Bí ẩn sự cố 'đèo tử thần'

(PLO) - Đã gần 60 năm trôi qua, hơn 100 cuộc nghiên cứu của hàng trăm đơn vị, tổ chức lớn nhỏ khác nhau, nhưng cái chết của 9 người leo núi xảy ra ở “Ngọn núi Tử thần” thuộc khu vực có tên Đèo Dyatlov, dãy núi Ural, Nga cho đến nay vẫn là một ẩn số. 
Các thành viên đoàn thám hiểm khi bắt đầu leo núi.
Các thành viên đoàn thám hiểm khi bắt đầu leo núi.

Hành trình định mệnh

Ngày 23/1/1959, một nhóm 10 nhà khoa học làm việc tại Viện Bách khoa Ural, nay là Đại học Kỹ thuật quốc gia Ural (Nga), lên ý tưởng thực hiện một cuộc thử nghiệm về tác động của độ cao và thời tiết khắc nghiệt đối với cơ thể người ở ngọn núi Kholat Syakhl (dân địa phương gọi là “Ngọn núi tử thần”) có độ cao 1.895m, nằm về phía bắc của dãy Ural. Trưởng nhóm là kỹ sư trẻ Dyatlov, cùng hai kỹ sư khác và bảy sinh viên, một hướng dẫn viên.

Ngày 27/1, khi đến dãy Alpine, Yury Yudin, một thành viên của nhóm bất ngờ ngã bệnh. Dyatlov kiên quyết loại anh khỏi nhóm. Yury sau này là người duy nhất sống sót trong đoàn.

Nhóm leo núi chỉ còn 9 người tiến lên điểm dừng chân đầu tiên trong chặng đường vượt núi Gora Otorten. Ngày 31/1, nhóm đến dưới chân ngọn Kholat Syakhl để chuẩn bị cho cuộc chinh phục. Họ chặt cây làm một kho dự trữ thực phẩm và dụng cụ để sử dụng khi quay trở lại.

Sáng ngày 1/2, nhóm bắt đầu leo núi. Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ cố leo đến một ngọn núi ở độ cao 565m ngay trong ngày và cắm trại qua đêm tại đây. Tuy nhiên, do gặp bão tuyết nên họ bị mất phương hướng và đi lạc đến một đèo nằm ở phía bên kia sườn của ngọn Kholat. Khi phát hiện bị nhầm, nhóm trưởng Dyatlov ra lệnh cho cả nhóm hạ trại qua đêm tại đây.

Bia mộ tưởng nhớ 9 thành viên đoàn thám hiểm
Bia mộ tưởng nhớ 9 thành viên đoàn thám hiểm

Dự kiến nhóm có 3 ngày để leo lên đỉnh ngọn Kholat, sau khi thực hiện một số thử nghiệm, họ sẽ xuống núi về lại thị trấn Vizhai. Tại đây, Dyatlov sẽ có nhiệm vụ báo tin cho Viện Bách khoa Ural biết tình hình.

Mãi đến ngày 15/2 vẫn không thấy Dyatlov, Viện Bách khoa Ural quyết định cử một nhóm cứu hộ đến nơi để xem xét tình hình. Đến ngày 20/2 thì cả cảnh sát và quân đội cũng được huy động tham gia vào việc tìm kiếm.

Sau gần một tuần tìm kiếm trong thời tiết khắc nghiệt, đến ngày 26/2, đoàn cứu hộ đến được địa điểm hạ trại của nhóm thám hiểm và phát hiện các căn lều đã bị phá nát nhưng không tìm thấy bất cứ một ai trừ dấu vết chân người. 

Lần theo những dấu vết này, những người cứu hộ tìm thấy 2 thi thể đầu tiên dưới một cây thông gần bìa rừng, cách khu lều trại 1,5km. Trên người họ chỉ mặc đồ lót, và đi chân trần, tay có dấu tích bị đốt cháy. 

Ba thi thể khác nằm cách nơi hạ trại. Cụ thể, cách đó 300m, thi thể trưởng nhóm Igor Dyatlov trong tư thế nằm sấp, nhoài người như cố lết thêm về phía trước. Một tay còn cố nắm cành thông, tay kia được để sau đầu như cố đỡ những nhát đánh chí mạng.

Hai thi thể nữa cách đó vài trăm mét, cũng như đang cố bò về khu trại. Một trong 3 thi thể có hộp sọ bị nứt. Mặc dù vậy, bác sĩ nói nguyên nhân gây ra cái chết cho họ là do giảm thân nhiệt đột ngột. 

Mất thêm 2 tháng nữa thì thi thể của 4 nhà thám hiểm còn lại mới được tìm thấy vào ngày 4/5. Tất cả đều bị vùi lấp 4m bên dưới tuyết trong một khe núi cách nơi phát hiện nhóm nạn nhân đầu tiên khoảng 75m.

Nhưng cái chết của bọn họ trông rất thảm hại. Hộp sọ một người bị dập nát, trong khi hai người khác bị gãy vài cái xương sườn. Tuy nhiên, không có bất cứ vết thương ngoài da nào. Khám nghiệm tử thi cho thấy nữ sinh viên bị mất lưỡi và hai mắt. 

Dấu vết bí ẩn

Được biết, người ta tìm thấy bút tích cuối cùng trong nhật ký của họ và thấy rằng tinh thần của cả đoàn rất thoải mái, họ thậm chí còn viết 1 bài báo có tiêu đề “Buổi tối Otorten”. Ngày hôm sau, họ lên kế hoạch tiếp tục leo núi, chỉ đi khoảng 10km về phía bắc, trước khi trở về nơi cắm trại của họ. Do vậy, cái chết của 9 người chắc chắn là do một điều gì đó gây nên.

