trung Quốc đối với nước này.
Tuyến đường sắt đang xây dựng dở ở Mông Cổ
Tuyến đường sắt đang xây dựng dở ở Mông Cổ

Chỉ cách mỏ Tavan Tolgoi của Mông Cổ vài km, mỗi ngày có đến khoảng 2.000 chiếc xe tải lên đường để đi qua sa mạc Gobi, chở than tới Trung Quốc trên một con đường hẹp và đầy những “ổ gà, ổ trâu”. Ở gần đó là những trụ bê tông thuộc công trình đường sắt kết nối Tavan Tolgoi tới Trung Quốc. Tuyến đường sắt này được khởi công xây dựng với mục đích giúp Mông Cổ có thể bán được thêm than đá cho Trung Quốc với giá cao hơn, cũng là để tạo nguồn thu cho việc xây dựng dự án.

“Việc xây dựng đường đã bị dừng lại suốt 2 năm”, người đứng đầu chính quyền quận Tsogttsetsii, thuộc tỉnh Orgodol Badarch vừa nói vừa chỉ tay vào lớp sỏi được đổ để làm đường ray nhưng đến nay vẫn nằm chỏng chơ.

Trung Quốc hiện là khách hàng mua các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của Mông Cổ. Từ tháng 1 đến tháng 5/2017, nước này chiếm 68,5% thị phần trong hoạt động ngoại thương của Mông Cổ. Trong đó, 90,5% hàng hóa của Mông Cổ xuất ra cùng thời điểm này được xuất sang Trung Quốc. Trung Quốc muốn mua than và đồng của Mông Cổ, và có tiền để xây dựng các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc vận chuyển nhiên liệu tới nước này. Hiện nay, than đá mà Mông Cổ bán cho Trung Quốc với giá chỉ 66 USD/tấn, bằng nửa giá tiền mà Bắc Kinh mua từ Australia với lý do việc vận chuyển từ Mông Cổ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích kinh tế rõ ràng, các dự án với Trung Quốc cũng đang gây những tranh cãi giữa những người Mông Cổ về tầm ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở nước này. Những tranh cãi này được cho là sẽ thể hiện rõ nét tại cuộc bầu cử Tổng thống Mông Cổ sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (26/6). Tại cuộc bầu cử này, những cử tri sẽ lựa chọn giữa một ứng viên ủng hộ các khoản đầu tư từ nước ngoài và một đối thủ theo chủ nghĩa dân túy, muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên của đất nước. Vì vậy nên cuộc bầu cử này được nhiều người xem là một cuộc trưng cầu ý dân về chính sách kinh tế và vai trò của Trung Quốc đối với Mông Cổ. 

Ông Miyeegombo Enkhbold – người đứng đầu Đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) cầm quyền – tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận đầu tư nước ngoài từ tất cả các nước, trong đó có đầu tư từ Trung Quốc. “Thực tế hiện nay là chúng tôi có nguồn cung, còn Trung Quốc có nhu cầu”, một quan chức của MPP nói. Tuy nhiên, ông này cũng nói rằng Mông Cổ phải đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc không phù hợp vào một nước.  

Đối thủ chính của ông Enkhbold là Khaltmaa Battulga – một cựu ngôi sao võ thuật đến từ Đảng Dân chủ. Ông Battulga đã nhiều lần bày tỏ nghi vấn về mục tiêu của Trung Quốc tại nước này. Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tuần trước, ông Battulga nói rằng Trung Quốc là một đối tác lớn của Mông Cổ nhưng hệ thống đường sắt và giao thông vận tải với bất cứ nước nào đều phải cân bằng giữa an ninh quốc gia với vấn đề kinh tế. “40 đến 50 năm nữa thì những nguồn tài nguyên của chúng ta sẽ cạn kiệt. Đến lúc đó chắc chắn sẽ có xung đột giữa người Trung Quốc và người Mông Cổ”, ông Battulga từng nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2014.

Dù nhu cầu và các thương vụ làm ăn với Trung Quốc có vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của Mông Cổ nhưng cuộc bùng nổ ngành khai thác mỏ tại Mông Cổ trong giai đoạn 2011-2013 đã khiến nhiều chính trị gia ở nước này phải nghĩ về việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Gần đây, Quốc hội nước này cũng đã thông qua một luật ngăn chặn các khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước của nước ngoài nhằm ngăn chặn Tập đoàn Nhôm Trung Quốc mua lại Công ty khai khoáng SouthGobi.

Tại Mông Cổ, các thăm dò trước bầu cử không được tiến hành nhưng theo một khảo sát tiến hành hồi tháng 3 vừa qua, 24,3% người được hỏi ủng hộ MPP, trong khi tỉ lệ này chỉ là 10,6% với Đảng Dân chủ. Ông Sumati Luvsanvandev – người đứng đầu hãng thăm dò Sant Maral – cho rằng, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ thu hút nhiều cử tri Mông Cổ hơn so với chủ nghĩa dân túy. “Tình cảm Trung Quốc không thể mang đến sự ủng hộ cho ông Battulga. Người ta quan tâm đến sự thịnh vượng kinh tế hơn. Do đó, họ có thể nghi ngờ nhưng cũng rất thực dụng”, ông này nhận định.