Đến tháng 8/1969, các cuộc điều tra của cảnh sát đã dẫn chứng những điểm sau. Đầu tiên, tất cả những cái xác đều không thể chết do con người tác động vì lực quá mạnh. Hộp sọ của hai nạn nhân bị một vật cứng đánh mạnh vào gây vết nứt lớn, trong khi ngực của 2 người khác bị lõm vào trong, thêm vào đó một vài mảnh xương sườn bị vỡ vụn.

Cả 4 nạn nhân đều được nhận định chết do những vết thương chí mạng tổn thương bên trong, nhưng tuyệt nhiên không hề có bất kì vết bầm tím hay tổn hại trên mô mềm. 

Khi điều tra chiếc lều rách bươm tại hiện trường, các chuyên gia phân tích đều đi đến kết luận chiếc lều bị phá nát từ bên trong. Họ đưa ra giả thuyết có lẽ bên trong lều có một sức mạnh nào đó quá mức kinh dị nên mới khiến các nhà thám hiểm “không còn suy nghĩ gì nữa mà bất chấp cào xé rách lều chạy trốn ra ngoài”. 

Tiếp theo, có vẻ như khi gặp nạn nhóm sinh viên đã vội vã rạch lều để bỏ chạy khỏi khu cắm trại của mình và chẳng kịp mang theo đồ đạc. 

Thi thể các nạn nhân được tìm thấy trong tuyết.
Thi thể các nạn nhân được tìm thấy trong tuyết. 

Điều khó lý giải là ban đầu người ta tìm thấy 5 cái xác trong tình trạng chân đất và trên người chỉ mặc mỗi bộ đồ lót. Nhưng khi tìm thấy 4 nạn nhân còn lại, trên người họ mặc quần áo của những nạn nhân được tìm thấy trước đó. 

Khi tiến hành điều tra, các điều tra viên xác định thời điểm ăn tối rơi vào khoảng 7 giờ và không lâu sau thì đi ngủ. Nhiệt độ buổi tối tại sườn Kholat-Syakhl lúc đó là -15 độ C. Không rõ lý do gì mà nhiều thành viên trong đoàn leo núi lại quyết định không mặc đồ giữ ấm khi đi ngủ, dẫn đến việc khi có chuyện xấu xảy ra họ chỉ kịp chạy ra ngoài lều mà không mặc quần áo. 

Các điều tra viên nghi ngờ trong màn đêm buông xuống, các nhà thám hiểm đã phải đối mặt với nỗi sợ kinh hoàng. Các thành viên trong đội nhanh chóng xé, cắt lều để chạy ra ngoài thoát thân mà không kịp mặc thêm quần áo. 

Theo dấu vết của bước chân trên tuyết xung quanh lều, cả đội đều tỏa ra nhiều hướng khác nhau nhưng họ đều cố gắng tìm đồng đội khi đã xuống núi cách xa chỗ lều trại gần 300m.

Trong đám tang tưởng nhớ các nạn nhân, gia đình của những nhà thám hiểm xấu số này còn khẳng định màu da trên người nạn nhân đã chuyển sang màu cam bất thường.Tóc đã mất sắc tố, biến thành màu bạc. Điều này có nghĩa là họ có dấu hiệu bị nhiễm phóng xạ, nhưng cơ quan điều tra không thể tìm thấy nguồn lây nhiễm. 

Sau 3 năm đi tìm lời giải, các nhà điều tra vẫn không đưa ra được một kết luận chính xác cho thảm kịch. Khi không tìm ra được nguyên nhân, người ta đặt ra hàng loạt những giả thuyết khác nhau. 

Giả thuyết đầu tiên đó là đoàn thám hiểm đã phạm sai lầm khi đi vào vùng đất cấm địa của thổ dân Mansi. Sau khi theo dõi lều trại đoàn leo núi dựng, đến đêm, tộc người này đã tấn công toàn đội leo núi, đánh đuổi họ chạy xuống chân núi.

Tuy nhiên, giả thiết này ngay lập tức bị bác bỏ, bởi lực gây ra những vết thương như thế rất lớn, có thể so sánh với lực gây ra trong một vụ đâm ô tô, không thể do con người gây ra. 

Giả thuyết thứ hai liên quan đến người ngoài hành tinh. Giả thuyết khác của thành viên duy nhất sống sót trong đoàn Yudin. Anh cho rằng các bạn mình đã đi vào vùng quân sự bí mật và không may trở thành con mồi trong cuộc thử nghiệm vũ khí thất bại. Tuy nhiên, đội tìm kiếm không phát hiện ra bất kỳ dấu vết của vụ nổ nào, cũng như không có bản báo cáo ghi nhận có cuộc phóng thử tên lửa nào trong khu vực.

Kholat - Syakhl luôn bị coi là vùng nguy hiểm vì luôn xảy ra lở tuyết. Nhiều người cho rằng, các thành viên nghe tiếng động nghĩ có lở tuyết, nên vội vã chạy xuống chân núi trong tình trạng bán khỏa thân. Nhưng giả thuyết này cũng bị bác bỏ, vì tuyết sẽ phủ lấp hết dấu chân chứ không để lại bằng chứng quanh lều. Ngoài ra, sạt lở tuyết không gây ra những vết thương chết người cho nhiều thành viên đến vậy.

Giả thuyết cuối cùng đặc đặt ra đó là “Người tuyết Yeti”. Đây là sinh vật giống vượn, được cho là sinh sống ở khu vực Himalya thuộc Nepal, Ấn Độ, vùng núi Siberia của Nga và cả Bắc Mỹ. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu phản bác giả thiết này với lý do như không tìm thấy dấu chân to lớn nào quanh khu cắm trại.

Đọc thêm